Ngổn ngang khó khăn sau chiến tranh
- Thưa ông, ông có thể điểm lại những khó khăn của tỉnh Lai Châu trước đây, nay là Điện Biên những ngày đầu sau chiến dịch Điện Biên Phủ?
Sự tổn thất về người là tổn thất lớn nhất vì đó là nguồn lực quan trọng để tái thiết thể chế, kinh tế và xã hội. Số thương vong của bộ đội, dân quân địa phương và đồng bào ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ theo hồ sơ quân y là 4.020 người chết, 9.691 người bị thương và 792 mất tích. Hạ tầng giao thông, cấp nước, nhà cửa, ruộng vườn... cơ bản đã bị quét sạch sau những đợt nã pháo, bắn phá của quân thù. Tiếp đó là vấn đề di dân và tái định cư. Trước đó, nhiều người dân đã di cư để tránh chiến tranh, gây ra sự phân tán dân số và khó khăn trong việc tái định cư sau chiến tranh.
Thêm nữa, nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế lúc đó hết sức khó khăn. Nền kinh tế của địa phương lúc đó chủ yếu là nông nghiệp độc canh cây lúa nhưng một diện tích rất lớn bị bỏ hoang. Nhân dân lúc đó cũng chưa có kinh nghiệm và tập quán làm ruộng nước, tăng vụ.
Cộng vào đó là dân cư lúc đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, sống cơ bản dựa vào thiên nhiên, tự cung, tự cấp; tiếng nói, chữ viết, tập quán giữa các dân tộc khác nhau. Ngoài ra, do điều kiện sống nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn nên sức khỏe của người dân thời kỳ này không được đảm bảo.
Để khắc phục những khó khăn đó, tỉnh Điện Biên đã thực hiện những giải pháp gì?
Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong giai đoạn 1955-1975, tỉnh Điện Biên tập trung vào phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực; đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho nông nghiệp. Trong đó, công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm được xây dựng trong những năm tháng khó khăn, gian khổ do giặc Mỹ ngày đêm bắn phá là thành tựu rất lớn lúc đó. Tỉnh cũng đã củng cố, kiên trì xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, phát triển nông trường quốc doanh. Việc tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng. Đến năm 1973, hạ tầng giao thông đã tăng gấp 4 lần so với trước chiến tranh. Công tác y tế, văn hóa, giáo dục cũng được quan tâm; trong đó, hầu hết các xã có trạm y tế.
Cầu Thanh Bình mới khánh thành chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Xin ông khái quát các chặng đường phát triển của Điện Biên trong 70 năm qua?
70 năm qua, nhân dân các dân tộc Điện Biên vượt qua khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kể từ khi chia tách tỉnh, Điện Biên đã có sự chuyển mình rõ rệt, giành được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều năm liền, Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt trung bình trên 9,33%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng/người/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020, và tăng 2,1 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm. Năm 2023 đạt trên 1.640 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với năm 2004 (trước khi tách tỉnh).
Tỉnh đã tận dụng khai thác các tiềm năng lợi thế về đất đai gắn với phát triển sản xuất bền vững cho người dân thông qua các mô hình liên kết sản xuất, nhất là các mô hình trồng cây mắc ca. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 285,52 nghìn tấn. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 41,74% số xã; bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc nâng cấp các hạng mục, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321 hoạt động. Dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La giai đoạn 1 đang được khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, ngành du lịch của Điện Biên phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đón 2.087.000 lượt khách du lịch (trong đó khoảng 13.500 lượt khách quốc tế). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.546 tỷ đồng. Trong năm 2023, tỉnh Điện Biên đón trên 1 triệu lượt khách, với doanh thu đạt trên 1.750 tỷ đồng.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Để chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên đã ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm nào, thưa ông?
Hiện nay, một số công trình, dự án đã hoàn thành, hoặc cơ bản hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng như: Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, cầu Thanh Bình. Một số dự án đã cơ bản hoàn thành kịp thời đưa vào phục vụ dịp kỷ niệm như: Trục đường 60m, dự án Cải tạo sửa chữa các công trình, điểm di tích, dự án Sửa chữa, nâng cấp sân vận động tỉnh Điện Biên.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm trong di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia (Chương trình “Bừng sáng Điện Biên”) đã và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm trình phê duyệt dự án.
Trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương triển khai chương trình “Mái ấm nghĩa tình, An sinh xã hội” tỉnh Điện Biên, tri ân các gia đình chính sách, hỗ trợ các hộ nghèo. Theo đó, các hộ gia đình đủ điều kiện đã được hỗ trợ chủ động làm nhà theo đúng nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình chủ động làm nhà”. Ngoài hỗ trợ của chương trình, một số tổ chức doanh nghiệp tài trợ, các hộ gia đình tích cực huy động thêm nguồn lực như vay, mượn ngân hàng, gia đình, họ hàng để nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu sử dụng của ngôi nhà. Dự án “Đưa điện về thắp sáng vùng cao” của tỉnh đã cấp điện cho 6.605 hộ, thuộc địa bàn 108 thôn bản, thuộc 37 xã của 8 huyện và thành phố Điện Biên Phủ với tổng kinh phí đầu tư khoảng gần 465 tỷ đồng.
Xin ông cho biết, giai đoạn tới Điện Biên ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ gì ngoài các công trình, dự án nêu trên?
Cờ hoa rợp thành phố Điện Biên chào mừng lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Điện Biên tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội cũng được tỉnh chú trọng…
(Còn nữa)
Xin cảm ơn ông!