Chừng chục năm trước, phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt, đặc biệt với thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) do các địa phương quy hoạch, phê duyệt “mọc như nấm”. Đặc biệt là các tỉnh miền núi Bắc, miền Trung và Tây Nguyên như: Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang…
Còn nhớ, khi đoàn giám sát của Quốc hội và sau đó Quốc hội ra nghị quyết (năm 2013) dừng hơn 400 thủy điện nhỏ ở các địa phương mới thấy nhiều vấn đề. Nhiều địa phương không có cán bộ chuyên môn về thủy điện cũng duyệt dự án thủy điện. Đó là điều nguy hiểm. Trong khi, phần lớn thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư, nếu nhà đầu tư không có trách nhiệm, họ sẵn sàng bỏ qua rất nhiều khâu để tiết kiệm chi phí.
Ở nước ta, những vụ vỡ đập thủy điện Ya Krel 2 (Gia Lai), Đak Krong 3 (Quảng Trị), sự cố thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh)…hay thủy điện bậc thang cỡ lớn như sông Tranh (Quảng Nam) cũng rất đáng lo ngại.
Nói về thủy điện bậc thang, nên nhớ rằng, vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều (Trung Quốc) năm 1975 đã trở thành một thảm họa của lịch sử nhân loại. Lúc đầu, chỉ vỡ một đập nhỏ ở thượng nguồn, sau đó làm cho hàng loạt đập hạ du vỡ theo và gây ra thảm họa thảm khốc với 26 nghìn người chết…
Với hệ thống thủy điện nhỏ của Việt Nam hiện nay, trừ những hồ lớn như Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang…khoảng 80% thủy điện không có hồ chứa có dung tích phòng lũ.
Bởi vậy, với thủy điện nhỏ, chỉ mưa cấp tập một lúc là đầy, nước tràn qua đập. Vấn đề ở chỗ, nếu thiết kế đập không sát, đặc biệt không tính toán lượng nước lũ dồn dập tràn qua đỉnh đập, rất dễ phát sinh sự cố.
Với hồ đập, không thể nói 100% đều an toàn. Thế nên, khi mùa lũ về, những hồ có dung tích phòng lũ, phải tuân thủ theo quy trình vận hành, còn không dễ gặp sự cố. Còn hồ chứa nhỏ, nguy cơ cao hơn, phải phối hợp với địa phương để cảnh báo sớm cho cư dân hạ du chạy lũ. Đây là yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại, tránh thảm họa.
Có thể thấy rằng, việc phê duyệt, cấp phép dự án thủy điện, đặc biệt thủy điện nhỏ, người quản lý phải hiểu rất rõ về nó, còn không, anh sẽ không biết nói gì nếu sau này gặp sự cố. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ hồ cũng rất lớn trong quá trình xây dựng, vận hành thủy điện, đó là trách nhiệm trước an toàn của hạ du và tính mạng của người dân.