Ùn tắc

TP - Ngày 6/12, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng số 52 dự án có mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng. Trong đó có 38 dự án lớn thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị.

Mặc dù thành phố tiếp tục dành khoản ngân sách rất lớn cho giao thông đô thị nhưng không ít đại biểu HĐND bày tỏ lo ngại về hiệu quả mà các dự án này mang lại. Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, lâu nay đối với các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, lo ngại nhất là việc chậm tiến độ.

Điều mà bà Mai lo ngại có lẽ đang là điểm “ùn tắc” lớn nhất trong các giải pháp đối với giao thông đô thị của thành phố. Điển hình như đường Trường Chinh đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có vốn đầu tư lên tới 2.560 tỷ đồng triển khai từ năm 2011 đến nay vẫn chưa biết khi nào hoàn thành. Công trường ngổn ngang; dòng người và xe tiếp tục chôn chân hằng ngày tại đây.

Để giảm ùn tắc giao thông, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội triển khai hàng loạt siêu dự án vận tải hành khách công cộng với vốn đầu tư hàng tỷ đô la. Điển hình như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội và buýt nhanh - BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa…Tháng 10/2011, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT (chủ đầu tư) khởi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. 

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: “Khi đi vào hoạt động đầu năm 2015, cùng với xe buýt nhanh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại bằng vận tải công cộng của nhân dân và giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Thủ đô”. Tuy nhiên, đến nay, dự án tàu điện đã có tới 8 lần lỡ hẹn và xe buýt nhanh vẫn chưa biết ngày nào có thể đón khách.

Hàng chục dự án bãi đỗ xe được lập ra trên bản vẽ rất hoành tráng nhưng sau đó vì rất nhiều lý do, những dự án này bị chuyển sang mục đích khác hoặc đắp chiếu để đó. Thành phố đã lên phương án xây dựng gần 10 bãi đỗ xe cao tầng với thiết kế ngầm, nổi, trong đó có các dự án điểm đỗ xe cao tầng giàn thép Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, Bờ sông Tô Lịch, Công viên Thống Nhất, Quảng trường tháng Tám, công viên Thủ Lệ, công viên Thanh Nhàn, Cung thể thao Quần Ngựa… Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm triển khai mới chỉ có dự án bãi đỗ xe cao tầng giàn thép Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật hoàn thành, các dự án còn lại vẫn nằm trên giấy…

Điều đáng nói, khi lý giải về tình trạng chậm tiến độ, hầu hết các chủ đầu tư, nhà thầu đều khẳng định lỗi do khách quan, do giải phóng mặt bằng, do thiếu nhà tái định cư hoặc vòng vo kiểu như “cong mềm mại” mà rất ít khi thấy những nguyên nhân chủ quan về năng lực nhà thầu, tư vấn giám sát, trách nhiệm của chủ đầu tư và tìm mọi cách né tránh bản chất của sự việc. Công trình hàng trăm nghìn tỷ đồng chậm đưa vào sử dụng đồng nghĩa với sự lãng phí rất lớn nhưng dường như đến nay vẫn chưa có quan chức nào bị kỷ luật, xử lý trách nhiệm liên quan hàng loạt dự án huyết mạch nhưng lại ì ạch này.

Năm 2017 được thành phố xác định là năm “Kỷ cương hành chính”. Hy vọng tình trạng “ùn tắc” trong trách nhiệm cán bộ, trong năng lực triển khai công việc sẽ được làm rõ, khơi thông.

MỚI - NÓNG