PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, cho biết, theo số liệu tổng kết của Bộ GD&ĐT, năm 2023 cả nước có trên 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu xét tuyển năm 2023 vào các trường ĐH và cao đẳng mầm non là 663.063 chỉ tiêu; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là trên 546.000, đạt trên 82% chỉ tiêu và đạt 53% trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Bà Thủy cho biết, Bộ đã phân tích kết quả trúng tuyển ĐH bằng 2 phương thức xét tuyển chính trong tuyển sinh năm 2023 là phương thức xét học bạ và xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Song song với đó là đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm thí sinh này.
Kết quả cho thấy có 60% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn trên 23 điểm. Như vậy, sự chênh lệch kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm thí sinh này là trên 3 điểm.
Từ đó, bà Thủy cho rằng, cơ bản điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có sự phân loại tốt hơn khi xét tuyển ĐH. Theo bà Thủy, Bộ khuyến cáo khi xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, sự công bằng giữa 2 nhóm thí sinh sẽ tăng trong các năm sau.
Bà Thủy cho biết, tỷ trọng thí sinh trúng tuyển nhiều nhất vẫn từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tiếp đến là xét điểm học bạ THPT. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về kết quả tuyển sinh năm 2023, thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm gần 50%. Xếp thứ 2 là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) với trên 30%.
Các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy chỉ chiếm 2,5%. Số liệu này cho thấy, các kỳ thi riêng chưa đóng vai trò chủ đạo trong tổng số thí sinh trúng tuyển toàn quốc.