'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại cuộc tọa đàm "Vượt qua tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi” do báo Tiền Phong tổ chức hôm nay (5/7), ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia toát lên hai từ khoá là “thể chế” và “con người”.
Tọa đàm 5.7.2024

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

05/07/2024 08:41

Loạt bài 11 kỳ với chủ đề: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

05/07/2024 08:54

Tham dự cuộc tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các chuyên gia:

- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

- Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trường Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT.

- Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Tiến sĩ Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

- Ông Nguyễn Văn Đáng, Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế.

05/07/2024 09:10

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 12

Cuộc tọa đàm diễn ra tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

05/07/2024 09:32

Lắng nghe các ý kiến đa chiều

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 13

Nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, là vấn đề được đề cập nhiều trong nhiều năm qua.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, quy định để vừa khuyến khích cán bộ, công chức phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đồng thời xử lý những trường hợp sợ sai, đùn đẩy, né tránh, không dám quyết, dám làm những việc thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên đến nay, tình trạng cán bộ sợ sai vẫn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua.

“Câu hỏi đặt ra: Vì sao cán bộ sợ sai và vì sao trong cùng một khuôn khổ thể chế, quy định pháp luật, có nơi thực hiện rất tốt và hiệu quả, nhưng có nơi triển khai chậm trễ? Và vì sao cùng một vướng mắc đó, nhưng có nơi tháo gỡ rất nhanh, có nơi lại hết sức chậm trễ, thậm chí đùn đẩy, né tránh trong giải quyết, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?

Đơn cử, trong lĩnh vực đầu tư công, có địa phương giải ngân rất tốt, thậm chí xin được cấp thêm vốn, có nơi lại triển khai chậm chạp, dù vướng mắc là không nhiều. Vậy vấn đề ở đây là do pháp luật, do cách thức thực hiện hay do sự thiếu nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ thực hiện dự án đó?”, nhà báo Phùng Công Sưởng nêu.

Theo Tổng Biên tập báo Tiền Phong, gần đây chúng ta thấy, với tinh thần, “vượt nắng, thắng mưa”; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, dự án 500Kv mạch 3 được triển khai một cách thần tốc, chỉ trong vòng 7 tháng đã giải quyết một khối lượng công việc lớn mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu như trước đây phải mất 3-4 năm mới làm được.

Hay như thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong giai đoạn đầu tưởng chừng như không thể hoàn thành do gặp nhiều khó khăn, trở ngại, từ tác động của đại dịch COVID-19, đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vật liệu san lấp… Tuy nhiên đến nay với sự quyết tâm cao độ, sự đồng lòng vào cuộc từ Trung ương cho đến địa phương, mục tiêu trên đang đi đúng tiến độ, khả năng hoàn thành rất cao.

Từ những thực tiễn sinh động trên, báo Tiền Phong đã thực hiện loạt bài “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, gồm 11 kỳ, ghi nhận các cách thức mà các cơ quan, đơn vị đã dám nghĩ, dám làm, dám ra quyết định để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 14

Nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập báo Tiền Phong.

“Sau loạt bài trên, báo tổ chức cuộc tọa đàm, nhằm làm rõ thêm những góc nhìn, những vấn đề đặt ra xung quanh câu chuyện “Vượt qua tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Thông qua cuộc tọa đàm, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến đa chiều từ các nhà quản lý, chuyên gia để có cái nhìn toàn diện hơn. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách với Đảng, Nhà nước để không chỉ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo vệ đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo mà còn thắp lên ngọn lửa khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nhằm tăng tốc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Cuộc tọa đàm cũng là góp ý, đề xuất để Đảng, Nhà nước để lựa chọn cán bộ nhiệm kỳ tới “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự có khát vọng phát triển, tinh thần dấn thân vì lợi ích của đất nước”, nhà báo Phùng Công Sưởng nêu.

