Trung Quốc với giấc mộng siêu cường tàu sân bay

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đậu tại cảng Đại Liên hồi năm 2013. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đậu tại cảng Đại Liên hồi năm 2013. Ảnh: Reuters
Trung Quốc chỉ có thể trở thành siêu cường về tàu sân bay và sử dụng chúng để gây sức ép với các đối thủ khi nắm trong tay một hạm đội gồm ít nhất 7 tàu.

Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi đầu tháng tiết lộ nước này đang đóng chiếc tàu sân bay thứ hai để phục vụ hoạt động của quân đội, bên cạnh tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế từ năm 2012.


Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy vào năm 2011, bình luận viên James Holmes nhận định nỗi bất an, niềm kiêu hãnh và lợi ích quốc gia là những động lực chính thúc đẩy Trung Quốc bắt tay cải tiến một con tàu cũ từ thời Liên Xô thành tàu sân bay Liêu Ninh.

Chiến lược gia nổi tiếng Edward Luttwak từng nói những con tàu không đơn thuần chỉ là các cỗ máy chiến tranh. Trong thời bình, nó là biểu trưng cho cam kết của một nước, đồng thời rất hữu ích trong việc lôi kéo đồng minh, trấn an đối tác và ngăn chặn kẻ thù. Những ưu thế ấy được cho là một phần lý do thôi thúc Bắc Kinh tập trung vào nhiệm vụ chế tạo tàu sân bay, theo Foreign Policy.

Theo People's Daily, tàu sân bay mới sẽ "hoàn toàn khác" so với tàu Liêu Ninh. Trung Quốc đã chi 20 triệu USD để mua nguyên mẫu ban đầu của tàu Liêu Ninh nhưng con số mà nước này bỏ ra để nâng cấp, tân trang nó thì chưa thể ước tính được. Việc nước này dự định bỏ ra bao nhiêu cho con tàu sân bay thứ hai cũng là câu hỏi khó giải đáp.

Nhưng Holmes suy đoán tàu sân bay mới của Trung Quốc không thể "hoàn toàn khác biệt", trái lại, nhiều khả năng nó sẽ là biến thể của tàu Liêu Ninh, được bổ sung những cải tiến đúc kết từ kinh nghiệm rút ra trong quá trình vận hành tàu Liêu Ninh.

Theo ông, tàu Liêu Ninh đã hoạt động hơn ba năm. Qua đánh giá thực tế, các chuyên gia có thể nhìn ra những điểm mạnh trong thiết kế cũng như các lỗi hay sai sót cần cải tiến, sửa chữa của nó. Thợ đóng tàu Trung Quốc sẽ vận dụng những dữ liệu ấy trong việc chế tạo tàu sân bay thứ hai, tích hợp những tính năng ưu việt và loại bỏ các điểm yếu.

Quá trình trên sẽ lặp lại khi con tàu mới được đưa ra biển, nhằm phục vụ cho việc nâng cấp, hoàn thiện các thiết kế tương lai. Quy trình này tiếp diễn tới khi một khuôn mẫu hoàn hảo ra đời. Từ đây, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn sản xuất số lượng lớn, xuất xưởng các phiên bản giống nhau, như những gì hải quân Mỹ từng làm hồi giữa những năm 70 đối với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz.

Cách làm kiểu "xây một chút, thử nghiệm một chút và học hỏi thật nhiều", như lời chuẩn đô đốc Wayne E. Meyer miêu tả, phù hợp với phương pháp thử nghiệm hạm đội lâu dài và thận trọng của Trung Quốc. Hải quân nước này những năm 2000 chế tạo hàng loạt tàu khu trục tên lửa dẫn đường đời đầu tiên. 

Bài học rút ra từ việc thử nghiệm mẫu tàu này được áp dụng cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D lớp Luyang III. Mẫu thiết kế trên được đưa vào sản xuất liên tục vài năm trước và hứa hẹn trở thành tàu hộ tống chủ lực của hạm đội Trung Quốc trong vài thập kỷ tới. Cách thức này cũng có khả năng được áp dụng với tàu sân bay.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định tàu sân bay mới sẽ có lượng giãn nước 50.000 tấn. Nếu thông tin này là thật, giới phân tích dự đoán tàu mới có thể mang theo lượng máy bay bằng hoặc lớn hơn tàu Liêu Ninh. Phi đội máy bay trên tàu Liêu Ninh hiện bao gồm 25 chiến đấu cơ và khoảng 20 trực thăng.

Tàu mới khi được biên chế sẽ là tàu sân bay hoạt động thật sự với đầy đủ chức năng đầu tiên của Trung Quốc. Tàu Liêu Ninh hiện chỉ được sử dụng chủ yếu với tư cách một tàu huấn luyện, giúp rèn giũa năng lực của đội tác chiến tàu sân bay.

