Bán kết World Cup 2018: Đam mê và... bất trắc

Bán kết World Cup 2018: Đam mê và... bất trắc
Sau khi các "đại gia" lần lượt rơi rụng, vòng bán kết World Cup 2018 mang tới cảm giác mới mẻ, trẻ trung, đam mê nhưng cũng đầy bất trắc.

15 chức vô địch trong 20 giải World Cup trước đó của Brazil (5), Đức và Italy (4) và Argentina (2) đã bị loại một cách thê thảm, hoặc từ vòng loại, hoặc lần lượt ở vòng bảng, vòng 1/8 và tứ kết World Cup này.

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, người ta thấy vắng bóng cả 4 đại gia này. Giờ là một vòng bán kết mới mẻ và đầy trẻ trung, đam mê, đầy bất trắc.

Chỉ có hai nhà vô địch ở bán kết

Bỉ chưa từng có mặt trong một vòng bán kết World Cup nào kể từ thời làm mưa làm gió ở Mexico 1986. Anh đã vắng mặt ở vòng này từ Italy 90. Croatia chìm vào một loạt các khủng hoảng liên tiếp về thế hệ kể từ sau khi vào được bán kết ở France 98, giải đấu đầu tiên họ góp mặt với tư cách là một quốc gia độc lập. Còn Pháp, đội đã loại họ ở bán kết năm đó để sau đó vô địch lần đầu tiên trong lịch sử, đã không vào được bất cứ vòng cuối cùng còn 4 đội nào kể từ năm 2006, năm mà sau đó họ đã thua Italy trên chấm luân lưu 11 mét.

Tất cả những gì diễn ra cho thấy một cuộc lật đổ ngoạn mục của những quyền lực đã từng gây ra các chấn động lớn trong bóng đá thế giới nhiều năm trước, với những quyền lực truyền thống đã thống trị các World Cup trong bao năm qua. Tại bán kết này, chỉ có hai đội bóng đã từng đăng quang World Cup góp mặt, là Pháp và Anh, tổng cộng 2 chức vô địch, từ các năm 1998 và 1966 rất xa xôi về trước. Lần ngược lại lịch sử, chỉ có một lần gần nhất bán kết chứng kiến những gương mặt tinh khôi như thế này ở sân chơi lớn nhất của World Cup. Đấy chính là World Cup 1966, với Đức là đội duy nhất có mặt ở bán kết khi đó đã vô địch thế giới (1954), còn lại Anh, Bồ Đào Nha và Liên Xô "chẳng có gì".

Trong khi đó, mới chỉ cách đây 4 năm thôi, bán kết là một tập hợp của những người khổng lồ. Hà Lan duy nhất chưa có cúp vàng nào, nhưng cũng đã 2 lần á quân, trong khi Brazil đã sở hữu 5 Cúp, Đức 3 và Argentina 2.

Sự tự sát đồng loạt của các đại gia

Tiếc thay, ở giải này, Hà Lan, cũng như Italy, đã ngồi nhà xem tivi, hậu quả của một cuộc khủng hoảng thế hệ nghiêm trọng chưa có lối ra. Những đại gia còn lại thì thất bại theo cách của riêng mình. Đức đến Nga với tham vọng sẽ không nhường lại chiếc Cúp cho ai đó. Joachim Loew muốn trở thành một Vittorio Pozzo mới, khi đoạt 2 Cúp vàng trong 2 World Cup liên tiếp. Thế nhưng, đội ĐKVĐ đã bị đánh văng từ vòng bảng, điều chưa từng xảy ra với họ trong suốt 80 năm, thể hiện một phong độ nhợt nhạt, thể lực sút kém, chiến thuật không có gì mới và bộc lộ mâu thuẫn nội bộ. Argentina, á quân World Cup 2014, đã sụp đổ từ những trận đầu tiên do các vấn đề nội bộ, do sự nhu nhược của HLV Sampaoli, và sự bừng tỉnh muộn mằn của Messi chẳng giúp ích được gì nhiều, khi Argentina bị Pháp loại.

Còn Brazil? Có lẽ quá tự tin vào tổ chức chặt chẽ và sự cân bằng đội hình của mình, Brazil đã ngỡ ngàng chứng kiến tốc độ phản công của Bỉ khiến họ tan vỡ trong một trận đấu mà họ sút nhiều nhất và cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất. Có lẽ, người Brazil đã sai lầm trong việc sử dụng hình ảnh Neymar. Họ đã lấy chấn thương của anh ở trận gặp Colombia để kích thích tinh thần Brazil cho trận gặp Đức, để rồi thua 1-7. Họ lại lấy sự trở lại của anh sau chấn thương năm 2018 để làm động lực thúc đẩy toàn đội cho World Cup 2018. Vô ích. Neymar không thể trở thành một ngôi sao lớn, và sẽ còn được nhớ mãi với những pha lăn lộn trên sân ở giải này.

Pháp-Bỉ, Croatia-Anh chắc chắn sẽ cung cấp cho chúng ta những cảm xúc mới về một giải đấu nhiều bất ngờ và không ít cú sốc lớn. Bản thân các trận đấu ấy cũng là dịp để các fan trung lập cảm thấy thế nào khi giải không còn những đội bóng đại gia mà họ yêu mến nữa. Chắc chắn, sẽ có một nhà vua mới. Có lẽ, sẽ có một đội bóng mới tinh lần đầu đăng quang.

Người Anh đang hát "bóng đá trở về nhà", nơi mà Premier League là số 1 thế giới trên cấp độ CLB, nhưng ở cấp đội tuyển, họ chưa từng chạm tay vào chức vô địch kể từ cách đây 52 năm, và chiến thắng ở Samara, thành phố hàng không vũ trụ, đang đưa họ lên Mặt trăng hạnh phúc.

Người Pháp cũng sung sướng. Đã bao năm rồi họ chìm trong thất bại. Người Bỉ cũng đang hạnh phúc, và đang được nhắc đến không chỉ vì có bia, chocolate hay nhân vật Tintin. Và Croatia, quốc gia đẹp đẽ có 4 triệu dân, cũng đang mơ Cúp vàng.

10 World Cup 2014 chứng kiến một vòng bán kết có nhiều đội đoạt Cúp nhất, 10 Cúp vàng cho Brazil (5), Đức (3) và Argentina (2). Đội còn lại ở bán kết là Hà Lan chưa lần nào vô địch. Tại bán kết này, chỉ có 2 đội từng đăng quang là Anh (1) và Pháp (1).

75% Kể từ World Cup 1974 đến nay, trong 48 lượt các đội vào bán kết, có 36 lượt đội châu Âu, chiếm tỉ lệ 75%. Điều này khẳng định, World Cup vẫn là sân chơi của Lục địa già. Nam Mỹ chỉ chiếm 11/48 lượt (23%), trong khi châu Á có 1 lần, của Hàn Quốc năm 2002 (2%).

2002 Kể từ sau World Cup 2002, các đội tuyển châu Âu liên tục chiến thắng ở World Cup, lần lượt là Italy, Tây Ban Nha và Đức. 2018 sẽ chứng kiến một đội châu Âu khác đăng quang.

 
Theo Theo Thể thao Văn Hóa
MỚI - NÓNG