05/07/2024 09:37

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 15

Tham dự cuộc tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các chuyên gia. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 16

Toàn cảnh cuộc tọa đàm.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 17

05/07/2024 09:40

Chia sẻ các vấn đề cốt lõi về chủ đề “chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Gợi mở tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh, nếu mổ xẻ vấn đề “chỉ bàn làm, không bàn lùi” có lẽ cần thời gian rất dài, vì có nhiều góc cạnh đề cập. Báo Tiền Phong đặt vấn đề trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, cả bộ máy, cả hệ thống đã có sự chuyển động, lan tỏa, tạo động lực phát triển. Khi những chuyển động đó cùng chiều, hướng về một hướng thì tạo thành sức mạnh cộng hưởng.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 18

Nhà báo Lê Minh Toản – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong

“Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm với mong muốn có thêm lát cắt góp thêm cho tuyến bài của báo về chủ đề: “Vượt qua nỗi sợ sai; chỉ bàn làm không bàn lùi”, nhà báo Lê Minh Toản nói, đồng thời cho biết, báo cũng đã có 20 bài viết về công tác triển khai, thi công đường dây 500kv mạch 3, ghi lại những nhịp sống, tinh thần, nhiệt huyết của cả hệ thống trong dự án này.

“Trong thời lượng của cuộc tọa đàm, chúng tôi mong muốn quý vị khách mời chia sẻ những vấn đề cốt lõi về chủ đề này”, nhà báo Lê Minh Toản nhấn mạnh.

05/07/2024 09:45

05/07/2024 10:06

Tự thay đổi để vượt qua khó khăn

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam chia sẻ: Đường sắt Việt Nam đã có 143 năm hình thành và phát triển. Giai đoạn đầu, tất cả mọi người dân, cơ quan, tổ chức đều sử dụng đường sắt như phương thức di chuyển duy nhất, dẫn đến hình thành tư duy có gì dùng vậy, không cải tiến.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 19

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Hiện tại, đường sắt có trên 3.000 km, đi qua 34 tỉnh thành phố. Toàn bộ nhân sự đường sắt ước tính khoảng 22.000 người, trong đó có trên 8.000 đảng viên, với rất nhiều tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ tổ chức chạy tàu để đảm bảo thông suốt.

Trong những năm bị ảnh hưởng COVID-19, các ngành vận tải nói chung, bao gồm cả đường sắt, bị ảnh hưởng nặng nề, phải dừng chạy tàu. Chưa bao giờ ngành đường sắt trải qua khó khăn như thời điểm diễn ra dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, ngành đường sắt thấy rằng, nếu không thay đổi, khắc phục thì tình hình không thể cải thiện. Ngành đường sắt cũng nhận thức được đang nắm giữ nguồn lực lớn từ cơ sở vật chất mà nhà nước giao cho có nhiều dữ liệu để khai thác, phát triển.

Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, vượt qua tâm lý trước đây ngại đổi mới, chúng tôi đã bàn với nhau, phải đưa ra tiêu chí, mục tiêu phải tháo gỡ, thay đổi suy nghĩ từ lãnh đạo đến người lao động. Chúng tôi phải tự khắc phục và phải bằng cách nào thay đổi tình hình.

Bên cạnh đó, lãnh đạo phải truyền đạt xuống cho người lao động. Khi người lao động hiểu được thì mới đồng lòng với lãnh đạo. Vậy nên, nhiều lúc chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, xuống tận nơi chỉ việc, chung tay với anh em để làm đúng, để cùng chuyển động, cùng thay đổi.

05/07/2024 10:16

“Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, vượt qua tâm lý trước đây ngại đổi mới, chúng tôi đã bàn với nhau, phải đưa ra tiêu chí, mục tiêu phải tháo gỡ, thay đổi suy nghĩ từ lãnh đạo đến người lao động. Chúng tôi phải tự khắc phục và phải bằng cách nào thay đổi tình hình”, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

05/07/2024 10:17

Dự án đường dây 500kV được thực hiện một cách “thần tốc”

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, cách đây đúng 30 năm vào năm 1994, chúng ta đóng đường dây 500kV mạch 1. Đường dây mạch 3, đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối, Hưng Yên là mảnh ghép cuối cùng của đường trục 500kV nước ta.

