Tổng thống Philippines thừa nhận làm ngơ cho tàu cá Trung Quốc trên biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
TPO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 22/7 nói rằng biển Tây Philippines thuộc về Philippines, nhưng ông chấp nhận thoả thuận với Trung Quốc để tàu cá Trung Quốc vào vùng biển này đánh bắt vì cho rằng việc đó không vi phạm hiến pháp.

Trong bài phát biểu về các chính sách quốc gia, ông Duterte nói rằng thoả thuận đó sẽ bảo đảm không có chiến tranh nổ ra trên biển Đông tranh chấp, nới Manila và Bắc Kinh đang có những đòi hỏi chủ quyền mâu thuẫn nhau.

“Chúng ta sở hữu biển Tây Philippines nhưng Trung Quốc kiểm soát nó. Đó là thực tế”, ông Duterte nói, ngụ ý là Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng vũ khí. “Đã có những tên lửa dẫn đường trên các đảo, và chúng có thể bắn trúng Philippines trong 7 phút”, ông nói. 

“Nếu các bạn muốn hải quân xua ngư dân Philippines, không ai trong số họ sẽ trở về mà còn sống”, ông Duterte nói.

Vị tổng thống này dành 9 phút trong bài phát biểu để nói về tranh chấp trên biển, tiết lộ rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “làm ơn hãy” để các ngư dân Philippines khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đổi lại, ông Duterte sẽ để ngư dân Trung Quốc hoạt động trong khu vực này, nơi tháng trước xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines rồi bỏ mặc 22 ngư dân nước này trên biển.

“Ông Tập nói: ‘tôi sẽ đánh bắt’. Ai có thể ngăn được ông ấy. Tôi nói: ‘chúng tôi sẽ đánh bắt vì chúng tôi có tuyên bố chủ quyền’. Tôi nói: ‘làm ơn cho phép’. Vì trước đó Trung Quốc đã xua các ngư dân của chúng ta”, ông Duterte nói.

Biển Tây Philippines là vùng biển thuộc biển Đông và nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines. Philippines dùng tên gọi này như một cách khẳng định đòi hỏi chủ quyền của họ.

Cũng trong bài phát biểu kéo dài hơn 2 tiếng về nhiều vấn đề, ông Duterte tiết lộ rằng trong cuộc gặp song phương đầu tiên vào tháng 10/2016, ông nói với ông Tập rằng Philippines sẽ tiến hành các hoạt động khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

“Tôi muốn ra lãnh thổ của tôi để khoan dầu...vì đó là của chúng tôi. Ông Tập đáp: ‘Ồ, ông biết là có tranh chấp ở đó...ông biết là cãi cọ ở đó có thể dẫn đến thứ khác’”, ông Duterte kể. “Vì thế chúng tôi trở thành bạn bè”, ông nói.

Sau bài phát biểu của ông Duterte, Phó Chánh án Toà tối cao Philippines Antonio Carpio gạt bỏ lập luận của tổng thống rằng Trung Quốc kiểm soát biển Tây Philippines. 

“Các cường quốc hải quân nước ngoài, như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Úc, Nhật Bản và Canada, liên tục đưa tàu và tập trận hàng hải trên biển Đông, bao gồm cả biển Tây Philippines, cho thấy Trung Quốc không kiểm soát nó, đài ABS-CBN dẫn lời ông Carpio.

Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte có quan điểm mềm mỏng với Trung Quốc hơn hẳn chính quyền tiền nhiệm. Ngoài chuyện để các tàu cá Trung Quốc vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, những người chỉ trích ông Duterte còn bất bình vì ông không sử dụng phán quyết rất có lợi cho Philippines mà Toà trọng tài thường trực quốc tế đưa ra năm 2016 và chuyện ông hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc các ngư dân có nguy cơ chết đuối trên biển. Ông Duterte gọi đó “chỉ là một vụ va chạm”. 

Trong lúc ông Duterte đọc bài phát biểu giữa nhiệm kỳ này, khoảng 5.000 người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Hạ viện để đòi phế truất ông. Còn một nhóm nhỏ hơn ủng hộ ông Duterte tập trung ở chỗ riêng.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG