Tranh cãi về tăng lương và năng suất lao động

Việt Nam tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động. Ảnh: Phạm Thanh.
Việt Nam tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Sáng 13/9, tại buổi công bố Báo cáo Tăng lương và năng suất lao động ở Việt Nam, các chuyên gia và nhà quản lý đã có những tranh cãi quanh câu chuyện lương và năng suất lao động (NSLĐ). Trong khi báo cáo nói Việt Nam tăng lương theo ý chí chủ quan của nhà nước thì đại diện cơ quan quản lý lại nói nhóm nghiên cứu chưa khách quan, chỉ nhìn phía doanh nghiệp (DN).

Việt Nam tăng lương quá nhanh?

Báo cáo Tăng lương và năng suất lao động ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR – thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, hơn 1 thập kỷ gần đây, lương tối thiểu của Việt Nam liên tục tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng 2 con số. Tốc độ tăng lương vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, trong khi NSLĐ thấp hơn các nước láng giềng. Cùng đó, phần DN phải chi trả cho các khoản bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. “Tăng lương tối thiểu làm tăng lo ngại về cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế. Lương phải phản ánh đúng NSLĐ, nhưng thực tế Việt Nam không hẳn vậy”, ông Thành nói.

Ông Thành dẫn chứng, GDP bình quân của Trung Quốc khoảng 7.000 USD/người, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD/người, dù lương tối thiểu của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc chút ít. Tương tự, Indonesia, Philippines có lương tối thiểu thấp hơn Việt Nam, các khoản đóng bảo hiểm xã hội cũng ít hơn rất nhiều; chi phí lương và bảo hiểm của Việt Nam tương đương Thái Lan. Giai đoạn 2004-2015, NSLĐ trung bình của Việt Nam đạt 4,4%/năm, nhưng lương bình quân tăng tới 5,8%/năm (tăng cao hơn NSLĐ 1,4%/năm). “Lương của nước ta tăng liên tục nhưng không liên quan tới NSLĐ, trong khi các nước tăng lương theo NSLĐ. Mức tăng lương của Việt Nam cũng không rõ trên cơ sở nào, có thể chỉ làm hài lòng người lao động, không liên quan tới NSLĐ hay các vấn đề khác”, ông Thành nói.

Phản hồi lại nghiên cứu trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia) cho rằng, các lập luận trên chưa thuyết phục và thiếu cơ sở. Theo ông Chính, mức tăng NSLĐ nhóm nghiên cứu đưa ra là 4,4%/năm, nhưng đây là NSLĐ chung của cả xã hội, trong khi lương tối thiểu chỉ áp dụng với khu vực công nghiệp và có quan hệ lao động. “Nếu so lương tối thiểu phải so với NSLĐ khu vực công nghiệp, không thể so với năng suất chung. Về nguyên tắc, tốc độ tăng lương không thể nhanh hơn NSLĐ”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, nghiên cứu trên cũng chưa đưa ra các đặc thù của Việt Nam. Như DN luôn có 2 bảng lương, 1 bảng lương bằng lương tối thiểu dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, 1 bảng lương khác là mức thực nhận của người lao động. Mức thực nhận sẽ cao hơn nhiều lương tối thiểu. “Lương tính đóng bảo hiểm xã hội chỉ 4 triệu đồng/tháng, nhưng lương thực nhận người lao động lên tới 6-7 triệu đồng/tháng với nhiều khoản phụ cấp khác nhau”, ông Chính nói. Theo ông Chính, hiện lương tối thiểu chưa đủ sống, nên phải tăng tới mức đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Khi lương đã đủ mức sống tối thiểu, tăng lương sẽ chỉ để bù trượt giá, theo mức tăng GDP, lúc đó mức tăng lương chỉ 3-4%/năm, thay vì mức 7-8%/năm hiện nay.

Đại diện Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, nghiên cứu trên đang đưa ra đánh giá nghiêng về phía DN, chưa có cái nhìn từ phía người lao động, nên còn phiến diện. Ông Chính dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện chỉ 6% lao động có tích lũy, mức tích lũy cũng chỉ 1-2 triệu đồng/tháng, đa số người lao động phải sống tằn tiện bằng đồng lương ít ỏi. Thậm chí, 20% người lao động có lương không đủ sống.

Nguy cơ máy móc thay thế con người

Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, khi lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến việc làm giảm 0,13%. Việc cắt giảm lao động nhiều nhất diễn ra ở ngành dùng nhiều lao động, như may mặc, chế biến, chế tạo, đồ gỗ… Những DN này cũng có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc nhiều hơn. Trong khi các ngành điện tử, công nghệ lại giảm đầu tư cho sản xuất khi lương tăng. “Những ngành nghề trên đang là thế mạnh của Việt Nam, nhưng lương tăng khiến việc làm bị cắt giảm, hoặc DN hạn chế mở rộng đầu tư sản xuất, việc làm mới sẽ ít đi”, TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, Báo cáo Việt Nam tới năm 2035 đã chỉ ra, trong 4 mối lo dài hạn lớn nhất của Việt Nam thì NSLĐ thấp và suy giảm là mối lo xếp đầu tiên. Giai đoạn 2006-2010, NSLĐ bình quân tăng 5,3%/năm, nhưng 5 năm tiếp theo (2010-2015), NSLĐ chỉ còn tăng 3,5%/năm. “Rõ ràng, dù thời gian qua khu vực công nghiệp liên tục được tăng lương, nhưng cũng không giúp tăng NSLĐ. Cách thức tăng lương thời gian qua đang tạo hiệu ứng ngược, đang kìm hãm cạnh tranh và giảm động lực tăng NSLĐ”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng dẫn nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, trong khoảng 10 năm tới, có tới 68% lao động trong khu vực may mặc, điện tử có thể mất việc làm. Điều này do các DN sử dụng máy móc thay con người, và xu hướng các nước công nghiệp đưa việc làm về nước họ. “Dù lương tăng lên nhưng việc làm lại mất đi, điều này cần được xem xét. Chúng ta đang tăng lương cho người có việc làm, nhưng chưa nghĩ tới tiền lương phải tạo thêm việc làm cho những người chưa có việc, đang chờ việc. Trong vài năm tới, mối lo nhất là thiếu việc làm, điều này giờ chưa đáng ngại nhưng phải được tính tới. Khi việc làm không có sẽ ảnh hưởng tới ổn định xã hội”, bà Lan cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến nghị, cần xem lại cơ sở xét tăng lương hiện nay, không thể dùng khái niệm chung chung là “mức sống tối thiểu” để tăng lương. Do nhu cầu sống mỗi người mỗi khác, các tiêu chí lựa chọn còn nhiều tranh cãi. “Không nên xem lương tối thiểu như chính sách an sinh xã hội thuần túy, không tăng lương theo ý chí chủ quan. Lương tăng phải theo NSLĐ tăng và phải có mức lương tối thiểu theo giờ, thay vì mức lương theo tháng hiện nay”, TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Tiến sỹ Futoshi Yamauchi, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tính toán, khi lương tối thiểu tăng 1%, lương trung bình sẽ tăng 0,32%, việc làm giảm 0,13%. Cùng đó, chi phí cho bảo hiểm xã hội tăng 0,14%, còn lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 2,3%. Lương tăng tác động tới doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Tăng lương sẽ khiến các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc để thay thế nhân công, gây ra tình trạng sa thải lao động, thiếu việc làm”, ông Futoshi Yamauchi nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.