Khi chưa có đường dây mạch 3, chúng ta đã đứng đầu ASEAN về đường dây truyền tải. Chưa có quốc gia nào có đường dây 500kV trải dài dọc chiều dài đất nước.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 20

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Theo ông Lâm, 6 tháng vừa qua, công trình này như một đại công trường, chưa bao giờ có việc các nhà thầu, các địa phương huy động cán bộ công nhân viên kỷ lục như vậy. Cao điểm có đến 15.000 người tham gia vào dự án này.

Khác với các đường trục khác thi công hình thức cuốn chiếu, đường trục này thi công đồng loạt do chỉ đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu rất cấp thiết để đóng mạch 3, đưa năng lượng chúng ta có trong miền Nam ra hỗ trợ miền Bắc.

Trong khi đó, lực lượng nhà thầu chỉ có 7.000 - 8.000 người, năng lực xây lắp của các nhà thầu Việt Nam cũng chỉ có hạn, không thể hơn. Chính vì vậy sự tham gia của người dân các địa phương, các đơn vị EVN rất nhiều.

Riêng Tập đoàn điện lực Việt Nam đã huy động hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên của 5 Tổng Công ty điện lực, toàn bộ các công ty truyền tải để tham gia. Đây là việc chưa từng có trong tiền lệ để đảm bảo tiến độ Thủ tướng giao.

Về tiến độ, dự án trạm biến áp Quảng Trạch hoàn thành trước tiến độ 22 ngày; dự án mở rộng Trạm biến áp 500kV Phố Nối hoàn thành trước 12 ngày; dự án Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa trước 2 ngày...

“Các phần còn lại chúng tôi triển khai rất tích cực”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, bản chất dự án 500kV này không có cơ chế đặc thù. Toàn bộ công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, thi công đều theo các quy chế hiện hành. Với dự án như vậy, bình thường phải thực hiện chuẩn bị đầu tư khoảng 2-3 năm, nhưng vừa qua toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư chỉ 5 tháng sau khi Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án này.

Công tác thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công, kiểm đếm giải phóng mặt bằng được nhiều địa phương hỗ trợ tích cực. Như Thanh Hóa đã dùng quỹ đất của dự án khác để tái định cư cho dự án này. Nếu thực hiện thủ tục như bình thường thì sẽ rất khó khăn.

"Dự án liên quan đến 5.400 hộ dân, hơn 300 doanh nghiệp nhưng thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Đây là kỳ tích thực hiện trong thời gian qua, kỳ tích của ngành xây dựng", ông Lâm nhận định.

05/07/2024 10:25

“6 tháng vừa qua, công trình đường dây 500kV như một đại công trường, chưa bao giờ có việc các nhà thầu, các địa phương huy động cán bộ công nhân viên kỷ lục như vậy. Cao điểm có đến 15.000 người tham gia vào dự án này”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

05/07/2024 10:32

“Người đứng đầu trì trệ thì cả bộ máy phía dưới cũng trì trệ theo”

Nhà báo Lê Minh Toản đặt vấn đề về vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đề nghị Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng trao đổi thêm về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng cho rằng, vấn đề cán bộ e ngại, không dám làm đã được quan tâm trong mấy năm gần đây, có điều hài hước là có cán bộ nói rằng: Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa; hay có trường hợp cán bộ “3 không”: không nói, không tham mưu đề xuất, không làm.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 21

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng

Theo ông Nguyễn Văn Đáng, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng tình trạng này vẫn còn nhiều tồn tại. Bản chất của vấn đề là “cỗ máy hành chính” của chúng ta chưa duy lý và hiện đại như ở một số nước.

“Ở một số nước phát triển, cỗ máy hành chính duy lý, không có cảm xúc, không phụ thuộc vào cảm xúc con người”, ông Đáng nói.

Vì “cỗ máy hành chính” ở Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào cảm xúc con người, nên xuất hiện tâm lý sợ sai, e ngại. Thể chế của chúng ta vẫn còn những chồng chéo, trùng lặp, mù mờ, nên cán bộ e ngại, mất thời gian đi hỏi. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ chưa cao, dẫn đến cán bộ ít dấn thân, xả thân.

