Vất vả mưu sinh, nam sinh khao khát quay lại giảng đường đại học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khao khát được tiếp bước trên con đường đèn sách, Lê Tiến Sỹ đã vất vả bươn chải từ những ngày còn nhỏ, làm qua đủ mọi nghề kiếm tiền trang trải học phí, tiếp tục việc học.

Lê Tiến Sỹ hiện là sinh viên năm nhất chuyên ngành Quan hệ công chúng, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Sinh ra trong một gia đình làm nông, cuộc sống gắn bó với cây cao su, tuổi thơ của Tiến Sỹ không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Ngày còn nhỏ, Tiến Sỹ thường gắn liền với những trận đòn roi và những cuộc cãi vã của bố mẹ. Không chịu được cuộc sống hôn nhân không có hạnh phúc và bạo lực gia đình, mẹ Sỹ đã ly dị với bố anh khi anh bắt đầu lên lớp lá. Những tưởng sau đó cuộc sống sẽ tốt hơn nhưng tháng ngày tồi tệ lại tiếp tục tiếp diễn sau khi mẹ Sỹ “bước tiếp bước nữa” và sinh em Sỹ. Khi ấy, Tiến Sỹ rơi vào hoàn cảnh không ai nương tựa, bị bố dượng đánh đập, chửi mắng, thậm chí đe dọa tính mạng buộc phải về ở với bà ngoại.

Đến năm lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ lại khuyên Sỹ nghỉ học, phụ bà đi làm rẫy. Nỗi tủi thân cứ thế dồn nén khiến đứa trẻ mới 15 tuổi bật khóc trước mặt thầy cô khi nghĩ đến tình cảnh của bản thân. Và cũng từ đó, Lê Tiến Sỹ quyết định tự lập để tự mình trang trải cuộc sống và tiếp tục con đường đèn sách. Những ngày cuối tuần, Sỹ vào rẫy phụ ngoại cạo mủ cao su, bóc mủ chén, giật mủ dây, bón phân cho cây cao su, quét thuốc kích thích mủ. Mỗi 1 mẫu như vậy, Sỹ được ngoại cho 50.000 đồng, tuy không nhiều nhưng vẫn đủ trang trải tiền học phí cấp THCS, THPT của anh.

Vất vả mưu sinh, nam sinh khao khát quay lại giảng đường đại học ảnh 1
Lê Tiến Sỹ (thứ 3 từ trái sang) phải vất vả mưu sinh từ khi còn nhỏ để tự lo học phí. (Ảnh: NVCC)

Có lẽ so với nhiều bạn đồng trang lứa khác, cuộc đời Tiến Sỹ có quá nhiều thách thức mà bất cứ ai nghe thấy cũng không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Năm 2002, dù đã đủ điểm đậu vào Trường ĐH Văn Hóa TPHCM nhưng Sỹ đành phải từ bỏ hoàn cảnh vì khó khăn tài chính. Ngày từ Sài Gòn hoa lệ trở về nhà, Tiến Sỹ trở nên trầm mặc, không dám đối diện với sự thật mình phải từ bỏ ước mơ còn dang dở, chỉ biết trốn trong phòng không dám ra ngoài. Một tháng sau đó, khi đã bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo, Tiến Sỹ quyết định gap year một năm, đi làm kiếm tiền trang trải học phí.

Không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, để kiếm đủ chi phí cho việc học và tiền sinh hoạt, Lễ Tiến Sỹ phải làm qua đủ mọi ngành nghề.

Năm 2022, Sỹ bắt đầu công việc decor tiệc cưới với mức thù lao 200.000 đồng/ngày, chỉ làm hai ngày trong tuần. Nhận thấy công việc bấp bênh, Sỹ xin nghỉ và vào làm ở công ty giấy ChuangYuan tại khu công nghiệp Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Mỗi ngày, Sỹ phải làm việc 12 tiếng, bên cạnh tiếng băng chuyền, tiếng mắng chửi ép sản lượng của tổ trưởng, đầu óc trống rỗng như một con robot được lập trình sẵn, tay làm không ngừng nghỉ từ khi mặt trời còn chưa mọc đến tận gần khuya.

Theo bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ, Sỹ là người hòa đồng, tận tâm với công việc, luôn hoàn thành tốt công việc của mình và hết lòng giúp đỡ các đồng nghiệp xung quanh khi họ gặp khó khăn.

Huỳnh Gia Bảo, đồng nghiệp cùng làm shipper ở một app ship hàng với Sỹ cho biết: “Nếu ai mà làm chung với Tiến Sỹ thì mình tin chắc rằng người đó sẽ thấy được sự cố gắng từng ngày và sự “nhiệt tình” trong Sỹ.

Vất vả mưu sinh, nam sinh khao khát quay lại giảng đường đại học ảnh 2
Trong mắt bạn bè, Tiến Sỹ (thứ ba từ trái sang) là người độc lập, mạnh mẽ rất đáng ngưỡng mộ. (Ảnh: NVCC)

Càng một mình bôn ba làm nhiều công việc, Lê Tiến Sỹ lại càng khao khát được quay về giảng đường để thay đổi số phận.

Tiến Sỹ quan niệm: Không ai có quyền quyết định cuộc đời thay bạn. “Khi mình cố gắng, cuộc sống sẽ tốt hơn. Ngược lại khi buông xuôi tất cả thì cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời. Được đi học tiếp thu tri thức là một niềm vui. Và khi đem tri thức ấy đóng góp cho cộng đồng, xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước thì đó không chỉ là niềm vui mà còn cả sự hạnh phúc”, Tiến Sỹ tâm sự.

Vất vả mưu sinh, nam sinh khao khát quay lại giảng đường đại học ảnh 3
Tiến Sỹ luôn kiên trì và nỗ lực để theo đuổi con đường học vấn. (Ảnh: NVCC)

Sau khi để dành đủ chi phí, Lê Tiến Sỹ quay lại giảng đường đại học với thành tích thủ khoa đầu vào ngành Quan hệ công chúng, trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Nỗ lực bền bỉ của anh trên con đường học vấn cũng giúp anh nhận được học bổngNâng bước thủ khoa” - hoạt động thường niên trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nambáo Tiền Phong tổ chức.

Hiện tại, Tiến Sỹ đang sống với mẹ và hai người em. Cuộc sống gia đình có mức sống bình thường nhưng vì là anh cả trong nhà nên Sỹ đã phải làm việc để đỡ đần phần nào cho mẹ và giúp các em Sỹ có cuộc sống tốt hơn.

Ban Tổ chức chương trình “Nâng bước thủ khoa” trân trọng cảm ơn Nhà tài trợ Vàng: Công ty cổ phần tập đoàn MASTERISE; Nhà tài trợ Bạc: Tập đoàn Keppel Land tại Việt Nam; Nhà tài trợ Đồng: Ngân hàng Quốc tế VIB, Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải; Nhà tài trợ Đồng hành: Công ty cổ phần tập đoàn KN Holdings, Công ty cổ Phần C-Holdings, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH T.M.L Việt Nam, Công ty cổ phần kinh doanh Bất động sản Trần Anh House…

MỚI - NÓNG