Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nga, theo yêu cầu của Minsk, sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở Belarus, giống như Mỹ đã làm trên lãnh thổ của các đồng minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trên kênh tin tức Rossiya-24 hôm thứ Bảy.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

“Ngay cả trước khi có tuyên bố này (về khả năng cung cấp đạn uranium nghèo của Anh cho Ukraine - Tass), Tổng thống Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng "không có gì bất thường về điều này."

“Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO ở châu Âu từ lâu. Tại 6 quốc gia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Ý, Hy Lạp. Hy Lạp chưa được triển khai vũ khí nhưng đã có nhà kho.”

"Và chúng tôi đã đồng ý với Belarus rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Không vi phạm - tôi muốn nhấn mạnh điều này - nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin khẳng định.

Cũng theo Tổng thống Nga, Mátxcơva “đã giúp các đồng nghiệp Belarus trang bị lại máy bay của họ”. “10 máy bay đã sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này. Chúng tôi đã bàn giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả, có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.”

“Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện phi hành đoàn và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho đặc biệt chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống nói.

"Vì vậy, tất cả những gì Tổng thống Belarus yêu cầu, tất cả những vấn đề ông ấy nêu ra, chúng đang được thực hiện và tất cả các thỏa thuận của chúng tôi sẽ đạt được trong tương lai rất gần", nhà lãnh đạo Nga tiếp tục.

Belarus là đồng minh thân cận của Nga, có biên giới với cả Nga và Ukraine.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát những vũ khí này cho Belarus mà chỉ triển khai chúng ở nước láng giềng, cũng như Mỹ không chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các đồng minh của mình. Ông Putin không nói rõ thời điểm vũ khí được vận chuyển đến nhà kho mới.

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đáp lại kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine của Anh, nói rằng Nga nên cung cấp cho Belarus "đạn với uranium thật".

“Lý do (khiến ông Lukashenko phải tuyên bố như vậy - Tass) là do phát ngôn của Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie rằng họ sẽ cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine, bằng cách nào đó có liên quan đến công nghệ hạt nhân”, ông Putin nói.

Anh đã thông báo trước đó vào tháng 3 rằng họ có kế hoạch gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine để sử dụng cho xe tăng chiến đấu Challenger 2. Mátxcơva chỉ trích động thái này là dấu hiệu của “sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm” từ phía London và Washington.

Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của Nga bằng cách gọi đạn uranium nghèo là "loại đạn thông thường" đã "được sử dụng trong nhiều thập kỷ". Bộ Quốc phòng Nga sau đó cảnh báo rằng việc sử dụng chúng có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, viện dẫn hậu quả của việc NATO sử dụng những loại vũ khí như vậy ở Iraq.

Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi Washington thu hồi các vũ khí như một phần trong đề xuất an ninh của mình, nhưng Mỹ và NATO từ chối.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở 4 quốc gia mới độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Vào tháng 5/1992, bốn quốc gia đã đồng ý rằng tất cả vũ khí phải được đặt tại Nga và việc chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã hoàn thành vào năm 1996.

Theo Tass, RT
MỚI - NÓNG