Tự bảo vệ

Tự bảo vệ
TP - Dõng dạc những khẩu hiệu chăng ngang dọc phố phường trong Ngày quốc tế Quyền của người tiêu dùng 15/3 này: “Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình”. Những năm trước kêu gọi người tiêu dùng hãy là “người thông thái”, thì nay ngắn gọn hãy tự bảo vệ đi, bất kể anh có “thông thái” hay không.

Thật chính xác, bởi còn gì nữa, nếu anh không biết tự bảo vệ mình. Nhưng tự bảo vệ bằng cách nào, khi “thập diện mai phục” khắp nơi là hàng giả hàng dỏm, hàng độc hại? Không chỉ chợ trời, chợ chạy, mà ngay tại những siêu thị to đùng bóng lộn vốn có thương hiệu cũng liên tiếp phát hiện không ít rau củ quả, lợn gà, cá mú, đồ ăn thức uống… không thể kiểm chứng về nguồn gốc, bất minh về chất lượng, độ an toàn.

Chính xác một cách đầy bất lực. Khi ai cũng biết những “cái chết chậm” đang từng ngày được đưa vào cơ thể theo từng miếng ăn thức uống, những đồ dùng sinh hoạt độc hại, nhưng vẫn buộc phải chấp nhận không còn cách nào khác. Khi những nhà sản xuất, nhà tiêu thụ gian dối vẫn nhởn nhơ sống khoẻ, có chăng chỉ bị phạt ít tiền rồi cho tồn tại. Còn dư luận, báo chí lâu lâu lại rộ lên, rồi cũng chỉ như “đuổi gà qua đám giỗ”.

Nhìn rộng ra, tự bảo vệ bằng cách nào khi qua cầu treo mà không bị sập, dù trọng lượng còn dưới mức cho phép. Đương sự tự bảo vệ thế nào khi bị áp giải đến đồn công an lấy cung, để rồi bị đánh đến chết, như xảy ra ở Phú Yên mà một số bị cáo là cán bộ công an thành phố Tuy Hòa đang hầu tòa. Làm thế nào khi đem tiền gửi ngân hàng, bị cán bộ quản lý ở đó lừa lấy hàng trăm tỷ, ngân hàng vẫn phủi trách nhiệm. Cha mẹ biết tự bảo vệ con cái thế nào, khi con đi học bơi, thi bơi giữa một đống người có trách nhiệm mà vẫn chết đuối…

Việt Nam tích cực hưởng ứng Ngày quốc tế về Quyền của người tiêu dùng, nhưng cái “quyền” ấy ở ta chủ yếu vẫn nằm trên văn bản giấy tờ và khẩu hiệu. Trong khi trên thế giới, quyền của người tiêu dùng rất lớn và rất thật, bởi nó đồng nghĩa với lá phiếu cử tri. Ở Mỹ, có rất nhiều đạo luật bảo vệ người tiêu dùng, từ luật liên bang cho đến từng bang. 

Từ nhà sản xuất, nhà phân phối cho đến bán lẻ, đều phải chịu “trách nhiệm tuyệt đối” về sản phẩm của mình. Ở Pháp và Liên minh châu Âu (EU), pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn được nâng tầm “chính trị hoá”, bởi quyết định sự nghiệp và sự sống còn của chính trị gia, đảng phái không gì khác ngoài lá phiếu của người tiêu dùng, cũng chính là những cử tri.

Bởi vậy, chính người lãnh đạo, quản lý phải “tự bảo vệ” mình trước người tiêu dùng, bằng cách đảm bảo thực thi quyền cho người tiêu dùng. Chứ không phải để những người bầu mình lên và đóng thuế trả lương cho mình phải tự bơi. Hoặc chỉ quan tâm đến họ bằng mít tinh và những lời vận động, hô hào.

MỚI - NÓNG