Một vấn đề nữa, theo ông Nguyễn Văn Đáng, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, văn hoá người Việt để ý đến ý kiến của thủ trưởng.

“Ở nước ngoài, cứ quy trình, quy định họ làm. Nhưng ở Việt Nam thì có hiện tượng làm theo ý kiến của thủ trưởng”, ông Đáng nêu.

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Đáng cho rằng, nếu người đứng đầu không quyết đoán, trì trệ thì cả bộ máy phía dưới cũng trì trệ theo. Nếu người đứng đầu quán xuyến tốt, sốt sắng với công việc chung thì sẽ tạo sự chuyển động; ngược lại, nếu e ngại ảnh hưởng đến uy tín công việc, tương lai thăng tiến thì thận trọng, ảnh hưởng đến công việc chung.

“Để tạo sự chuyển động, hướng đến đột phá, với cấu trúc thể chế hành chính như hiện nay, người đứng đầu rất quan trọng, yếu tố con người quan trọng hơn yếu tố thể chế. Một cơ quan, đơn vị đột phá hay không phụ thuộc đến 70 – 80% vào người đứng đầu”, ông Đáng nói, đồng thời nhấn mạnh, khi đã có chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, Nhà nước, Chính phủ về việc “dám nghĩ, dám làm”, nếu bộ ngành, địa phương nào không chuyển động thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

05/07/2024 10:33

“Để tạo sự chuyển động, hướng đến đột phá, với cấu trúc thể chế hành chính như hiện nay, người đứng đầu rất quan trọng, yếu tố con người quan trọng hơn yếu tố thể chế. Một cơ quan, đơn vị đột phá hay không phụ thuộc đến 70 – 80% vào người đứng đầu”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.

05/07/2024 10:39

“Nếu pháp lý an toàn, họ sẵn sàng làm”

Nhà báo Lê Minh Toản đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng về vấn đề cốt lõi, tâm lý sợ sai bắt nguồn từ đâu và làm thế nào vượt qua?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, sự phát triển thịnh vượng của một đất nước phụ thuộc rất lớn vào bộ máy hành chính. Ngược lại, bộ máy này không làm gì thì “không có cửa” vươn lên. Đất nước nào hùng cường buộc phải có bộ máy hành chính công hùng cường.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 22

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

Tại sao các nước Đông Bắc Á lại phát triển mạnh như vậy? Đầu tiên là họ có bộ máy hành chính công vụ chuyên nghiệp. Nếu bộ máy ỳ ra không làm, người ta vướng mắc gửi văn bản hỏi một bộ nào đó mà cần 3 năm mới trả lời, như thế sẽ ách tắc luôn.

Tại sao bộ máy, cán bộ lại sợ? “Thực chất ở đây là câu chuyện về an toàn pháp lý thấp. Nếu pháp lý an toàn, họ sẵn sàng làm. Nếu không, họ sẽ sợ vì nếu làm sẽ mất rất nhiều thứ, không chỉ tù tội mà danh dự của bản thân, gia đình dòng họ cũng mất trắng luôn”. Do vậy, phải thiết kế cho được một mô hình bảo đảm an toàn pháp lý”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Muốn vậy, trước tiên phải tránh sự chồng chéo, xung đột pháp lý. Do vậy, phải đổi mới quy trình lập pháp, áp dụng kỹ thuật soạn thảo văn bản tốt hơn.

Thứ nữa, tính khái quát của luật phải khác, phải mang tính bao quát hơn, còn nếu chi tiết quá cũng không ổn, vì nó có thể đúng với 1 trường hợp cụ thể, còn trong trường hợp khác lại không đúng.

Nếu có vướng mắc, họ gửi công văn hỏi, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trả lời sớm. Hỏi về đấu thầu, cục đấu thầu phải trả lời. Hỏi về lĩnh vực điện, Cục điện lực phải trả lời… Thời gian trả lời phải rất ngắn và kết quả trả lời đó phải được xem là tối cao, họ bảo đúng là đúng, bảo sai mà anh cãi thì xin mời ra tòa.

