Xuất ngoại học câu cá ngừ kiểu Nhật: Cán bộ hay ngư dân được đi?

TP - Gần đây, dư luận xôn xao việc cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT Bình Định được cử sang Nhật học câu cá ngừ, nhưng về không xuống tập huấn cho bà con. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ xuất khẩu. Có chuyên gia cho rằng, nên chọn ngư dân học trực tiếp sẽ xuất khẩu hiệu quả hơn. 

Xuất ngoại học câu cá ngừ kiểu Nhật: Cán bộ hay ngư dân được đi? ảnh 1 Nếu biết áp dụng công nghệ câu cá ngừ, cá xuất sang Nhật sẽ có giá trị cao hơn. Ảnh: Hoài Văn

Còn lỗi nhiều khâu

Anh Nguyễn Quê (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ 96776 (công suất 420 CV) nằm trong đội tàu thí điểm câu cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản. Anh Quê cho biết, trước mỗi chuyến ra khơi, anh cùng hai thuyền viên (chịu trách nhiệm xử lý cá) tham gia tập huấn. Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, anh Quê cho biết, câu cá ngừ kiểu Nhật tuy kỹ thuật khắt khe hơn câu truyền thống, nhưng tốn ít thời gian, công sức và chất lượng cá cũng cao hơn. 

“Cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản trực tiếp dạy. Kiến thức cũng không quá khó, chỉ cần tập trung tiếp thu, chỗ nào chưa hiểu, hỏi ngay tại chỗ. Quan trọng là khi đánh bắt cần linh hoạt”- anh Quê chia sẻ. Cách “linh hoạt” của anh Quê khi học câu theo cách của Nhật là “độ” thêm cần câu, đặt song song với cần chính. Tuy nhiên, cách “độ” trên, cùng với việc xử lý cá sau câu chưa đạt, nên các chuyên gia Nhật Bản đã nhắc nhở. 

Còn ngư dân La Tình - chủ 4 tàu cá tham gia chương trình thí điểm trên cho biết, công nghệ câu cá ngừ kiểu Nhật do mới áp dụng nên khó, nhất là khâu xử lý cá. Theo ông Tình, chuyên gia Nhật hướng dẫn cá sau khi câu phải hạ nhiệt xuống 180 C, đến - 50 C rồi -30 mới cho xuống hầm bảo quản. Tuy nhiên, trước đó, ông Tình được hướng dẫn hạ nhiệt xuống 180 rồi cho hầm bảo quản, nên cá bị “cháy”. Hiện khâu xử lý cá đã được khắc phục. “Chuyến biển vừa rồi cập bến ngày 2/11, cả 4 tàu câu được 67 con cá (trung bình 50kg/con) bán với giá 113 nghìn đồng/kg”- ông Tình nói.

“Mọi người nhìn nhận bước đi đầu tiên hơi khắt khe, khiến những người tham gia chương trình phần nào bị nhụt chí, vì việc làm của họ bản chất là tốt. Cũng nên có cái nhìn khách quan. Ban đầu xuất được 10 con cá đi Nhật, cũng là một thành công”
Ông Phạm Ngọc Tuấn

Đầu tháng 10 vừa rồi, đoàn chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đến Bình Định để tìm hiểu, trao đổi, rút kinh nghiệm về việc áp dụng công nghệ câu cá ngừ kiểu Nhật. Các chuyên gia cho biết, quá trình câu, xử lý cá của ngư dân còn mắc một số lỗi, nhất là khâu hạ nhiệt cá chưa đúng, khiến cá bị “cháy”, thịt bị nhão. Mặt khác, ngư dân cũng áp dụng chưa đúng hoặc chưa thành thạo thiết bị mới như máy tạo xung, máy thu thả tự động…Trong khi đó, tàu đi biển dài ngày, khiến cá phải bảo quản lâu, việc luân chuyển đưa cá về bờ chưa làm được.

Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN&PTNT Bình Định, việc áp dụng câu cá ngừ kiểu Nhật đang trong giai đoạn thí điểm. “Mục tiêu cuối cùng là tìm ra quy trình, công nghệ triển khai đánh bắt đạt hiệu quả cao nhất. Đây là mô hình rất khó. Bởi, 3 năm qua không có con cá ngừ nào của Việt Nam vào được thị trường Nhật. Mọi thứ đang ở giai đoạn thí điểm, nên chúng tôi chưa có phát ngôn chính thức nào”- ông Hổ nói.

Ngư dân giỏi hơn cán bộ lười

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho rằng, việc chất lượng cá ngừ còn thấp, ngư dân làm chưa đúng kỹ thuật, một phần do cán bộ hướng dẫn chưa cặn kẽ. Trong khi, tàu khai thác cá ngừ của Việt Nam nhỏ, chật hẹp để làm đầy đủ quy trình giống như tàu của Nhật. Mặt khác, Nhật họ có ngư trường gần bờ, còn ta xa hơn, nên cách bảo quản cũng khác. 

Theo ông Lĩnh, chuyện cán bộ của Bình Định được cử sang Nhật học về kỹ thuật câu cá ngừ, liệu họ “đi học có chuyên cần hay không. Có thể tam sao thất bản. Tốt nhất là để ngư dân đi học”. Ông Lĩnh cho rằng, trong truyền đạt kỹ thuật câu cá ngừ, có hai khâu là công nghệ và bí quyết. “Có khi bí quyết nhỏ lại quyết định hiệu quả. Chuyên gia họ giỏi công nghệ, nhưng chưa chắc biết bí quyết. Nên chăng, sau khi học chuyên gia rồi, cần đến khu vực ngư dân của Nhật để học hỏi thêm”- ông Lĩnh nói.

Ngoài ra, theo ông Lĩnh, ở Bình Đình, Phú Yên không có sân bay để trực tiếp bay qua Nhật, nên phải chuyển cá vào TPHCM. Phải chuyển trong thời gian dài, trong điều kiện nhiệt độ ở miền Nam sẽ khiến chất lượng cá giảm. “Đà Nẵng có đường bay trực tiếp đi Tokyo, tại sao không đưa tàu Bình Định, Phú Yên về cập cảng ở Đà Nẵng, rồi bay thẳng sang Nhật luôn, như thế vừa nhanh lẹ, đảo bảo độ tươi”- ông Lĩnh nói.

Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), trong lần đầu thí điểm, xuất được 10 con cá ngừ sang Nhật là một thành công. Theo ông, vừa rồi, do vào cuối vụ câu cá ngừ, nhiệt độ nước biển nóng lên, ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ. Từ cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm tới, mới vào vụ khai thác chính. Hiện các địa phương, đặc biệt là Bình Định đang tạm dừng xuất khẩu cá ngừ sang Nhật, để hoàn thiện quy trình khai thác cho bà con ngư dân.

Quanh việc cán bộ của Bình Định được đi học, nhưng không trực tiếp xuống hướng dẫn cho ngư dân, ông Tuấn cho biết: Việc sang Nhật học chỉ trong một thời gian ngắn, nên tỉnh phải cử người có kiến thức, am hiểu để nắm bắt nhanh về công nghệ mới, sau đó về truyền đạt cho đội ngũ kỹ thuật khác, hoàn thiện dần. Theo ông Tuấn, tới đây, có thể mời chuyên gia nước ngoài đến đào tạo, tập huấn cho bà con ngư dân, thậm chí có điều kiện sẽ đưa ngư dân Việt Nam sang Nhật Bản học hỏi.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.