Để tránh ôm gánh nặng thừa vốn, các ngân hàng tìm đủ chiêu câu kéo khách: Nào là giảm lãi suất cho vay, nào là ưu tiên giải ngân nhanh, miễn phí tư vấn, miễn phí A, phí B, phí C rồi thậm chí không phạt lãi suất nếu muốn trả trước hạn…
Chuyện mới chỉ bắt đầu. Các doanh nghiệp đạt “điểm tốt”, theo đánh giá của ngân hàng, thay vì phải lo đi chạy vạy vay tiền, giờ lại đau đầu tính toán chọn ngân hàng nào để được hưởng ưu đãi nhiều nhất, trả lãi ít nhất. Tất nhiên, giá cho ưu đãi này chỉ nhằm đến một đối tượng duy nhất: Doanh nghiệp có lý lịch sạch, làm ăn hiệu quả, có khả năng trả vốn nhanh. Doanh nghiệp không có nguy cơ gây nợ xấu cho ngân hàng càng được ưu đãi tận tình.
Với doanh nghiệp đạt “điểm xấu”, vay vốn ưu đãi là điều trong mơ. Những doanh nghiệp còn lại, “không tốt nhưng cũng chẳng xấu”, dù biết vốn rẻ đang ê hề, nhưng việc tiếp cận cũng không hề dễ dàng. Đơn giản, tài sản, vốn liếng làm ăn đang bị mắc kẹt trong vòng xoáy đầu tư.
Quy định phải có tài sản thế chấp như chiếc gông trói chặt doanh nghiệp và cả ngân hàng. Dẫu biết thế nhưng cả hai đều không ai có thể “vượt rào”. Ngân hàng xé rào thì nguy cơ mất tiền. Doanh nghiệp cũng không thể có cơ chế vay khi đến với hai bàn tay trắng.
Không ít doanh nghiệp khẳng định, ngân hàng nói giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp chỉ đúng một phần. Phần còn lại chính là áp lực đến từ việc ngân hàng đang trong cảnh thừa tiền, muốn thoát khỏi cảnh tắc nghẽn dòng vốn, thoát cảnh è lưng trả lãi suất cho người gửi. Ở khía cạnh khác, giảm lãi suất huy động cũng là cách ngân hàng tự cứu mình trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, người gửi nhiều hơn người vay.
Sức ép tìm khách hàng cho vay càng gia tăng khi nhiều quy định trói buộc. Ngân hàng giờ không thể tự tung tự tác dồn tiền vào đầu tư vàng hoặc ném tiền thoải mái vào mua trái phiếu chính phủ hoặc “lướt sóng” một loại hình kinh doanh nào đó. Nhưng ngồi ôm một đống tiền càng khiến ngân hàng lo hơn.
Xét cho cùng, ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nên cũng phải đau đầu với bài toán lỗ lãi. Tiền huy động được chỉ sinh lời khi được quay vòng. Tiền chết, ngân hàng không có lợi nhuận.
Cảnh nhà băng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn, không tiếp cận vốn vay hoàn toàn vẫn có thể lại sẽ xảy ra chừng nào những điểm nghẽn trong hoạt động giải ngân, cho vay của ngân hàng được xóa bỏ. Không ít doanh nghiệp khẳng định, siết tín dụng với những doanh nghiệp làm ăn lớp chớp là điều đặc biệt cần thiết. Nhưng không thể áp một quy định khung cho tất cả. Sự linh hoạt trong kinh doanh, quy trình thẩm định khắt khe của các ngân hàng sẽ giúp lọc được những doanh nghiệp nào thật sự cần hỗ trợ, doanh nghiệp nào cần bỏ qua. Chỉ chừng nào những việc “khác biệt” trong quan điểm lợi nhuận của các bên được dẹp bỏ, chừng đó ngân hàng và doanh nghiệp mới tìm được tiếng nói chung.