1. Mạnh, đương nhiên rồi, thậm chí là rất mạnh. Lấy trọn 9 điểm với 3 trận toàn thắng ở vòng bảng, Croatia xứng đáng được xem là một trong những đoàn quân chinh phục đáng sợ nhất của World Cup 2018. Để bây giờ, chuyện họ có mặt tại bán kết là điều không làm ai ngạc nhiên.
Tuy nhiên, hai trận chiến, trước hai đối thủ dưới tầm, lại đều chỉ có thể “phân cao hạ” bằng những cú sút luân lưu. Đó thực sự là những chặng vượt ải khiến bất cứ khán giả trung lập nào cũng phải đặt câu hỏi: Thực ra, liệu Croatia có phải là một hình ảnh chất chứa quá nhiều ảo giác?
Không phải Mandzukic, không phải Rakitic, không phải Modric hay Perisic. Cho đến lúc này, Subasic mới là vị thần hộ mệnh, là ánh sáng soi đường của họ.
2. Đâu là điểm chung, giữa hai cuộc khổ chiến với Đan Mạch và Nga?
Croatia đều đã bị tập kích bất ngờ, bị bỏ lại, bị chặn đứng, bị sa lầy bởi sự kiên cường và tinh thần tập trung của những đối thủ thi đấu vô cùng kỷ luật. Nhưng, nếu Đan Mạch chỉ một lần bắt họ nhận đòn hồi mã thương, thì Nga thành công tới hai. Và bàn thắng gỡ hòa đó của Mario Fernandes lại đến khi tất cả các CĐV Croatia đã bắt đầu nghĩ tới chuyện mở tiệc.
Bối cảnh này nói lên điều gì? Nói lên rằng Croatia có vấn đề trong cách nhập trận, cách kiểm soát cục diện trận đấu, và cả trong những thời điểm đòi hỏi thứ sức mạnh công phá đích thực, để bóp nghẹt mọi cố gắng vùng vẫy của đối thủ. Nói cách khác, họ khá thiếu tính cơ bắp, đặc biệt là ở tuyến giữa, điều bắt buộc phải hy sinh để HLV Dalic có thể bài binh bố trận với những gương mặt giàu sức sáng tạo hàng đầu thế giới.
Modric và Rakitic. Real Madrid và Barca. Chỉ hai cái tên ấy thôi, đã đủ để Croatia có được những nguồn cung cấp ý tưởng vô hạn. Nhưng, chính họ cũng lại cần nhiều nguồn cung cấp bóng gấp bội so với những người đồng nghiệp ở các đội khác. Hoặc là phải san sẻ với nhau.
Bên cạnh đó, không mạnh về tốc độ (tốc độ vật lý chứ không phải tốc độ tư duy), cả hai nhà đạo diễn ấy đều không thoải mái với việc đẩy nhịp độ trận đấu lên cao. Cần phải đá gắn kết, thông qua những pha phối hợp nhỏ, dùng nhiều bóng ngắn và trung bình, họ mới phát huy được hết thế mạnh của mình. Họ ít khi đích thân xuống biên lật cánh, và thậm chí Modric còn hạn chế dâng lên sát vòng cấm. Anh, gần đây, giống một “deep lying playmaker” kiểu Pirlo hơn.
3. Cái nhịp điệu từ từ, nhẹ nhàng và bình thản ấy đã không phát huy được nhiều hiệu quả trước cả Đan Mạch lẫn Nga. Cũng không có gì bảo đảm là nó sẽ giúp Croatia khống chế được thế trận trước đội tuyển Anh, trong cuộc đọ sức một mất một còn sắp tới. Không còn đối thủ nào ở giai đoạn loại trực tiếp này chơi vơi và rệu rã như Argentina tại vòng bảng nữa. Chỉ còn những đấu sĩ, những chiến binh đúng nghĩa, trong tâm thế “phía sau là vực thẳm”.
Nếu một lần nữa rơi vào nghịch cảnh, liệu có cơ hội để Dalic tiếp thêm những luồng máu nóng, để đội bóng của ông có được một trái tim đập với cường độ cao hơn, gấp gáp hơn và khỏe khoắn hơn không?