“Còn nếu hỏi lại cứ bảo theo “làm pháp luật” thế thì làm kiểu gì, phải giải thích cho họ chứ. Đảm bảo an toàn pháp lý cho cán bộ, công chức sẽ giúp họ dám nghĩ dám làm.

Kiểu gì thì kiểu cũng phải có không gian thể chế, cán bộ công chức mới thực sự dám nghĩ, dám làm”, Tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.

05/07/2024 10:43

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 23

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

05/07/2024 10:43

“Đảm bảo an toàn pháp lý cho cán bộ, công chức sẽ giúp họ dám nghĩ dám làm. Kiểu gì thì kiểu cũng phải có không gian thể chế, cán bộ công chức mới thực sự dám nghĩ, dám làm”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

05/07/2024 11:01

Chọn cán bộ phải tìm những người làm được việc

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: "Tâm lý sợ sai ai cũng đều có, khi làm việc thì không ai muốn làm sai, trừ những người có lợi ích cá nhân thì biết sai vẫn làm. Khi triển khai công việc theo chức trách, nhiệm vụ, ai cũng cẩn thận để tránh sai sót. Đây là chuyện rất bình thường.

Tuy nhiên, nếu tâm lý sợ sai thái quá, lấn át các tố chất khác thì sẽ dẫn đến tình trạng mất tự tin, không dám quyết đoán, không làm việc, không triển khai thực hiện công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Thời gian qua cũng có một số người có suy nghĩ thà không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật còn hơn nếu sai thì phải đứng trước vành móng ngựa. Vì vậy, cần phải biết vượt qua tâm lý sợ sai để làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao".

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 24

Ông Trần Anh Tuấn

“Tôi nghĩ vấn đề là phải hiểu rõ và hiểu đúng tâm lý sợ sai. Sợ sai là chuyện bình thường, nhưng sợ sai thái quá mới cần phải bàn đến và để vượt qua, mới dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Theo tôi, để vượt qua tâm lý sợ sai cần chú ý 2 yếu tố quan trọng là con người và thể chế pháp luật.

Về con người- là yếu tố quan trọng nhất- yếu tố này liên quan đến từng cá nhân, từng công chức, nhân viên, người lao động. Nhưng trực tiếp và trước hết là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Vì “cán bộ nào thì phong trào ấy”, tôi muốn nói đến vai trò của người đứng đầu- đầu tàu khỏe thì cả đoàn tàu đều tiến nhanh về phía trước.

Sự nêu gương, quyết liệt, tiên phong và máu lửa, sự tự tin, lòng quyết tâm, nói đi đôi với làm của người đứng đầu sẽ truyền cảm hứng, lòng tự tin, tạo động lực làm việc đến mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị.

Thông điệp của Thủ tướng “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vượt qua tâm lý sợ sai, với nội hàm tư tưởng rất lớn và rộng khắp trong mọi lĩnh vực. Không chỉ đúng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và giao thông, các công trình trọng điểm… mà cả trong hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô của Chính phủ.

Vừa rồi, để nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện đối với một chính sách rất quan trọng là tiền lương, Chính phủ đã đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho phép chưa tiến hành cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, mà thay vào đó là nâng tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Rất đơn giản mà lại hiệu quả trong cải thiện tiền lương, tạo động lực đối với CBCCVC và người lao động. Tôi cho rằng, đây cũng chính là biểu hiện dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ bàn làm, không bàn lùi, vì lợi ích chung, thể hiện trí tuệ và tầm nhìn của Chính phủ.

Yếu tố con người quan trọng như vậy, cho nên trong tuyển chọn, bổ nhiệm phải nghiên cứu để tìm những người có phẩm chất, có tố chất và phải có năng lực làm được việc.

Thể chế cũng rất quan trọng, nhất là trong điều kiện đang xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhưng cần nâng cao chất lượng thể chế. Mỗi đạo luật, văn bản pháp luật phải có tính ổn định, ít sửa đổi trong thời gian ngắn. Như thế cũng là cơ sở để vượt qua tâm lý sợ sai, chỉ chuyên tâm làm việc và cống hiến” .

05/07/2024 11:08

"Chúng ta cần nâng cao chất lượng thể chế. Mỗi đạo luật, mỗi văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng thì phải từ 10 năm trở lên được thực hiện mới có thể tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu giai đoạn mới. Hiện chúng ta vẫn còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật chỉ mới được ban hành và thực hiện 1-2 năm đã đề nghị sửa đổi vì có nội dung không phù hợp với cuộc sống. Như vậy chất lượng của hệ thống thể chế chưa cao và có vấn đề về chất lượng. Các văn bản pháp luật bảo đảm chất lượng, có tính ổn định lâu dài thì người quản lý mới có thể tự tin, quyết đoán, vượt qua tâm lý sợ sai để làm việc và cống hiến", ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

05/07/2024 11:15

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 25

Tại cuộc tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia đã đưa ra các ý kiến đa chiều, những mô hình, cách nghĩ, cách làm, cách “vượt qua tâm lý sợ sai, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong thực tiễn.

05/07/2024 11:17

“Truyền lửa” để hiện thực mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ: Hệ thống đường cao tốc, chúng ta mới bắt đầu làm từ đầu những năm 2000. 10 năm sau đến năm 2010 chỉ có 89 km. Nhưng 10 năm sau đó, đến năm 2020 đã đưa vào khai thác trên 1.100 km cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 3.000 km và đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc vận hành. Nếu không có cách làm đổi mới sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 26

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải

Trong giai đoạn 1 của cao tốc Bắc Nam phía Đông, cũng giống như ngành điện, giao thông không có cơ chế đặc thù, thực tế gặp nhiều khó khăn thách thức.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn, rồi xung đột địa chính trị làm giá vật liệu tăng đột biến, nhà thầu thi công thua lỗ, chùn bước vì càng làm càng lỗ.

Nhưng với sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của Bộ trưởng Giao thông vận tải đã “truyền lửa” cho các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, nhà thầu.

Ngành xác định luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, không tính toán đến chuyện vất vả, thua lỗ. Tinh thần đó đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho các đơn vị bên dưới. Trước bao nhiêu khó khăn thách thức, toàn ngành giao thông đã phát huy tinh thần làm việc trách nhiệm, đặc biệt chủ đầu tư, đơn vị thi công, dồn lực hỗ trợ nhau, đoàn kết cao độ, hoàn thành dự án.

Kết quả, đến giờ đã khai thác khoảng 2.000 km cao tốc sau mấy năm của nhiệm kỳ này. Để hoàn thành mục tiêu, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong triển khai thực hiện về giải phóng mặt bằng, giao mỏ vật liệu cho đơn vị thi công…

Nghị quyết được ban hành giao trách nhiệm cụ thể và mốc thời gian phải hoàn thành trong mỗi dự án. Chính phủ hằng tháng cũng đều họp, lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ từng khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đến đầu năm 2023, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc được khởi công đồng loạt, giải phóng mặt bằng đã được trên 70%. Đây là một kỷ lục triển khai chỉ sau 1 năm, trong khi nếu triển khai trong điều kiện thông thường phải mất 2 – 3 năm. Một số vướng mắc về nguyên vật liệu ở một số tỉnh của ĐBSCL cũng đang được tháo gỡ.

Kết quả này đạt được có sự “truyền lửa” của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Kết quả ngành làm được chính là thể hiện tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Khó khăn ở đâu, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xuống từng bộ, địa phương tháo gỡ kịp thời, nên đã đạt được kết quả như hôm nay. Tiếp tục tinh thần đó, chúng tôi vẫn đang quyết tâm thực hiện, phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành thêm 1.000 km, để đến năm 2025 đưa 3.000 km đưa vào khai thác sử dụng.

05/07/2024 11:44

Vượt qua tâm lý sợ sai: Con người hay thể chế?

