Vị bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân đột quỵ miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 20 năm hành nghề ở TPHCM, bác sĩ Trần Chí Cường rời trung tâm đô thị lớn nhất nước về Cần Thơ đầu tư một bệnh viện hiện đại chuyên về đột quỵ với mong muốn cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây.

Sinh ra tại vùng quê nghèo ở Đồng Tháp, học ở Cần Thơ, tốt nghiệp y khoa năm 2000, sau đó lên TPHCM, rồi quay về Cần Thơ xây dựng bệnh viện, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (chuyên về đột quỵ) chia sẻ ý nguyện muốn giúp đỡ các bệnh nhân ở miền Tây.

"Nếu như làm một cái gì đó tối tân và hiện đại nhất ở TPHCM thì cũng sẽ không cứu được số lượng bệnh nhân đến từ miền Tây, đó là một thực tế", bác sĩ Cường nói.

Ông Cường thông tin, năm 2015, thống kê tại các bệnh viện ở TPHCM cho thấy, chỉ có 3% các bệnh nhân đạt được "thời gian vàng" (trước 6 giờ đồng hồ), sau giờ vàng này, mặc dù là những doanh nhân có tiền cũng không cứu được.

"Niềm trăn trở làm sao tiến gần được người dân hơn là lý do để chúng tôi dốc toàn tâm toàn lực, huy động mọi nguồn lực để cho ra đời bệnh viện tại Cần Thơ", bác sĩ Cường chia sẻ.

Vị bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân đột quỵ miền Tây ảnh 1

Bác sĩ Trần Chí Cường chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ doanh nhân Đồng bằng sông Cửu Long nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: CK.

Nói về lý do tại sao không về quê hương Đồng Tháp xây dựng bệnh viện mà chọn Cần Thơ, bác sĩ Cường cho rằng, ở Cần Thơ có thể cứu được nhiều người hơn.

Dẫn chứng một bệnh nhân là bác sĩ sinh năm 1990 bị đột quỵ, bác sĩ Cường cho biết, đột quỵ không chừa bất kỳ một ai, kể cả bác sĩ đang chữa đột quỵ có thể cũng bị đột quỵ...

"Với góc nhìn của một bác sĩ, tôi muốn đầu tư những gì tốt nhất để cứu chữa cho bệnh nhân. Bệnh viện có tổng đài miễn phí để người dân gọi (vì lúc đang nguy cấp mà điện thoại hết tiền vẫn gọi được), không có bất kỳ cuộc gọi nào bị bỏ sót", bác sĩ Cường nói thêm.

Một điều đặc biệt khác, bác sĩ Cường cho biết, bệnh viện không quên người nghèo. Khi mới xây bệnh viện ông đã nói, không để bất kỳ một bệnh nhân đột quỵ khi đến với bệnh viện mà không được cứu chữa.

"Mỗi năm trung bình chúng tôi chi khoảng 3 tỷ đồng để giúp người nghèo, năm nay có thể nhiều hơn. Mô hình của bệnh viện có thể nhân rộng ra các nơi khác, đặc biệt là quay về TPHCM để mở trung tâm đột quỵ, rồi có một cơ sở ở Đồng Tháp trong tương lai... Đó là ước mơ và ý tưởng của tôi", bác sĩ Cường nói, đồng thời mong muốn có sự góp sức đầu tư "tốt nhất cho ngành y tế".

MỚI - NÓNG