Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7

Trọn nghĩa, vẹn tình

0:00 / 0:00
0:00
 Mẹ Chăn Thìn và mối tình son sắt với bộ đội Nhân thời chống thực dân Pháp
Mẹ Chăn Thìn và mối tình son sắt với bộ đội Nhân thời chống thực dân Pháp
TP - Trong các chuyến công tác “đặc biệt” của Đội 589, nếu không có sự tận tình giúp đỡ của người dân các bộ tộc Lào thì việc tìm kiếm, quy tập đồng đội hi sinh trên đất bạn Lào khó có thể hoàn thành.

Mối tình son sắt của một người mẹ mù

Dù câu chuyện đã diễn ra cách đây 15 năm, nhưng đại tá Phan Đức Quý vẫn nhớ như in hình ảnh một người mẹ Lào, mắt đã mù, dẫn đường để các anh đi tìm mộ đồng đội.

Đó là vào mùa khô năm 2005 - 2006, Trưởng bản Cút Nặm Xay (Khăm Muộn) thổi một hồi còi dài báo hiệu dân bản tập trung về nhà trưởng bản. Mọi người bàn luận xôn xao nhưng chẳng ai biết đích xác nơi chôn cất liệt sỹ, vì không có người già. Ông Quý hỏi mọi người, trong bản còn ai là người già nữa không, mọi người đáp có mẹ Chăn Thìn, nhưng đã mù hai mắt từ lâu. Mặc dù trong đầu loé lên hi vọng yếu ớt, nhưng ngay sau khi kết thúc buổi gặp dân bản, ông Quý vẫn tìm đến nhà mẹ Chăn Thìn.

Trong ngôi nhà sàn rách nát, một cụ bà mù gầy guộc ngồi sưởi ấm bên bếp lửa. Ông Quý đến bên chào hỏi bằng tiếng bản địa và hỏi thăm về bộ đội Việt Nam hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Khi biết, ông Quý là bộ đội Việt Nam sang tìm kiếm hài cốt của đồng đội, mẹ Chăn Thìn như reo lên: “Hay quá, các con đưa anh Nhân về đi, mắt mẹ mù rồi không thể chăm sóc cho anh ấy nữa”.

Trong ánh lửa bập bùng, mẹ Chăn Thìn kể về mối tình son sắt của mẹ và sự hi sinh anh dũng của bộ đội Nhân. Ngày đó bộ đội Nhân và hai đồng đội nữa về hoạt động ở đây, ở ngay trong nhà của mẹ. Sau nhiều tháng nuôi giấu 3 bộ đội Việt Nam, không biết từ lúc nào cô gái chưa tròn 20 tuổi người Lào và bộ đội Nhân đem lòng yêu thương nhau và cùng thề non, hẹn biển. “Hôm đó anh Nhân và hai đồng đội của mình đang họp dân ở nhà chùa thì du kích vào báo giặc Pháp đến. Anh Nhân không bỏ chạy ngay mà nán lại hướng dẫn dân bản rời đi. Khi anh Nhân vừa ra đến cổng chùa thì bị giặc Pháp bắn, còn hai đồng đội của anh Nhân cũng bị phục kích ở bờ ruộng. Sau đó dân bản đưa 2 đồng đội của anh Nhân đi chôn ở bìa rừng, còn anh Nhân được chôn trong rừng ma của bản. Mẹ bị mù hai mắt, đến nay hơn chục năm rồi không ra thăm anh ấy được. Tội nghiệp cho anh ấy, chẳng biết cây cối có còn không hay người ta đốn cả rồi, không còn cây nóng lắm” - giọng mẹ Chăn Thìn lắng xuống, khuôn mặt buồn, đăm chiêu.

Trọn nghĩa, vẹn tình ảnh 1

Nhờ vào thông tin của người dân các bộ tộc Lào mà Đội Quy tập 589 đã tìm thấy nhiều hài cốt của đồng đội nằm sâu trong rừng rậm hay hang đá cheo leo

Ông Quý khơi sáng bếp lửa, thấy rõ những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má gầy khô của mẹ. “Tự nhiên khoé mắt tôi cũng cay cay… tôi cầm chiếc khăn, xích lại gần nắm tay rồi lau nước mắt cho mẹ. Mẹ nói, mẹ có khóc đâu, chỉ là mỗi lần nghĩ đến anh ấy là nước mắt mẹ lại trào ra đó thôi. Mẹ không lấy chồng, dân bản bảo mẹ bị con ma bộ đội Việt Nam bắt mất hồn đi rồi. Nay mẹ ở với các cháu con em trai để chờ ngày đi theo bộ đội Nhân” - ông Quý xúc động nhớ lại.

