Vắc-xin Việt xuất ngoại

Tiêm vắc-xin mở rộng tại một Trung tâm Y tế ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Tiêm vắc-xin mở rộng tại một Trung tâm Y tế ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Sau 14 năm miệt mài nghiên cứu, hôm nay (22/6) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức trao chứng nhận cho Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam (NRA) đạt tiêu chuẩn WHO. Trò chuyện với PV Tiền Phong dịp này, GS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nói đây là thành tựu đáng tự hào và mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc-xin Việt Nam ra thế giới.

Nỗ lực nào để Việt Nam trở thành quốc gia thứ 39/44 nước sản xuất vắc-xin trên thế giới nhận được chứng chỉ này của WHO, thưa ông?

14 năm qua Bộ Y tế đã nỗ lực, cố gắng cao độ kèm theo đó là sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế khác. Từ năm 2001, Bộ Y tế đã bắt đầu đăng ký các tiêu chuẩn của NRA, các năm sau đó liên tục các đoàn chuyên gia của WHO sang đào tạo, tập huấn về vắc-xin. Chúng tôi đã làm một công việc khổng lồ khi có hơn 80 cán bộ của 4 đơn vị thực hiện chức năng NRA gồm: Cục Quản lý Dược, Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ, Viện kiểm định quốc gia và sinh phẩm y tế...

Ngoài xây dựng hàng trăm quy trình chuẩn, hàng trăm cuộc họp, tập huấn với sự chủ trì trực tiếp của lãnh đạo Bộ, chúng tôi còn đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại... và làm việc không ngừng nghỉ.

Cơ hội đã rộng mở nhưng không ít thách thức sau khi vắc-xin Việt Nam được công nhận NRA, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Một thách thức lớn đối với việc cung ứng vắc-xin cho toàn thế giới là việc tiếp cận với các vắc-xin có chất lượng khi cần thiết. Các sự kiện gần đây như đại dịch cúm, Ebola hay MERS-CoV đã chứng minh sự cần thiết phải đảm bảo có đủ các loại vắc-xin có chất lượng cho chương trình tiêm chủng quốc gia.

Để đảm bảo các sản phẩm vắc-xin được sản xuất ra có chất lượng và an toàn, WHO đã xây dựng theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá được áp dụng thống nhất cho tất cả các quốc gia trên thế giới, thông qua NRA. Các tiêu chí đánh giá trong bộ công cụ đánh giá nhằm mục đích cao nhất là vắc-xin sản xuất ra đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả theo tiêu chuẩn thống nhất của quốc tế.

Như vậy có thể nói việc NRA của Việt Nam được WHO cấp chứng nhận có ý nghĩa rất quan trọng, khi vắc-xin sản xuất tại Việt Nam được tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế chung của toàn cầu, chất lượng vắc-xin của Việt Nam được khẳng định như các nước khác. Cánh cửa cho việc xuất khẩu vắc-xin “made in Việt Nam” ra quốc tế đã được mở.

Người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ việc này? Theo ông tương lai của vắc-xin Việt Nam và vị thế của nó trong cuộc cạnh tranh với các nước lớn khác như thế nào?

Vắc-xin Việt xuất ngoại ảnh 1

GS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế 

Các nhà sản xuất vắc-xin của Việt Nam đã có bề dày thành tích, đã sản xuất và cung ứng hàng chục triệu liều vắc-xin các loại phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân trong nước, được đánh giá là an toàn và có hiệu quả phòng bệnh cao. Với việc tự sản xuất được các vắc-xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà sản xuất đã tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng do không phải nhập khẩu vắc-xin.

Vắc-xin sản xuất trong nước đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh với giai đoạn chưa có tiêm chủng mở rộng cho thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần.

Vắc-xin của Việt Nam còn được xuất khẩu và thu về cho nhà nước hàng triệu đô-la. Thời gian vừa qua, Công ty VABIOTECH đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vắc-xin viêm não Nhật Bản B vào Ấn Độ, trong khi Ấn Độ cũng là một đất nước có ngành công nghiệp sản xuất vắc-xin phát triển; vắc-xin viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông-Timo; 32.000 liều vắc-xin viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vắc-xin Tả uống đã được xuất khẩu đến Srilanka, Philippines, Ấn Độ.

WHO cho biết trước mắt có 4 loại vắc-xin của Việt Nam gồm: Viêm não nhật bản B, vắc-xin Sởi, Viêm gan A, Viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu.

Xin cám ơn ông.

Thời gian qua vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” cháy hàng, liệu trong tương lai Việt Nam có quan tâm để sản xuất hai loại vắc-xin này không, thưa ông?

Đầu năm 2015, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế cũng đã giao VABIOTECH là đơn vị chủ trì nghiên cứu phối trộn các vắc-xin đơn giá do các đơn vị nghiên cứu sản xuất để tạo vắc-xin đa giá “5 trong 1” và “6 trong 1”. Với kinh nghiệm và quy trình công nghệ đang có sẵn, chúng ta tin tưởng rằng đến năm 2018 các nhà sản xuất vắc-xin trong nước sẽ sản xuất ra 2 loại vắc-xin này.

MỚI - NÓNG