Câu chuyện giới tuyến: Đám cưới trên cầu Bến Hải

0:00 / 0:00
0:00
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương ảnh: Phạm Xuân Dũng
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương ảnh: Phạm Xuân Dũng
TP - Vĩ tuyến 17 có một sức hút đặc biệt vì vai trò lịch sử không nơi nào thay thế được.

Cuộc gặp gỡ nghẹn ngào

Vào năm 1967 tại Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng được mời sang Phủ Chủ tịch Nước có việc quan trọng. Khi ấy bà đang là bác sĩ, công tác ở Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, phụ trách Phòng Y tế của cơ quan này. Đến nơi gặp mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiếp đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Pháp gốc Hà Lan Joris Ivens có vợ Marceline Loridan Ivens, một tù nhân của trại tập trung phát xít Đức. Hồ Chủ tịch trân trọng giới thiệu họ là “Những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng”. Bà Phượng được cử làm phiên dịch đi cùng đoàn làm phim vào Vĩnh Linh thực hiện bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân”.

Câu chuyện giới tuyến: Đám cưới trên cầu Bến Hải ảnh 1

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (người đội mũ) trong một lần trở lại Vĩnh Linh,

Quảng Trị Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Hai tháng ở Vĩnh Linh, bác sĩ Xuân Phượng cùng đoàn làm phim sống và chiến đấu như những người lính với biết bao nguy hiểm, và nhiều kỷ niệm quý giá. Đến khi phim đưa ra Hà Nội, dọc đường bị ném bom, cuốn phim cũng thấm máu của những nhà làm phim. Bộ phim được công chiếu ở nước ngoài gây tiếng vang, được dư luận thế giới chú ý. Sau chuyến đi này số phận của bà Xuân Phượng rẽ sang hướng khác, trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu chuyên nghiệp hiếm hoi như gợi ý và mong mỏi của đạo diễn Ivens. Với nhiều cống hiến cho giao lưu văn hóa Việt-Pháp, bà Xuân Phượng được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý.

40 năm sau, năm 2007 bà Xuân Phượng trở lại Vĩnh Linh với mong muốn thực hiện bộ phim về những nhân vật từng xuất hiện trên màn ảnh cách đây nửa thế kỷ. Điều này còn nhằm thỏa ước nguyện của đạo diễn Ivens trăng trối với vợ trước lúc qua đời: Hãy tìm về với những nhân vật trong phim tài liệu về Vĩnh Linh ngày trước đã nói ở trên.

Nhà báo lão thành Lê Quang Thông, nguyên Phó giám đốc Đài PTTH Quảng Trị quê ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh), nơi có chiếc cầu Hiền Lương, người từng quen biết với tác giả bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải”, có nói: “Phải là người rất cảm thông, thấu hiểu mảnh đất Quảng Trị và nỗi đau chia cắt thì nhà thơ Cảnh Trà mới có thể viết nên những vần thơ chân thực, xúc động tâm can người đọc đến vậy.

Nhà thơ Nguyễn Duy được mời làm biên kịch của bộ phim này với tên gọi “Trở lại Vĩnh Linh”. Với ông, vốn từng là người lính đây cũng là dịp làm sống dậy những ký ức chiến tranh của một thời trai trẻ và của cả dân tộc này một thời bi tráng. UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi tiếp đoàn trọng thị và được nhận bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Ivens do bà Xuân Phượng tặng. Dịp ấy, tôi và một đồng nghiệp ở đài PTTH tỉnh Quảng Trị được cử đi theo đoàn suốt mấy ngày trên đất Vĩnh Linh.

Đi dọc theo bắc vĩ tuyến 17, đoàn chiếu lại bộ phim “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” trên đất Vĩnh Linh. Bà con xem rất đông, họ được thấy lại một thời khói lửa, đạn bom ác liệt không thể nào quên. Những người lớn tuổi như được nhìn thấy quá khứ bi tráng của mình qua những thước phim sống động. Đạo diễn phim thấy mình như trẻ lại khi chứng kiến những khán giả là nhân chứng lịch sử vùng giới tuyến.

Gần cả tuần rong ruổi vất vả nhưng tâm nguyện của đạo diễn Xuân Phượng vẫn chưa đạt được khiến ai nấy băn khoăn. Đương nhiên nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Duy, một cựu binh từng gắn bó với Quảng Trị cũng suy nghĩ rất lung. Đó là bà Xuân Phượng rất muốn gặp lại hai người: Một đứa bé được bà đỡ đẻ ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc và được bà lấy tên mình đặt cho cháu. Còn nhân vật thứ hai cũng là một đứa trẻ 9 tuổi tên Đức rất gan dạ không hề sợ máy bay Mỹ.