Nhà báo Lê Minh Toản đặt vấn đề: Để “Vượt qua tâm lý sợ sai; chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cần vấn đề gì: về dũng khí, tài năng, phẩm chất hay yếu tố nào khác?

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 27

Nhà báo Lê Minh Toản

Trả lời, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, nếu cán bộ không có dũng khí thì không làm được, nhưng điều cần nhất là thể chế.

Theo ông Dũng, hiện nay đang nêu vấn đề về người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cần phân định rõ chịu trách nhiệm về chính trị, chịu trách nhiệm về pháp lý hay trách nhiệm khác.

“Thể chế phải mạch lạc, nếu quy định chịu trách nhiệm người đứng đầu chung chung thì rất khó, bởi họ không thể chịu trách nhiệm hết được”, ông Dũng nói.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 28

Ông Nguyễn Sỹ Dũng

Nêu nhiều ví dụ cụ thể về vấn đề “trách nhiệm chính trị”, “trách nhiệm hành chính”, ông Dũng cho rằng, vấn đề là ở thể chế. Nếu không xử lý được, dù “cán bộ muốn nhanh cũng vô vọng”.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất trong vượt qua tâm lý sợ sai, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” là con người. Thể chế cũng là con người xây dựng.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 29

Ông Trần Anh Tuấn

“Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là con người, chứ không phải thể chế. Vì chỉ con người mới cần phải vượt qua tâm lý sợ sai, thực hiện thông điệp “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Trong mỗi con người khi làm việc luôn cần có sự tự tin, có bản lĩnh, tính quyết đoán để dám làm, dám chịu trách nhiệm và giải quyết các xung đột, các mâu thuẫn, các thách thức để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Khi vướng mắc đến vấn đề pháp luật, thể chế, ví dụ trong tổ chức thực hiện thi công các công trình trọng điểm, nếu có Thủ tướng trực tiếp đến chỉ đạo, đưa ra được các quyết định kịp thời, công việc sẽ thuận lợi, hanh thông và dễ dàng hơn.

Vì vậy, yếu tố con người là rất quan trọng trong việc vượt qua sự thái quá của tâm lý sợ sai, họ phải có các phẩm chất như lòng tự tin, tính quyết đoán, chịu khó, hành động quyết liệt và nhất là phải có trình độ, năng lực”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng cho rằng, hai yếu tố rất cần thiết là câu chuyện thể chế và yếu tố con người. Trong khi thể chế cần nhiều thời gian, thì yếu tố con người ở đây là con người như thế nào?

Yếu tố con người, cao nhất là lãnh đạo - phải có khát khao phụng sự đất nước, phụng sự cộng đồng. Chúng ta không thiếu những tấm gương như vậy. Điển hình như ông Kim Ngọc, biết có thể sẽ gặp rủi ro, phải trả giá, nhưng ông vẫn làm, vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển, vì nhân dân.

Nhóm yếu tố con người thứ hai là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Họ cần ý thức về lợi ích công, phải phục vụ và bảo vệ lợi ích công, còn nếu lợi ích tư sẽ sợ. Nếu vì lợi ích công họ sẽ tìm ra cách làm và đó cũng là “bệ đỡ” vững chắc nhất cho cán bộ công chức.

Nêu ý kiến, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, con người là quan trọng nhưng chưa đủ và không phải then chốt. Then chốt nhất là vấn đề thể chế. Văn bản pháp luật phải quy định thế nào là sai, thế nào là đúng.

Ông Ánh mong muốn tới đây cần một cơ chế rõ ràng để xác định đúng sai "để còn biết mà làm...".

“Giờ cán bộ chia sẻ ngồi im bởi "im lặng là vàng". Đúng, sai không chỉ từ câu chuyện bộ máy nhà nước mà cả bộ máy nhà nước với doanh nghiệp, bởi đây là khu vực rủi ro rất cao”, ông Ánh nói.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 30

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Ông Hoàng Gia Khánh – Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho rằng, ở góc độ là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước, đại diện trước pháp luật cho đơn vị, ông thấy rằng, có 2 điều kiện liên quan đến việc “vượt qua tâm lý sợ sai; chỉ bàn làm, không bàn lùi” là thể chế chính sách và con người.

