Úc chế tạo 8 tàu ngầm hạt nhân, New Zealand nói sẽ không cho vào vùng biển

0:00 / 0:00
0:00
Một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
Một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
TPO - Úc sẽ chế tạo 8 tàu ngầm hạt nhân theo thoả thuận đối tác an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng với Mỹ và Anh. Giới quan sát cho rằng bước đi này sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, vì coi đó là nỗ lực để kiềm chế Bắc Kinh.

Úc trở thành quốc gia thứ hai sau Vương quốc Anh được quyền tiếp cận công nghệ tàu ngầm của Mỹ để chế tạo tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân.

“Thế giới sẽ trở nên phức tạp hơn, nhất là ở khu vực của chúng ta, Ấn Độ - Thái Bình Dương. Để đối diện với những thách thức đó, để mang lại an ninh và ổn định mà khu vực này cần, chúng ta phải đưa quan hệ đối tác lên tầm cao mới”, Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu trong buổi lễ công bố thành lập quan hệ đối tác mới diễn ra ngày 15/9.

Khi tuyên bố thành lập khuôn khổ hợp tác mới, lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc không nhắc tên Trung Quốc. Nhưng Washington và các đồng minh đang nỗ lực cạnh tranh với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, nhất là chương trình tích luỹ sức mạnh quân sự, các hoạt động gây sức ép lên Đài Loan (Trung Quốc) và triển khai vũ khí, lực lượng xuống Biển Đông tranh chấp.

Sau thông báo của 3 quốc gia, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm nay nói rằng các tàu ngầm hạt nhân mới của Úc sẽ không được phép vào vùng biển của nước này vì New Zealand duy trì chính sách phi hạt nhân.

“Tôi đã thảo luận với Thủ tướng Morrison vào tối qua. Tôi thấy vui khi các đối tác đã để mắt đến khu vực. Đây là khu vực đầy tranh chấp và các nước khác có thể đóng một vai trò khi quan tâm đến khu vực của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ nhìn vấn đề này qua lăng kính của sự ổn định”, bà Ardern nói.

Bà Ardern nói rằng các tàu ngầm hạt nhân không được phép vào vùng biển của New Zealand theo chính sách phi hạt nhân mà nước này thực hiện từ năm 1984. “Chắc chắn các tàu đó sẽ không vào vùng biển của chúng tôi”, bà nói.

Thủ tướng Ardern nói rằng việc lập nhóm ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không thay đổi các quan hệ an ninh và tình báo của New Zealand, một quốc gia thành viên của nhóm “Ngũ nhãn”.

“Đây không phải thoả thuận ở mức độ hiệp ước. Nó không thay đổi quan hệ hiện tại của chúng tôi, bao gồm 'Ngũ nhãn' hay quan hệ gần gũi của chúng tôi với Úc trong lĩnh vực quốc phòng”, bà Ardern nói.

Bà Ardern đang cố gắng theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và không trung thành với bất kỳ khối nào.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta nói rằng bà không thoải mái với việc mở rộng vai trò của “Ngũ nhãn”, khiến các đồng minh phương Tây chỉ trích vì cho rằng New Zealand tránh chọc giận Trung Quốc để giữ quan hệ thương mại.

Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG