Ngày 15/5, tại TP. Cần Thơ, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Con sông khô cạn tại Tiền Giang vào năm 2020. Ảnh: Hòa Hội |
Thiếu nước, gia tăng sụt lún
PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hằng năm tại vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh kế cộng đồng.
Mùa khô năm 2024, nhiệt độ không khí đã gia tăng đáng kể, cao hơn các kỷ lục đã ghi nhận nhiều hệ lụy như nhiễm mặn sâu, sốc nhiệt, tai nạn và nhiều tiêu cực khác.
Nước lũ về ĐBSCL giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn (thiếu nước trong cả mùa mùa lũ) và mùa khô, cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún đồng bằng, khiến xu hướng xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô; đặc biệt những năm có hiện tượng El-Nino.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên,Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội |
Ông Tuấn cho rằng, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển. Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện chỉ đủ tưới cho 50% diện tích lúa toàn vùng (được 700 – 800 nghìn ha lúa, trong tổng số 1,5 triệu ha đất trồng lúa toàn ĐBSCL, chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười). Đặc biệt, mùa khô 2024, xuất hiện sạt lở, sụt lún xảy ra ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang.
Cùng đó, nhiều địa phương xây cống ngăn mặn, đê bao canh tác, vô tình khiến tình trạng mặn trở nên sâu hơn do nước tù và nước ô nhiễm. “Nếu vận hành không tốt các cống, vô tình khiến xâm nhập mặn nặng nề hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”, ông Tuấn cảnh báo.
Từ đó, ông Tuấn đề xuất chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, cần giảm diện tích lúa chuyển sang thuỷ sản, rau màu và cây ăn trái; tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên; xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Ngoài ra, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên giám đốc ĐHQG TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hòa Hội |
Tác động do con người?
Sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, từng tham gia nhiều dự án, nghiên cứu về giải pháp ứng phó với tình trạng ở ĐBSCL, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14) đánh giá: Việc ứng phó những vấn đề của ĐBSCL đang “chậm”. Các giải pháp hiện nay đã được đề xuất từ năm 2016.
Theo ông Bình, có 3 tác động làm cho ĐBSCL khó khăn về nguồn nước: Do biến đổi khí hậu, do con người tại chỗ và do tác động của thượng nguồn. Trong đó, yếu tố con người tại chỗ rất quan trọng.
"Cần xem lại chúng ta đã đối xử với môi trường của ĐBSCL như thế nào, để tạo ra những biến động của môi trường. Những tác động này bị tăng lên bởi biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn", ông Bình nói.
Vấn đề lún sụt, ngập mặn phải chăng đến từ việc khai thác cát, nước ngầm quá mức? Ông Bình cho rằng, cần nhận thức rõ việc này, cộng đồng phải thay đổi cách sống, cách sản xuất, sinh kế.
Theo ông Bình, việc lún sụt có tác động đến xâm nhập mặn. Nước biển dâng vài milimet mỗi năm, nhưng lún sụt vài centimet mỗi năm, gấp 10 lần nước biển dâng. "Lún sụt do mình, bởi ĐBSCL mới bồi lắng, nếu không giữ được nước, không giữ được trầm tích nó sẽ lún, và thực tế đang diễn ra như vậy", ông Bình nói.
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam phát biểu. Ảnh: Hòa Hội |
ĐBSCL không thiếu nước, nhưng chưa giữ được
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được. Trong đó có việc phát triển vùng thượng lưu sông Mê Kông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu – nước biển dâng; tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.
Theo ông Hoằng, dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, ĐBSCL đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên trước đây.
Từ đó, ông Hoằng khuyến nghị việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên; làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.
Cụ thể về giải pháp, ông Trần Bá Hoằng nêu, bên cạnh các giải pháp phi công trình thì giải pháp công trình rất quan trọng. Các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch có khả năng đạt 2,5 - 3 tỷ m3 (như hồ Ba Lai ở Bến Tre trữ được 80 triệu m3); trữ nước trong mương vườn, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.
“ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô, nước vẫn về ĐBSCL 60-70m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề là giữ nước để sử dụng”, ông Hoằng nói.