Giảm hàng nghìn tỷ đồng doanh thu
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành chia sẻ, dịch nCoV đã làm giảm đáng kể nhu cầu đi lại của khách trong và ngoài nước trên mạng đường bay của hãng. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng số khai thác của VNA, nên việc dừng các chuyến bay đi/đến Trung Quốc từ 1/2/2020 đã làm giảm khoảng 70.000 khách di chuyển mỗi tháng giữa 2 quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc.
Theo ông Thành, trường hợp thị trường có thể phục hồi vào tháng 7 tới, VNA vẫn có thể bị thiệt hại 196 triệu USD (tương đương hơn 4.500 tỷ đồng) do dịch nCoV. “Chúng tôi sẽ tìm những biện pháp để tiết giảm chi phí và tối đa hóa hiệu quả kinh doanh, như điều chỉnh giảm tải hoạt động để đối phó với những tổn thất và đạt được kết quả tài chính tích cực cho năm 2020”, CEO VNA nói.
Lãnh đạo Cty CP Cảng Quy Nhơn (Bình Định) cho hay, các tàu hàng chở gỗ từ cảng này đi các cảng phía Nam Trung Quốc đều bị thêm thời gian dỡ hàng do Trung Quốc kéo dài thời gian kiểm tra phòng dịch. Điều này dẫn tới sản lượng khai thác tàu giảm 10-15%, và kéo theo sản lượng hàng hóa thông cảng cũng giảm tương ứng. Riêng trong tháng 1 vừa qua, sản lượng hàng thông qua cảng giảm tới 100.000 tấn so với kế hoạch, số giờ làm việc của cảng chỉ còn 20 ngày/tháng.
Còn hãng tàu T.S Lines (Hải Phòng) chia sẻ, trước khi có dịch nCoV, mỗi tháng hãng khai thác khoảng 12-13 chuyến tàu ghé qua Trung Quốc lấy/trả hàng, nhưng từ thời điểm xảy ra dịch chỉ còn 7 tàu/tháng, sản lượng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, các hãng tàu ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho thuyền viên, người lao động, vì chỉ cần 1 thuyền viên nhiễm bệnh, các thuyền viên khác sẽ bị cách ly, tàu cũng phải dừng hoạt động để khử trùng, thiệt hại sẽ lớn hơn.
Đường bộ và đường sắt liêu xiêu
Ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, do ảnh hưởng của dịch nCoV đúng vào giai đoạn cao điểm sau Tết, nên nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Ông Nhân ước tính, sản lượng tàu khách sau tết giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh, sinh viên kéo dài thời gian nghỉ học, các hãng lữ hành hủy tour, nên đợt tàu dự kiến tăng cường cho Tết đã phải cắt giảm sớm từ ngày 11 tháng Giêng thay vì ngày 20 như tết các năm trước. Thậm chí, sau khi dừng tàu tăng cường, các đoàn tàu thường nhật cũng không phải nối thêm toa do nhu cầu đi lại giảm mạnh. Dù khách giảm, nhưng theo ông Nhân, công ty vẫn phải tăng chi các khoản để phòng dịch, như phun khử trùng đoàn tàu, nhà ga; đo thân nhiệt, phòng cách ly, khẩu trang, nước rửa tay...
Cùng chung cảnh ngộ, khi nhà chức trách khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, học sinh, sinh viên nghỉ học dài hơn để phòng chống dịch nCoV, các đơn vị vận tải đường bộ “như ngồi trên đống lửa” vì vắng khách.
“Vận tải đường bộ thiệt hại lớn, các doanh nghiệp taxi giảm doanh thu từ 35-40% so với cùng kỳ năm trước, do người dân lo ngại dịch nên hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; trong khi đáng ra đây là thời gian khai thác tốt của các hãng”, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp có hơn 19.000 taxi. Theo ông Hùng, để đối phó dịch, các doanh nghiệp taxi đều chủ động khuyến cáo tài xế đeo khẩu trang, xịt khử trùng, tăng nhiệt độ xe...
Dù vậy, lượng khách đi lại giảm, số lái xe trở lại làm việc sau Tết cũng mới đạt 80-90%, có doanh nghiệp chủ động cho tài xế nghỉ Tết dài hơn. Thậm chí, có xe không bắt khách dọc đường, hoặc chỉ hoạt động chút buổi sáng rồi về, vì ít khách. Ông Hùng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, như giảm thuế VAT, giảm phí đường bộ, giảm thuế để giảm giá xăng dầu, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ hoặc giãn nợ cho doanh nghiệp...
Với xe khách tuyến cố định, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội), cho biết: “Tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu của doanh nghiệp giảm trên 50%, nếu dịch bệnh kéo dài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”. Trong trường hợp xấu nhất, ông Hải cho hay, doanh nghiệp sẽ tính phương án giảm tần suất hoạt động và cắt giảm nhân sự để bù lỗ.
Theo ông Hải, phương tiện bị ảnh hưởng nhiều nhất là xe hợp đồng, khi từ Tết tới giờ loại hình vận tải này gần như dừng hoạt động, vì người dân dừng đi các lễ hội đầu năm; còn xe khách tuyến cố định cũng cắt giảm 40% so với cùng kỳ Tết trước.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, thông thường dịp đầu năm bến xe vẫn có các tuyến xe chạy đường dài như Tây Nguyên, TPHCM đông khách, tuy nhiên năm nay nhiều nhà xe tuyến này cũng bỏ lượt vì 2 tuần nay không có khách. Với các tuyến có cự ly ngắn như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… nhiều nhà xe cũng báo bỏ lượt, không chạy.
Theo ông Thành, bình thường mỗi ngày bến có khoảng 800 lượt xe xuất bến, nhưng hiện nay chỉ xuất bến khoảng 500 đến 600 lượt xe. Tại Bến xe Mỹ Đình, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe cũng cho biết, bình thường bến có 900 lượt xe xuất bến mỗi ngày, nhưng hai tuần qua chỉ khoảng 700 đến 800 lượt xe xuất bến/ngày, số lượt xe bỏ bến được doanh nghiệp thông báo là do không có khách.
Đề cập lượng khách đi xe buýt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải buýt tại Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch virus corona lượng khách đi trên các tuyến buýt cũng giảm 20%.
Trọng Đảng