Sáng hôm sau, khi mọi người trở dậy đã thấy mẹ Chăn Thìn ngồi chờ sẵn đầu cầu thang. Mẹ cương quyết không ngồi võng để anh em khiêng mà tự đi bộ. “Để mẹ tự đi, mẹ mới cảm nhận được đường để dẫn các con tới nơi. Xuống dốc có người dắt là được, còn lên dốc thì để mẹ tự bò” - ông Quý kể lại lời mẹ Chăn Thìn.

Còn nhiều lắm những người dân các bộ tộc Lào, nhờ họ mà đội quy tập đã tìm được đồng đội đề đưa các anh về quê hương. Để có được điều đó là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp của nước bạn Lào trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ bộ đội Việt Nam hi sinh tại Lào”. ông Phan Đức Quý

Sau hai giờ đi đường, mọi người cũng đến nơi, vì là khu rừng ma nên cây cối vẫn um tùm. “Lúc đó mẹ bảo đưa mẹ đến cây săng lẻ to nhất, bác trưởng bản dắt mẹ đến đó. Sau khi xác định thời gian và hướng mặt trời, mẹ nói bên phải có cây gõ đỏ hai chồi cách 15 bước, bên trái có cây sến cách 6 bước, chia đôi khoảng cách hai cây ấy ra, đó là phần mộ liệt sỹ Nhân. Vừa nói mẹ vừa đi tới, xích qua xích lại để xác định vị trí rồi vui mừng kêu lên “đây rồi!” - ông Quý kể.

Người phát cây, người đào đất, chỉ trong chốc lát một chiến sỹ reo lên “có một chiếc dây”, mọi người sung sướng trào nước mắt. Mẹ Chăn Thìn ngồi thụp xuống, hai hàng nước mắt trào ra, mẹ nói với người đã khuất: “Anh Nhân ơi, cứ mỗi lần nhớ anh, em lại đến đây cùng gốc cây này nhìn anh qua nấm mộ. Nay em tuổi già, mắt mù, chân chậm không đến được bên anh chăm sóc cho anh, may mắn hôm nay có đồng đội đến tìm đưa anh về đất mẹ yêu thương. Sau này chết đi, em sẽ về Việt Nam tìm anh anh nhé?”

“Báu vật” của cậu bé người Lào

Tháng 12/2006, đơn vị ông Quý hành quân quay trở lại bản Noong Xeng, tỉnh Khăm Muộn để tìm kiếm những hài cốt liệt sỹ mà lần trước chưa quy tập hết. Xe vừa dừng, có một cậu bé tên Khăm, chừng 8 tuổi chạy đến níu tay ông Quý “Chú ơi, cháu tìm thấy mộ liệt sỹ đấy!”. Ông Quý nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng quay sang hỏi “ở đâu, sao cháu biết?”. Cậu bé nắm tay ông Quý dắt vào một ngõ nhỏ “chú về nhà cháu, cháu có một báu vật của liệt sỹ Việt Nam”.

Về đến nhà, ông Quý đang chào hỏi người trong nhà thì cu cậu nhanh nhảu trèo lên mái nhà sờ trên đầu cột, lấy một gói nhỏ bọc bằng vải dù đưa cho ông Quý. “Tôi đón lấy run run mở ra, đó là một chiếc răng, một chiếc quân hiệu của bộ đội Việt Nam. Sáng hôm sau, trên đường dẫn chúng tôi tới nơi phát hiện mộ liệt sỹ, cháu Khăm kể: Mấy tháng trước trong lúc vào rừng tìm sắt vụn về bán mua sách vở, khi đào xuống lòng đất, bất ngờ lộ ra một bộ hài cốt. Vì lần trước cháu đã biết chúng tôi sang đây tìm hài cốt liệt sỹ, nên khi nhìn thấy quân hiệu, cháu biết đây là bộ đội Việt Nam. Cháu cẩn thận nhặt chiếc quân hiệu, một chiếc răng và xé miếng vải dù gói lại, đưa về nhà cất, xem như báu vật của mình, đợi đội quy tập quay trở lại. Sau khi lấp lại đất, cháu còn cẩn thận khuân một tảng đá to đặt lên đó để đánh dấu” - ông Quý kể.

Tại địa điểm cháu bé phát hiện, Đội Quy tập 589 đã phát hiện 3 hài cốt liệt sỹ Việt Nam với đầy đủ di vật kèm theo như: Vỏ hộp kem đánh răng, thẻ đoàn viên, dây thắt lưng, 1 chiếc lược nhôm và 2 cái kẹp tóc.

Sáng hôm sau, vào ngày thứ Hai chào cờ đầu tuần, Ban chỉ huy Đội 589 đã đến trường tiểu học nơi cháu Khăm đang học lớp 3, phối hợp với nhà trường biểu dương và trao quà cho cháu dưới cờ. Sau này, thông qua Đội 589 đề nghị, cháu còn được nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình.

MỚI - NÓNG