Nhưng mọi sự tìm kiếm, hỏi han, nhắn gửi đều không có kết quả, kể cả ra đến tỉnh Quảng Bình nhưng tất cả bặt vô âm tín. Buồn bã, bà Xuân Phượng vào đêm cuối trên đất Vĩnh Linh, tâm sự với phóng viên quay phim đài tỉnh là Phan Khiêm: “Chán quá, ngày mai cô phải trở vào Sài Gòn rồi. Hơn một tuần này không sao tìm được bé Đức. Nếu còn sống năm nay Đức cũng đã 49 tuổi”. Nghe vậy anh Phan Khiêm buột miệng: “Cháu cũng từng học với một người thầy tên Phạm Công Đức nhưng lại ở Gio Linh, không phải Vĩnh Linh, nhà thầy ở ngay Dốc Miếu...”. Đạo diễn Xuân Phượng bật dậy như một bản năng nghề nghiệp và câu chuyện kết thúc thật bất ngờ. Sau một cuộc điện thoại chớp nhoáng, thầy giáo Phạm Công Đức đã gặp lại bà Xuân Phượng và cả đoàn làm phim trong hạnh ngộ vỡ òa, hạnh phúc nghẹn ngào: Chính thầy là cậu bé Đức đầu đội mũ cối, cười nói hồn nhiên trong bộ phim tài liệu nổi tiếng thế giới của 40 năm trước. Ngay những người kinh qua trận mạc, từng chứng kiến bao điều lạ trong đời như nhà thơ Nguyễn Duy cũng chỉ còn biết lặng người xúc động.

Ðưa dâu qua cầu Hiền Lương

Trong ca khúc “Huế-Sài Gòn-Hà Nội” mong đợi và cảm khái trước ngày vui hòa bình, nhất thống trong mơ ước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu, mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu...”, hẳn chính là cây cầu Hiền Lương với gánh nặng lịch sử bao năm ròng rã. Niềm vui đoàn tụ của nước non nhất thiết phải đi qua chiếc cầu này. Bởi từ ngày 20/7/1954 hiệp định Geneve lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời, nhưng cái “tạm thời” ấy kéo dài đến hơn 20 năm.

Và đúng ngày 20/7/1975 có một bài thơ ghi nhận thực tế cũng từ chiếc cầu Hiền Lương mang tên “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, tác phẩm được tặng thưởng bài thơ hay nhất khi tạp chí Văn nghệ Giải phóng kỷ niệm in được 100 số. Bài thơ khắc họa một đám cưới sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất: “Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu/Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải/Cầu vừa bắc xong sơn còn tươi rói/Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng/Nhìn họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng/Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ...”.

Bài thơ thành công và lay động lòng người bởi đã phát hiện ra điều khác thường từ một điều bình thường: đưa dâu qua chiếc cầu chia cắt bao năm. Lời thơ dung dị, chân mộc, giàu cảm xúc, chạm đến sâu thẳm tâm tư của hàng triệu con người với mong muốn muôn đời về hòa bình, thống nhất.

Xuống đất gặp trời

Cả cuộc đời 46 năm cố họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, gốc gác Vĩnh Linh, luôn đau đáu với ước nguyện cháy bỏng là triển lãm nghệ thuật ngay chính trên mảnh đất từng là giới tuyến. Và vào mùa hè năm 2015, anh đã thỏa nguyện khi trình diễn và dâng tặng đất mẹ Vĩnh Linh cuộc triển lãm độc đáo ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc với tên gọi ấn tượng đầy nghịch lý “Xuống đất gặp trời”. Địa đạo Vịnh Mốc chính là “ngôi nhà” trong lòng đất của người dân Vĩnh Linh tránh mưa bom bão đạn trong chiến tranh.

Cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt với điểm nhấn là bong bóng bay và cách sử dụng ánh sáng trong đường hầm địa đạo đã thực sự thăng hoa, biểu đạt ý tưởng của tác giả: Xuống đất không phải là xuống địa ngục, bế tắc, mà xuống đất để “gặp” trời cao lồng lộng ngay trên đầu mình, đó là lựa chọn và lẽ sống, niềm tin của những con người Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Dù chiến tranh, chia cắt giới tuyến đã đi qua gần cả đời người nhưng ám ảnh của nó trong đời thường và nghệ thuật có lẽ còn lan tỏa dài lâu.

(Còn nữa)

P.X.D

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.