Thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều nay, 12/6, góp ý về việc bổ sung ngày nghỉ lễ, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) cho hay, phương án nghỉ lễ ngày 27/7 hàng năm là hợp lý để người lao động có thêm 1 ngày nghỉ thực hiện các hoạt động thiết thực, tri ân những người có công với đất nước. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Bà cho rằng nên gọi tên ngày nghỉ 27/7 là ngày tri ân người có công với nước.
Tranh luận lại, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, ngày 27/7 là ngày lễ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ và người có công đã được chúng ta thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. “Nhưng nếu lấy đó là ngày nghỉ thì theo tôi cần cân nhắc kỹ, vì nó là tình cảm, niềm tin của người này thì có thể sẽ là nỗi bất hạnh của người khác, sẽ động chạm đến lòng cảm xúc và lòng trắc ẩn của rất nhiều người”, ông Thưởng nói.
ĐB lo ngại, nếu nghỉ 27/7 để tổ chức các hoạt động tri ân trong bối cảnh ấy thì có nên không, có tác động gì đến tư tưởng, tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc hay không. Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) bày tỏ đồng tình đề xuất ngày nghỉ lễ bố trí trong khoảng thời gian từ tháng 5- 9 trong năm. Song, bà Nguyệt cũng bày tỏ băn khoăn về những con số, hình ảnh đọng lại trong những ngày nghỉ lễ của nước ta.
Đó là hình ảnh đông nghẹt người du lịch các bãi biển, hàng ngàn người dân chôn chân trên đường nắng nóng khi di chuyển về các thành phố sau thời gian nghỉ lễ, cũng như các con số thống kê về tai nạn giao thông, số người chết và bị thương trong ngày nghỉ.
“Đây là những con số hết sức ám ảnh. Tôi đề nghị Chính phủ cần có phương án hướng tới chọn ngày nào sao cho thiết thực, hiệu quả”, ĐB Nguyệt đề nghị.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đề nghị ngày 27/7 là ngày tri ân nghe qua có vẻ rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn. “Ngày 27/7 đã in sâu ký ức, trí nhớ của người dân Việt. Nếu đổi tên ngày tri ân chung chung, không lập đối tượng thì sẽ ảnh hưởng đến việc tri ân cụ thể, thiết thực đối với các thương binh liệt sĩ.
Việc này dễ dẫn đến tri ân sai đối tượng, kể cả gọi là tri ân người có công cũng chưa ổn. Vì bố mẹ, thầy cô giáo… về phương diện hoạt động nào cũng là người có công với chúng ta, khi đó ngày tri ân thương binh liệt sĩ sẽ trở nên nhạt nhoà, không sâu sắc, thậm chí có thể bị người xấu lợi dụng để tổ chức những hoạt động tri ân không phù hợp”, ông Trí phân tích.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng bày tỏ không bằng lòng lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ, tri ân.
Theo ông, 27/7 là ngày rất thiêng liêng, ngày uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Chính vậy nên ta thường nhắc nhau rằng biến đau thương thành hành động có ý nghĩa. “Tại sao chúng ta lại phải nghỉ tự do, nô đùa, thậm chí sung sướng, tôi nghĩ không nên.
Đất nước ta trải qua nhiều năm đau thương vì chiến tranh tàn phá, mất mát rất nhiều. Có những người được công nhận là Anh hùng liệt sĩ, nhưng nhiều người dân cũng mất mát trong chiến tranh, chúng ta không nên nhắc lại những gì đau thương ở mỗi gia đình, kể cả những người chiến tuyến bên kia”, ông Kim nêu ý kiến.
Ông Kim cho rằng, không nên nhắc lại cái gì đau thương ở những người, gia đình có người thân mất mát trong chiến tranh. Không đồng ý lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, ĐB Kim đề nghị lấy một ngày được cho có ý nghĩa vô cùng đó là ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề xuất có thể lấy ngày Vu lan báo hiếu, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) thì kiến nghị nên chọn ngày Gia đình Việt Nam là ngày nghỉ lễ trong năm.
Giải trình làm rõ các ý kiến ĐB, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong dự thảo đề cập nêu rõ vấn đề ý nghĩa, tính nhân văn
“Nhưng qua ý kiến phát biểu của ĐB hôm nay, Chính phủ tiếp thu, lắng nghe và chính thức xin rút nội dung này”, ông Dung nói.