Hạm đội trong mơ

Holmes đánh giá số lượng tàu sân bay mà Trung Quốc muốn sở hữu không dừng lại ở hai chiếc, thay vào đó, con số sẽ là 7 tàu. Nhưng để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Mỹ hiện có 10 tàu sân bay đang hoạt động.

Trung Quốc ít nhất phải mất 4 năm để hoàn thành riêng con tàu sân bay thứ hai của mình, Holmes nhận định. Lấy siêu tàu sân bay USS Forrestal làm ví dụ, con tàu này được đặt hàng từ năm 1951 và biên chế vào năm 1955. 

Thời điểm đó, các nhà máy đóng tàu Mỹ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các mẫu tàu tương tự, nhưng bé và thô sơ hơn, nên tốc độ được đẩy nhanh đáng kể. Xưởng đóng tàu Trung Quốc thì khác, đây là con tàu sân bay đầu tiên mà họ tự chế tạo. Vì vậy, thời gian để tàu xuất xưởng sẽ kéo dài hơn.

Trung Quốc với giấc mộng siêu cường tàu sân bay ảnh 1

Hình ảnh mới về tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng. Ảnh: Weibo

Để duy trì sự hiện diện liên tục của một con tàu, một lực lượng hải quân cần biên chế ít nhất ba tàu cùng loại. Ví dụ, nếu Trung Quốc muốn giữ một tàu khu trục tên lửa dẫn đường hoạt động ở vùng biển nước ngoài thì nước này sẽ phải luân phiên điều phối ba tàu thay thế vị trí của nhau. Trong khi tàu đầu tiên làm nhiệm vụ trên biển thì tàu thứ hai sẽ được đưa về xưởng để sửa chữa và tàu thứ ba sẽ trải qua quá trình kiểm tra, đào tạo hạm đội, chuẩn bị triển khai.

Vì thế, chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của tàu sân bay thứ hai không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn ở Đông Nam Á hay Đông Á hoặc xa hơn thế. Hải quân Trung Quốc không thể duy trì sự hiện diện thường xuyên của tàu sân bay tại một khu vực nào đó nếu chỉ có tàu Liêu Ninh trong kho. Nhiệm vụ trên vẫn sẽ rất khó khăn ngay cả khi chiếc tàu sân bay thứ hai sẵn sàng hoạt động.

Nhưng khi nước này thiết lập được một hạm đội tàu sân bay 7 chiếc thì mọi chuyện sẽ khác. Trung Quốc sẽ mở rộng được đáng kể phạm vi hoạt động trên biển, trong khi vẫn có thể thực hiện việc bảo dưỡng tàu và huấn luyện, Holmes bình luận.

Vậy nếu đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ sử dụng hạm đội tàu sân bay như thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị của mình?

Theo Holmes, không lãnh đạo có đầu óc nào lại mong muốn chiến tranh. Thay vào đó, "không đánh mà thắng" mới là mục đích mà mọi nhà cầm quân đều hướng tới. Đội tàu sân bay sẽ trở thành công cụ giúp Trung Quốc hiện thực hóa điều này.

Bắc Kinh có thể dễ dàng thuyết phục hay gây ảnh hưởng tới đồng minh, đối thủ hoặc các bên trung gian chỉ nhờ vào sự hiện diện của đội tàu sân bay hay các hành động phô diễn sức mạnh hạm đội.

Sự xuất hiện của đội tàu sân bay sẽ mang đến những tác động lớn, kể cả về ngoại giao, thậm chí đủ khả năng thay đổi cục diện bàn đàm phán. Trong kịch bản xảy ra đối đầu, sự hiện diện của tàu sân bay trên chiến trường sẽ cho thấy tinh thần dốc toàn lực chiến đấu của một bên, từ đó làm lung lay ý chí chiến đấu của đối thủ.

"Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì thông điệp mà Bắc Kinh muốn truyền đi cũng đã rõ: cứ chống lại ý chí của Trung Quốc đi và bạn sẽ nhận lại những kết cục không mong muốn", ông Holmes nói. Thông điệp này sẽ ngày càng trở nên rõ nét khi Trung Quốc dần hoàn thiện hạm đội tàu sân bay.

Để đối phó với "chiến lược tàu sân bay" của Trung Quốc, Mỹ và đồng minh châu Á cần có những công cụ của riêng mình. Bắc Kinh muốn làm nản chí các đối thủ tiềm tàng bằng việc phô diễn sức mạnh và thể hiện quyết tâm chính trị. Nhưng Mỹ và đồng minh có thể chống lại ý chí ấy thông qua việc tăng cường năng lực hải quân cũng như củng cố mối đoàn kết trong liên minh, Holmes nhấn mạnh.

XEM THÊM

>>Nga hiện đại hóa hàng loạt máy bay ném bom chiến lược

>>Mỹ kéo dài ‘tuổi thọ’ của 'thần sấm' A-10 vì… Nga và IS

>>Chiến hạm hiện đại của Nga khoe sức mạnh trên Địa Trung Hải

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG