Sắt son hai nước Việt - Lào
Cứ đến mùa khô ở nước bạn Lào, cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập, phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An lại lên đường sang bên kia dãy Trường Sơn. Nơi ấy, hàng vạn người con Việt Nam đã từng kề vai, sát cánh cùng bộ đội, nhân dân Lào đánh đuổi kẻ thù mang hòa bình về với xứ sở Triệu Voi. Các thế hệ cha ông đã anh dũng ngã xuống vun đắp nên tình hữu nghị Việt - Lào, sắt son bao đời nay.
Thượng tá Nguyễn Trọng Ngân- Chính trị viên Đội Quy tập cho biết, ngoài thời gian huấn luyện tại đơn vị hầu hết thời gian còn lại của năm, anh em đều sống trong rừng. “Trong các nguồn thông tin để đội triển khai tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào thì nguồn tin từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân sở tại là một trong những nguồn tin chủ yếu. Chúng tôi cùng sống, sinh hoạt với họ như thành viên trong gia đình và xem là quê hương thứ hai của mình. Từng nắm xôi, con cá khô đến những cọng rau cũng sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày”, thượng tá Nguyễn Trọng Ngân chia sẻ.
Vượt núi đồi đưa hài cốt liệt sỹ về với Tổ quốc thân yêu |
Chính trị viên Đội Quy tập kể, tháng 11/2020, anh đang cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại Lào thì nhận được tin báo, một công dân Việt Nam kinh doanh buôn bán tại đây nắm được thông tin có hai cụ ông 80 tuổi người Lào, lúc đi cày ruộng phát hiện một di vật liệt sỹ. “Tôi hội ý với lãnh đạo đội rồi phối hợp với chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ đưa hai cụ ông đến đánh dấu vị trí. Tuổi cao sức yếu nhưng các cụ rất nhiệt tình đi 80km, có cụ say xe nhưng vẫn đến làm lễ, cúng bái theo phong tục. Lần thứ nhất tìm kiếm không thấy. Các cụ nói, đợt tiếp theo sẽ cùng bộ đội trở lại vị trí ấy tìm kiếm cho bằng được hài cốt liệt sỹ. Như vậy, tâm can mới thanh thản”, anh Ngân nói.
Giống như các đồng đội khác, thiếu tá Lê Văn Đức cũng có nhiều kỷ niệm trên đất nước bạn. Anh kể, mùa khô năm 2020 - 2021, tổ của anh gồm có 5 đồng chí sang làm nhiệm vụ ở khu vực bản Thèn Khùn, huyện Mường Khùn, tỉnh Xiêng Khoảng. Trong một tháng ăn ở cùng với dân bản, xâu chuỗi lại những thông tin về nghĩa trang trên núi Phu Phả Đeng, nơi mà suốt gần 15 năm qua, hàng chục đợt tìm kiếm được triển khai nhưng không thấy các phần mộ liệt sỹ. Từ thông tin của người dân và lời dặn dò của những đồng đội đi trước, tổ anh Đức kiên trì, bám trụ tìm được di cốt của các anh đưa về đất Mẹ.
“Qua khảo sát, chúng tôi thấy chỉ có một sườn núi dốc thẳng đứng là chưa tìm kiếm. Anh em hỳ hục đào từ 5 giờ sáng 24/1/2021 đến 14h15 cùng ngày thì phát hiện một miếng nhôm có khắc tên đồng chí Lưu Đắc Hương (sinh năm 1940, quê Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng; hy sinh 31/12/1969; đơn vị C13). Số lượng ít, sức người có hạn, chúng tôi càng không muốn để hài cốt các liệt sỹ nằm lại nơi này. Tối hôm đó, tôi về gặp Trưởng bản trao đổi nhờ dân quân, người dân trong bản cùng đến đào tìm kiếm”, thiếu tá Lê Văn Đức cho hay.
Sáng hôm sau khi gà rừng cất vang tiếng gáy, vọng ra từ đại ngàn còn hun hút mờ sương, anh Đức cùng đồng đội thức giấc chuẩn bị cho một ngày tìm kiếm. Trên khuôn mặt mỗi cán bộ, chiến sỹ đều thể hiện sự quyết tâm. “Khi mọi người đã sẵn sàng xuất phát thì 30 dân quân của bản Thèn Khùn cũng có mặt đợi ở ngoài đường. Xúc động là cảm nhận chung của anh em chúng tôi lúc đó. Tới ngọn núi, chúng tôi dàn đội hình hàng ngang dài 100m cùng đào. Những ngày sau có đoàn thanh niên, học sinh, phụ nữ cũng đến giúp, đội hình tìm kiếm được duy trì. Mỗi người dân một đùm cơm, một chai nước, mang theo cuốc xẻng cùng lên núi. Thời tiết nắng nóng, hanh khô nhưng không ai chùn bước. Sau 4 ngày liên tục, chúng tôi tìm thấy 8 hài cốt liệt sỹ có thông tin đầy đủ. Đến khi đưa các anh rời núi về nơi quy tập thì trời đổ mưa... Với cá nhân tôi, những giọt mưa ấy là ngọn nguồn tình cảm, quý mến nhau của quân dân hai nước, tưới mát những ngày nắng nóng kéo dài”, thiếu tá Lê Văn Đức nhớ lại.
Hành quân giữa rừng già
Len lỏi trong những khu rừng rậm, vượt núi đèo trơn trượt, vách đá cheo leo, hành trang của cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập mang theo là cuốc, xẻng cùng ba lô trên vai. Nắm cơm khô mặn nấu vội bên bờ suối, giấc ngủ chập chờn giữa chốn rừng thiêng nước độc. Dù nắng cháy da hay mưa tuôn xối xả, các anh cứ miệt mài đi, đến những chiến trường ác liệt năm xưa với hi vọng tìm kiếm và đưa được nhiều liệt sỹ trở về quê hương. “Bộ đội con đi tìm bộ đội cha” là cuộc đua với thời gian, bởi càng để lâu, những bộ hài cốt hòa tan vào đất thì công cuộc tìm kiếm càng gian nan, vất vả hơn. Trăn trở, thôi thúc các anh hành quân.
Nhắc đến những chuyến hành quân, thiếu tá Lê Đình Thích cho biết, các phần mộ gần thì đã được tìm kiếm, giờ chỉ còn những phần mộ ở núi rừng hiểm trở. Tháng 11/2019, tổ của anh Thích xuất phát lúc 5h sáng từ Đồn Biên phòng Lào đến 10h30 đến sông Nậm Nơn. Các anh buộc phải vượt sông mới đến được vị trí phần mộ liệt sỹ hy sinh ở trong rừng. Sau cuộc hội ý nhanh, thiếu tá Nguyễn Quang Trung là người bơi giỏi nhất nên bơi sang trước. Sông sâu, nước xiết, từng mỏm đá lấp ló dưới nước như bẫy chông. Với tinh thần thép được tôi luyện trên thao trường, anh Trung đã vượt sông an toàn. Dùng đầu dây thừng buộc chặt vào gốc cây, các cán bộ, chiến sỹ khác lần theo sợi dây níu giữ ba lô và bơi tới bờ. Đi bộ khoảng 2 giờ đồng hồ thì tổ của thiếu tá Lê Đình Thích mới đến nơi chỉ định.
“Quần quật hai ngày sau, chúng tôi tìm được phần mộ. Đó là thời điểm gần 12 giờ trưa, anh em mệt rã rời nhưng thấy được phần mộ liệt sỹ sự mệt mỏi tan biến. Có một sự trùng hợp là chúng tôi thường tìm thấy các liệt sỹ vào khung giờ giữa trưa, lúc thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhất, bụng đói, cơ thể mỏi nhừ. Anh em thường nói với nhau là các liệt sĩ đang thử thách, xem mình có thành tâm hay không?”, thiếu tá Lê Đình Thích tâm sự.
(Còn nữa)
Sau 38 năm thành lập, Đội Quy tập Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm thấy hơn 12.300 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Từ năm 2015 cho đến nay, Đội đã tìm thấy 517 hài cốt, trong đó có 16 hài cốt xác định được thông tin (họ tên, quê quán, đơn vị).