Tàu khu trục Aegis của Nhật Bản phóng tên lửa trên Thái Bình Dương tháng 11/2022. (Ảnh: Kyodo) |
Bước đi này nhằm giúp Nhật Bản phát triển năng lực tấn công vào trong lãnh thổ của kẻ địch, trong bối cảnh Tokyo muốn tăng cường năng lực đối phó với các mối đe doạ hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo nguồn tin, Nhật Bản sẽ mua các tên lửa Tomahawk Block-5 mới nhất, với tầm bắn khoảng 1.600km từ Mỹ. Chính phủ nước này trước đó đã thông báo kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk, trị giá 1,6 tỷ USD, trong năm tài khoá 2023.
Hiện tại, 2 tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa. Hai tàu khác đậu tại căn cứ Maizuru thuộc tỉnh Tokyo và 4 tàu còn lại đóng tại căn cứ Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki.
Tokyo định sẽ bố trí ngân sách để tân trang hệ thống phóng của mỗi tàu từ năm 2024 để phù hợp với tên lửa Tomahawk.
Chính phủ Nhật cũng sẽ bổ sung 2 tàu Aegis vào năm 2023 và đưa 2 tàu vào hoạt động vào năm 2028 để thay thế cho kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ đã bị huỷ bỏ.
Cuối năm ngoái, Nhật Bản quyết định trang bị năng lực phản công và tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để thực hiện thay đổi mạnh mẽ trong chính sách an ninh hậu chiến tranh.
Tokyo tin rằng, việc trang bị năng lực tấn công căn cứ của kẻ thù là điều phù hợp với Hiến pháp nếu được coi là biện pháp phòng vệ. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa trang bị năng lực này cho Lực lượng phòng vệ, mà để cho đồng minh Mỹ đảm nhiệm.
Tên lửa hành trình Tomahawk đã chứng tỏ năng lực tấn công chính xác trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991 và chiến tranh Iraq 2003.