Theo ông Khánh, thể chế chính sách đúng nhưng con người không muốn làm thì cũng không làm được. Thể chế chính sách sai, mà con người có ý thức xử lý công việc, thì vẫn có trách nhiệm báo cáo đề xuất hướng xử lý để giải quyết công việc, vì mục đích chung.

“Nếu chính sách chưa phù hợp thì cần đề xuất tháo gỡ. Vai trò của doanh nghiệp đường sắt đang làm cũng có rất nhiều cái vướng; việc giải thích quy định của pháp luật cũng khác nhau”, ông Khánh nêu.

Ông Khánh cho rằng, do tâm lý sợ sai, nên nhiều quy định ở góc độ 50 – 50, nhưng người ta sợ sai, nên chỉ định hướng thực hiện theo quy định của pháp luật. Bản thân công ty cũng phải đề xuất giải quyết các vấn đề này, nếu không sẽ bị trì trệ.

“Ở đây quan trọng là vai trò người đứng đầu, nếu người đứng đầu không dám làm thì tất cả sẽ đi ra chỗ khác hết. Nếu cán bộ tham mưu nói khác nhau mà người đứng đầu kết luận căn cứ theo quy định pháp luật để triển khai thì "chết" rồi”, ông Khánh nói, đồng thời cho rằng, việc đề xuất giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.

“Người không hiểu, không làm trực tiếp thì không dám quyết. Vấn đề chọn con người là rất quan trọng”, ông Khánh nêu thêm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong bối cảnh, cơ chế hiện tại để đạt được mục tiêu vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích quốc gia, yếu tố con người vẫn là then chốt.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 31

Ông Nguyễn Thế Minh

Có những quy định pháp luật đúng nhưng con người sợ sai thì không dám làm. Có những quy định pháp luật vẫn còn là ranh giới, nhưng con người bảo cái này khó lắm, không làm được thì cũng không dám làm.

Để vượt qua những thách thức hiện nay, cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, do đó yếu tố con người phải quyết định.

"Chúng tôi thực hiện dự án phải vượt qua "rừng" thủ tục, nào là đánh giá tác động ĐTM, khung chính sách GPMB, đất rừng, đất lúa nếu theo quy định thủ tục hành chính thông thường, thì sẽ không có được kết quả như hôm nay. Ví dụ trả kết quả qua thủ tục một cửa, nộp 26/6 nhưng trang điện tử báo 5/10 trả ra kết quả điện tử. Thay vì gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành, chúng tôi tổ chức họp online lấy ý kiến sẽ giải quyết công việc nhanh hơn. "Do đó cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện", ông Minh nói.

05/07/2024 12:05

Phát biểu kết luận tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, các ý kiến tại cuộc tọa đàm đã được truyền tải đến bạn đọc của báo Tiền Phong một cách đầy đủ nhất.

“Thông qua các ý kiến tại tọa đàm "Vượt qua tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi", toát lên hai từ khoá “thể chế” và “con người”", nhà báo Lê Minh Toản nhấn mạnh, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các vị khách mời, mong muốn các vị khách mời tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến cho báo Tiền Phong trong thời gian tới.

'Vượt qua tâm lý sợ sai': Con người hay thể chế quyết định? ảnh 32

Qua cuộc tọa đàm, báo Tiền Phong cung cấp đến bạn đọc các ý kiến đa chiều từ các nhà quản lý, chuyên gia về những mô hình, cách nghĩ, cách làm, cách “vượt qua tâm lý sợ sai, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong thực tiễn. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách với Đảng, Nhà nước để không chỉ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo vệ đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo mà còn thắp lên ngọn lửa khát vọng, tinh thần làm việc hăng say nhằm tăng tốc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tham dự cuộc tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các chuyên gia.

Tọa đàm diễn ra vào 9h ngày 5/7 tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

MỚI - NÓNG