“Vẫn diễn biến phức tạp”

“Vẫn diễn biến phức tạp”
TP - “Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp”. Năm nào vào dịp Tết trên nhiều tờ báo lại có những nhận định như thế. Một phần là do các phóng viên “lười” suy nghĩ trong việc đặt tít, hoặc giả nội dung báo cáo không có gì mới nên người viết không nghĩ được tít gì hay hơn.

Nhưng đối với cơ quan quản lý, “vẫn diễn biến phức tạp” nên được xem là sự hạn chế của hệ thống chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại. Cuối năm là dịp những con số về các vụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được đưa ra, năm sau cao hơn năm trước về số vụ và giá trị danh nghĩa số hàng bị bắt giữ.

Những con số này đối với người dân chẳng nói lên điều gì và ngay cả với cơ quan quản lý, nó thực ra cũng chẳng giúp chứng tỏ được gì bởi ai mà biết số hàng lậu, hàng giả được phát hiện kia chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số hàng giả, hàng nhái, hàng lậu được tung ra thị trường và đã có bao nhiêu được tiêu thụ trót lọt.

Rất nhiều chuyên gia nhận định số hàng giả, hàng lậu bị bắt giữ chỉ là phần rất nhỏ. Điều nguy hại của hàng lậu, hàng giả là rất rõ ràng: ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và tác động xấu đến nền kinh tế.

Nhưng vì sao cuộc chiến chống hàng giả cứ mãi gian nan? Có chuyên gia trong hội thảo hôm qua tại TPHCM cho rằng muốn chống hàng giả cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội, cần doanh nghiệp chủ động chống hàng giả, cần người tiêu dùng chủ động tố giác các sản phẩm, các công ty làm ăn sai trái. Nhưng đối tượng cần chủ động hơn cả trong cuộc chiến này phải là cơ quan chức năng.

Nếu chỉ ngồi đó trông chờ doanh nghiệp bỏ tiền ra thuê thám tử, chiến đấu với những kẻ làm ăn gian dối, chờ người dân vốn đã mệt mỏi nay nhảy vào vòng kiến nghị, khiếu nại với kết cục chẳng biết ra sao, thì tình hình sẽ mãi “diễn biến phức tạp” tiếp diễn. Bởi thực tế đã có doanh nghiệp phải tự mình đấu tranh với hàng giả, nhưng chuyện đưa làm hàng giả ra tòa là cả một vấn đề trong khi doanh nghiệp còn đó bao nỗi lo thường trực khác, người dân cũng còn đó những chuyện cơm áo gạo tiền cấp kỳ.

Đã có những lần người dân tại TPHCM lên phường trình báo về một vài cơ sở có dấu hiệu làm ăn gian dối nhưng rồi họ lại được hướng dẫn tiếp sang “đội liên ngành”, trong khi lẽ ra chính quyền, cơ quan chức năng phải chủ động tìm đến người dân để thu thập thông tin.

Chỉ khi cơ quan công quyền làm tốt, làm tới nơi tới chốn nhiệm vụ của mình, với tinh thần quyết liệt với hàng lậu hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại thì lúc đó doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn, người dân tự tin mua sắm, nền kinh tế mới ổn định phát triển.

MỚI - NÓNG