Đối với nhóm ngành Y dược, điểm chuẩn phương thức xét học bạ thấp nhất có ngành là 15 điểm/tổ hợp, tức trung bình 5 điểm/môn là trúng tuyển tạm thời (thiếu điều kiện tốt nghiệp THPT) như ngành Dinh dưỡng của Trường ĐH Điều dưỡng, Nam Định. Trong khi đó, ngành Dinh dưỡng của Trường ĐH Y tế Công cộng điểm chuẩn phương thức xét học bạ là 25 điểm (trung bình trên 8 điểm/môn).
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê |
Điểm chuẩn của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM bằng phương thức xét học bạ vào tất cả các ngành đào tạo của trường là 15 điểm. Điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đợt 1 các ngành là 500/1.200 điểm. Tại Trường ĐH Gia Định, điểm chuẩn phương thức xét học bạ là 16,5 điểm/tổ hợp. Điểm chuẩn đối với chương trình tài năng là 18.
Một số trường khác công bố điểm chuẩn học bạ từ 16 điểm trở lên, như Trường ĐH Điện lực hoặc 18 điểm trở lên như Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường ĐH Văn Lang.
Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục ĐH có điểm chuẩn chạm ngưỡng tuyệt đối 30/30 điểm. Năm nay, do Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả phương thức xét tuyển phải quy về thang điểm 30 nên không xảy ra tình huống điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm như mọi năm. Điểm chuẩn học bạ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay dao động 20,5 - 29,8, trong đó ngành có điểm cao nhất là Sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) với 29,8 điểm. Ngành này chỉ tuyển 5 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ. Tiếp theo là ngành Sư phạm Hoá (dạy bằng tiếng Anh) với 28,93 điểm.
Tại Trường Đại học Thủy lợi, ngành Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn học bạ lên đến 29,5 điểm, Thương mại điện tử 29,25 điểm, Luật 29,03 điểm...
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải điểm chuẩn học bạ năm 2023 ngành Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn lên đến 29 điểm. Top điểm cao còn có Trường ĐH Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Ngoại thương.
“Trước hết, cần điều chỉnh nguyên tắc và cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh. ĐH tự chủ nhưng thiếu bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý thì tự chủ dễ trở thành @vô chính phủ”. Cơ quan quản lý nhà nước vừa khuyến khích tự chủ, sáng tạo nhưng phải đủ tầm điều tiết qua các cơ chế, định ra các tiêu chuẩn, kiểm soát việc thực thi và đi kèm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục ĐH đúng hướng”. TS Hoàng Ngọc Vinh
Tuy nhiên, trong một trường, chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành cũng rất xa. Chênh giữa ngành điểm cao nhất và thấp nhất ở Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải hay Trường ĐH Thủy lợi lên đến 8-9 điểm/tổ hợp.
Thực tế nhiều năm nay, điểm chuẩn một số trường ĐH ở phương thức xét học bạ hay phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thấp hơn trường cao đẳng. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vừa công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét học bạ. Trong đó, với ngành “hot” nhất, thí sinh có mức điểm trung bình mỗi môn gần 8 điểm mới trúng tuyển, cao hơn điểm chuẩn của một số trường ĐH ở trên.
Vơ bèo gạt tép
TS Lê Đình Tùng, Trường ĐH Y Hà Nội, nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, dựa vào kết quả học bạ THPT để đánh giá chất lượng đầu vào ĐH là khó và không chính xác. Ở các phương thức xét tuyển khác, ông Tùng cho rằng tuyển sinh càng nhiều phương thức thì càng không công bằng với thí sinh.
Phương thức tuyển sinh chỉ có giá trị khi các chương trình đào tạo, các trường ĐH công bố rõ ràng chuẩn đầu vào. Sau đó, lựa chọn nội dung, phương thức thi tuyển dựa trên chuẩn đầu vào đã được công bố. Do vậy, để đảm bảo công bằng thì chỉ 1 phương thức xét tuyển là đủ, vì khi đó giá trị kết quả đáng tin cậy.
Là người quản lý mảng đào tạo lâu năm của ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng cho rằng quan điểm chuẩn đầu vào không quyết định chuẩn đầu ra chỉ đúng với một số trường hợp riêng lẻ, không thể áp dụng với mẫu số lớn. Vì khi học ĐH, chương trình đào tạo yêu cầu sinh viên phải có kiến thức nhất định bên cạnh các kỹ năng.
“Năng lực học tập của sinh viên hạn chế sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu tri thức mới nên việc đào tạo ra một đội ngũ nhân lực có chất lượng khó có thể thực hiện được”, ông Tớp nói. Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn có những trường hợp cá biệt, nhưng không đại diện cho số đông.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhận địnhm đối với nhóm ngành khoa học, công nghệ, năng lực người học không đạt từ khá trở lên sẽ khó học các môn khoa học đại cương giúp phát triển tư duy để theo học các chuyên ngành về sau. Ông Dũng nêu thực tế có một số trường ĐH “vơ bèo gạt tẹp” thí sinh bằng mọi cách, nên giai đoạn học các môn đại cương, sinh viên không theo được.
Để dung hòa quyền lợi người học và nhà trường, có trường đã giảm tải các môn đại cương để sinh viên có thể trụ lại theo học tiếp. Như vậy, chất lượng đầu ra chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng đầu vào.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay do phải duy trì đội ngũ và tên tuổi của trường rất vất vả mới thành lập được, việc hạ thấp sàn tuyển và hạ thấp sàn thi kiểm tra đánh giá là khó tránh khỏi, để các trường giữ chân người học, chiều “thượng đế”. Chất lượng đào tạo, do vậy, còn xuống thấp hơn nữa và con đường thất nghiệp hoặc làm việc với thu nhập thấp chỉ còn là thời gian.
Mặt khác, cần phải xét đến là nếu nhà trường làm nghiêm trong khâu kiểm tra đánh giá theo đúng chuẩn đầu ra thì nguy cơ "bật bãi" của sinh viên rất rõ ràng ở năm thứ nhất, hai hoặc ba. Điều này cho thấy chất lượng tuyển đầu vào lại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.