Thấy gì qua cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ - Trung?

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Bidne (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Bidne (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)
TPO - Nhân cuộc điện đàm đầu tiên trong 6 tháng, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đồng ý quản lý sự cạnh tranh để hai nước không tiến tới xung đột. Cam kết này có thể sẽ làm tăng triển vọng đối thoại quân sự và thương mại vì cả hai bên đều chịu áp lực phải cải thiện quan hệ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đề xuất cuộc điện đàm dài 90 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và cuộc nói chuyện tập trung vào phương hướng cải thiện quan hệ đang có nhiều trục trặc giữa hai nước.

Bắc Kinh nói rằng ông Tập Cận Bình kêu gọi cần có sự dũng cảm để đưa quan hệ Trung – Mỹ trở lại quỹ đạo, vì đối đầu sẽ gây hậu quả cho thế giới.

“Duy trì quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Mỹ là vấn đề của thế kỷ mà hai nước cần đưa ra câu trả lời tốt… Đưa quan hệ phát triển đúng hướng không phải một lựa chọn, mà là điều chúng ta phải làm và phải làm tốt”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Đó là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Tập với ông Biden kể từ tháng 2.

Từ lúc đó, các quan chức của hai bên đã có những trao đổi, nhưng không đạt được kết quả rõ ràng nào. Tranh cãi về lễ tân vẫn ngăn hai bên tiến hành trao đổi quân sự cấp cao.

Lu Xiang nói rằng việc Tổng thống Mỹ đề xuất điện đàm cho thấy tính cấp bách của Nhà Trắng khi phải xử lý quan hệ với Trung Quốc trước áp lực của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Lu Xiang, một nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng việc Tổng thống Mỹ đề xuất điện đàm cho thấy tính cấp bách của Nhà Trắng khi phải xử lý quan hệ với Trung Quốc trước áp lực của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Ông Lu cho rằng cuộc điện đàm tạo cơ hội cho hai nước giảm đối đầu và mở ra các kênh liên lạc, dù hạn chế. “Có thể chúng ta sẽ thấy một số trao đổi về thương mại được nối lại trước cuối năm nay”, ông Lu nhận định.

Theo thông cáo từ chính phủ Trung Quốc, hai ông Tập và Biden đã có trao đổi “thẳng thắn và sâu rộng” về hàng loạt vấn đề và đồng ý tăng cường trao đổi.

Bắc Kinh nói rằng vấn đề Đài Loan đã được bàn tới và phía Mỹ cam kết tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Nhưng thông cáo của Nhà Trắng không nhắc cụ thể đến vấn đề nào.

Ông Tập nói với ông Biden rằng quan hệ Mỹ - Trung đang đối diện với “những khó khăn nghiêm trọng” vì những chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

“Thế giới sẽ hưởng lợi nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác. Nhưng thế giới sẽ lãnh hậu quả nếu Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Phía Trung Quốc nói rằng hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ tăng cường trao đổi về những vấn đề quốc tế quan trọng và duy trì trao đổi ở nhiều cấp.

“Hai bên sẽ tăng cường phối hợp và trao đổi ở cấp làm việc để tạo điều kiện phát triển quan hệ Mỹ - Trung”, thông cáo của Trung Quốc nói.

Ông Tập nói rằng đối thoại và hợp tác giữa hai nước có thể tiếp tục trong các vấn đề biến đổi khí hậu, COVID-19, đại dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nhà Trắng cho biết ông Biden “nhấn mạnh lợi ích lâu dài của Mỹ trong sự hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về trách nhiệm của hai quốc gia để bảo đảm cạnh tranh không tiến đến xung đột”.

Hai cường quốc đang mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề. Mỹ phàn nàn về cách làm thương mại không công bằng của Trung Quốc và tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc). Tình báo Mỹ cũng đang điều tra để xác định giả thuyết COVID-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Bắc Kinh nói rằng những hành động và cáo buộc của Mỹ là sự bôi nhọ chính trị và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng giận dữ khi Washington huy động các đồng minh ở châu Âu và châu Á gây sức ép với họ.

Cũng trong ngày 10/9, ông Tập có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để kêu gọi Đức thúc ép EU “sửa chữa chính sách Trung Quốc” và thu hẹp khác biệt giữa Trung Quốc với EU.

Cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra trước thềm tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9 và Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Bắc Kinh đang lo rằng tình hình ở Kabul sẽ làm tăng rủi ro an ninh ở khu vực.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry rằng căng thẳng giữa hai nước có thể làm suy yếu hợp tác về biến đổi khí hậu.

Nguồn tin nắm được tình hình cho biết hai bên không đạt được thoả thuận nào trong chuyến đi của ông Kerry đến Trung Quốc.

Hồi tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nêu ra hàng loạt yêu cầu khi tiếp đón đồng cấp Mỹ Wendy Sherman, trong đó có yêu cầu Mỹ không nên kiềm toả sự phát triển của Trung Quốc.

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan có cuộc trao đổi căng thẳng với Uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Anchorage.

Các quan chức Mỹ cho rằng những lời nói cứng rắn đó của phía Trung Quốc chủ yếu để cho dư luận trong nước nghe hơn là nhằm gửi thông điệp đến Nhà Trắng.

Với suy nghĩ đó, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai lãnh đạo trao đổi riêng và thể hiện rõ những ưu tiên của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và một số nhà ngoại giao về hưu của Mỹ cho rằng một cuộc gặp trực tiếp giữa hai ông Tập và Biden có thể giúp cải thiện quan hệ hai nước.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, 38% người trả lời nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung nên là ưu tiên cao nhất của hai nước trong năm nay.

Vẫn chưa chắn chắn khi nào ông Tập và ông Biden sẽ gặp nhau, khi Bắc Kinh chưa xác nhận liệu ông Tập có tới Rome để dự thượng đỉnh G20 vào tháng 10 hay không.

“Trước tiên, tôi nghĩ cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nên gặp nhau, tuyên bố quyết tâm và ý định phối hợp để giải quyết các thách thức quốc tế, cả bằng cách xử lý những thách thức trong nước và hợp tác trong các vấn đề của thế giới”, Susan Thornton, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói .

Tại một diễn đàn giữa tuần này, bà nói rằng Mỹ đã khẳng định muốn cuộc gặp đó diễn ra tại thượng đỉnh G20, và việc Trung Quốc vắng mặt sẽ cho thấy họ không nghiêm túc với việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại ĐH Phúc Đán, cho rằng cuộc điện đàm là tín hiệu tích cực cho thấy hai bên có thể tìm cách giảm căng thẳng, và tiếp theo có thể sẽ là việc nối lại đàm phán thương mại.

“Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực và đang trong quá trình điều chỉnh chính sách Trung Quốc. Các chuyến thăm gần đây của bà Sherman và ông Kerry không dẫn đến kết quả nào, và Mỹ cuối cùng nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh cách làm. Chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ không hài lòng với tình hình hiện nay. Đã đến lúc các quan chức thương mại hai nước nối lại đối thoại và cải thiện quan hệ”, - ông Wu Xinbo.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG