Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:

Ùn ứ nông sản, Bộ Công Thương cũng bị 'oan uổng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Dứt khoát phải sản xuất theo tiêu chuẩn, tín hiệu của thị trường. Thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, chúng ta phải chinh phục”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ùn ứ nông sản, Bộ Công Thương cũng bị 'oan uổng' ảnh 1

Không thể đợi "thiên hạ" thay đổi theo mình

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, các Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu trong thời gian qua. Theo đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An), mặt hàng nông sản hiện nay vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Điển hình, giá thanh long ruột đỏ có lúc chỉ 2.000 đồng/kg, do không xuất khẩu được. Vậy giải pháp cho vấn đề này thế nào?

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng băn khoăn trước tình trạng ùn ứ nông sản cứ “đến hẹn lại lên”. Đại biểu chất vấn trách nhiệm trước sự chậm trễ về xuất khẩu chính ngạch bao giờ được giải quyết?

“Nền kinh tế thị trường thì ngay từ lúc sản xuất phải trả lời được 3 câu hỏi là sản xuất cái gì, bán ở đâu và bán cho ai? Nhưng cứ theo cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy thì thật sự là chúng ta bị động”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, sản phẩm thanh long sản xuất ở vùng đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường rất tốt, xuất khẩu qua cả đường biển, đường sắt, hàng không...

Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi lại không muốn làm theo tiêu chuẩn đó hoặc không làm được nên khó khăn khi xuất khẩu. Nhiều lần Bộ đã khuyến nghị các vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường. "Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Diên, giải pháp căn cơ với ngành nông nghiệp là phải thay đổi cách sản xuất, thay đổi vùng trồng, tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường thế giới và khu vực.

Chia sẻ với bà con nông dân và dù không phải trách nhiệm chính của Bộ Công Thương, nhưng theo ông Diên, Bộ này đã rất nỗ lực thông quan ở biên giới. Ông đơn cử, cách đây một tuần, Bộ Công Thương đã trình đề án xuất khẩu qua biên giới theo tiêu chuẩn chính ngạch.

"Dứt khoát phải sản xuất theo tiêu chuẩn, tín hiệu của thị trường. Thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, chúng ta phải chinh phục”, ông Diên khẳng định và cũng lưu ý, bây giờ hàng hóa vào Trung Quốc không còn dễ dàng như trước, nên chỉ còn cách thay đổi, chứ không thể đợi "thiên hạ" thay đổi theo mình.

Tiếp tục làm rõ sự quan tâm của đại biểu, Bộ trưởng Diên cho rằng, việc tiêu thụ nông sản đã quan tâm rất nhiều đến xuất khẩu, nhưng lại bỏ quên thị trường nội địa với 100 triệu dân. Vì vậy, song song với xuất khẩu, cần đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu trong nước với chiến lược "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

Qua đó, cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ ngành, địa phương đến người dân. "Việc đặt ra ngành Công thương cũng đang phải giải quyết nhưng thực sự chúng tôi cũng bị oan uổng", Bộ trưởng Diên nêu. Ông cũng khẳng định, vấn đề ùn ứ ở cửa khẩu, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cũng rất trách nhiệm. Hai bộ đã có những cuộc làm việc với nhau và với địa phương để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Bắc, nhất là phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID”. Hiện Trung Quốc cũng phải phong toả mấy thành phố, trong đó thành phố Thâm Quyến với mười mấy triệu dân cũng bị phong toả, nên đây cũng là cái khó. Ông Diên cho biết, trong tương lai, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT sẽ phải có trách nhiệm xây dựng các Đề án cho vấn đề này.

Đặc biệt, thời gian vừa qua Bộ Công thương được giao xây dựng Đề án xuất khẩu hàng hoá qua biên giới theo đường chính ngạch. “Tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hoá thế nào thì chúng tôi cũng đã trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hy vọng thời gian tới sẽ được thông qua”, ông Diên cho hay.

“Tôi thường nhận được tiếng kêu trong đêm của nông dân”

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình với các trả lời của Bộ trưởng Công thương về vấn đề ùn ứ nông sản. "Mấy ngày gần đây, tôi thường nhận được tiếng kêu trong đêm của đại biểu Quốc hội, nông dân. Tôi cũng thấu cảm được vấn đề đó", ông Hoan nêu.

Với câu chuyện ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, ông Hoan cho biết, đã đi thực tế ở Lạng Sơn, Quảng Ninh vùng nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long và thấy nếu không ùn ứ ở cửa khẩu sẽ ùn ứ ở các vùng nguyên liệu. Đồng thời, cần nhìn nhận câu chuyện ở góc độ cung cầu, tư duy sản xuất, tư duy thị trường và đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc dẫn dắt.

MỚI - NÓNG