Cho đến ngày nay, sự thật và pháp lý đã xác minh, vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết ngày 19/5/1993 (vụ án vườn điều) và vụ bà Lê Thị Bông bị giết ngày 23/4/1998 (vụ án Huỳnh Văn Nén) là hai án oan đối với đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm. Trong đó, ông Huỳnh Văn Nén là người tù oan xuyên thế kỷ, hai lần bị kết án oan giết người. Đây là sự kiện đen tối, đau thương không thể nào quên trong hoạt động tư pháp nước nhà.
Bất an và bất bình
Trong suốt 20 năm qua, kẻ giết bà Dương Thị Mỹ ung dung sống ngoài xã hội. Thay vào đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bình Thuận đã đưa cả một đại gia đình người dân vô tội vào nhà tù, với bản án oan nghiệt. Hậu quả nhiều người phải ở tù oan, bà Nguyễn Thị Nhung đã chết oan ức trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án vườn điều năm 2001.
Những đau thương, mất mát đối với đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm trong hàng chục năm qua không có gì có thể bù đắp được. Công lý chưa hoàn toàn được thực thi trong vụ án vườn điều, vì cho đến tận bây giờ vẫn chưa bắt được tội phạm.
Thậm chí, nếu có bị bắt thì kẻ thủ ác sẽ được “thoát tội” do hết thời hiệu (vụ án vườn điều đã quá 20 năm). Đó là chưa nói đến các bản án kết án oan của TAND tỉnh Bình Thuận đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại Dương Thị Mỹ khi nhận định người bị hại có lỗi.
Nhân dân tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung làm sao có thể bình yên khi kẻ giết người đang ung dung ngoài xã hội? Đó là “món nợ lớn” mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Bình Thuận chưa trả được.
Còn nhớ năm 2006, nhà nước đã chi trả đền bù chưa đến 1.4 tỷ đồng cho các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (chưa bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén), số tiền không thấm tháp gì so với những tang thương, mất mát họ phải gánh chịu, những năm tháng bị tù oan ức, gia đình ly tán...
Nghịch lý thay, bất công thay! Không có ai trong những người tiến hành tố tụng trực tiếp hai vụ án oan bị truy cứu trách nhiệm, không có ai phải chịu trách nhiệm trả tiền đền bù. Họ vẫn yên vị, thậm chí còn thăng tiến, giữ trọng trách” nhân danh nhà nước bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”.
Riêng cựu điều tra viên Cao Văn Hùng, tác giả chính tạo nên hai vụ án oan đến thời điểm này vẫn không hối lỗi, vẫn cho rằng mình không làm điều gì sai pháp luật. Vị này còn nhanh chân chuyển sang hành nghề luật sư, “góp phần bảo vệ công lý”. Đây là nghịch lý gây nhiều tranh luận về các tiêu chuẩn trở thành luật sư, trong đó có yếu tố đạo đức, chuẩn mực con người...
Phải xử lý nghiêm
Cả 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tỉnh BìnhThuận đã sai lầm nghiêm trọng trong hai vụ án, kết án oan người vô tội, làm tổn hại uy tín của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý.
Những người tiến hành tố tụng đã lấy việc bắt, giam thay cho công tác điều tra, xác minh, có dấu hiệu bức cung, nhục hình, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của công dân.
Trực tiếp là những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán) phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện nay ông Huỳnh Văn Nén và gia đình bà Nguyễn Thị Lâm đã có đơn yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ có chức quyền trong tố tụng đã làm oan người vô tội. Đây là đòi hỏi chính đáng của người bị hàm oan, của công luận. Vì vậy, không thể tiếp tục để vụ án "chìm xuồng" do "thời hiệu", “để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Tôi cho rằng những người trực tiếp liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử hai vụ án oan xuyên thế kỷ này phải từ bỏ ngay chức quyền trong hoạt động tư pháp, đừng để dân than, dân oán kéo dài.
Nếu những người đã gây oan đối với dân, làm thiệt hại đến uy danh nhà nước, gây thiệt hại ngân sách nhà nước (hại dân, hại nước) không bị xử lý và vẫn tiếp tục làm người đại diện cơ quan bảo vệ pháp quyền của chế độ, thì cán cân công lý tiếp tục cong vênh, niềm tin của người dân đối với nhà nước sẽ bị đánh mất. Thật tệ hại nếu để điều đó xảy ra. Không thể để điều đó xảy ra.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa