'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - bài cuối: Cái gốc là công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong xoay quanh câu chuyện dám nghĩ, dám làm, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cái gốc là do cán bộ, do người đứng đầu. “Nếu cán bộ có tinh thần xả thân vì công việc, xả thân vì trách nhiệm chung, thổi được lửa, thổi được lòng nhiệt huyết, cũng như tinh thần dẫn dắt và nguồn cảm hứng thì công việc sẽ trôi chảy. Ngược lại, cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm thì công việc không thể trôi được”, ông Vân nói.

Xả thân, truyền cảm hứng

- Thời gian qua, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã được thực hiện và hoàn thành một cách thần tốc. Theo ông, điều gì đã tạo nên tinh thần quyết liệt đó, khi mà tâm lý sợ sai vẫn là vấn đề được nhiều người nhắc đến?

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - bài cuối: Cái gốc là công tác cán bộ ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và động viên lực lượng thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: Nhật Bắc.

Có thể nói, tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của hệ thống hành chính nhà nước thời gian qua được thể hiện khá rõ qua những khẩu hiệu: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; “vượt nắng, thắng mưa”; “làm ngày, làm đêm”. Dù rất mộc mạc, dân dã nhưng tôi cho rằng, những khẩu hiệu đó đã khơi dậy được tinh thần xả thân vì công việc, truyền cảm hứng, truyền lửa và “cuốn” các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị vào hành động vì sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như của chính cơ quan, đơn vị mình.

Từ thực tiễn đấy cho thấy, công việc trôi chảy, hay trì trệ đều do cán bộ mà ra. Ở đâu, người đứng đầu thổi được ngọn lửa nhiệt huyết cho thuộc cấp, cho các đơn vị thuộc quyền của mình thì công việc trôi chảy. Ngược lại, cán bộ trì trệ thì cơ quan, đơn vị đó cũng trì trệ theo.

Nhìn vào việc triển khai các dự án lớn những năm gần đây chúng ta thấy, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành, địa phương đã phát huy được tinh thần hành động quyết liệt. Có lẽ, chưa bao giờ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với cơ sở hạ tầng giao thông lại được đẩy nhanh như hiện nay, nhất là các công trình trọng điểm như đường bộ cao tốc, cảng hàng không. Khi thực hiện những dự án này, Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao về tiến độ để theo đuổi đến cùng, bằng tất cả những nỗ lực cao nhất; làm ngày, làm đêm để đến đích đúng hạn.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - bài cuối: Cái gốc là công tác cán bộ ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Như Ý.

Hay như việc triển khai Dự án xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), đây có lẽ là một kỳ tích mới trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ở nước ta. Chưa đầy 6 tháng kể từ khi dự án khởi công, một khối lượng công việc khổng lồ, chưa từng có được thực hiện. Nói thẳng, tôi là một trong những đại biểu Quốc hội nhiều lần lên tiếng về trì trệ của ngành điện. Nhưng năm nay, tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, của ngành điện, với tinh thần xả thân vì lợi ích của đất nước.

Nếu như ngày xưa “tất cả cho tiền tuyến”, thì bây giờ lãnh đạo Chính phủ đã thổi lửa, xốc tới tinh thần làm việc hăng say - tất cả cho công trường dự án mạch 3. Tôi từng hỏi một lãnh đạo tập đoàn về việc tham gia vào dự án mạch 3 thì chế độ thế nào. Các anh ấy nói: Khi đưa quân sang cũng chưa biết lương bổng như thế nào, nhưng vì lợi ích quốc gia, Chính phủ huy động là đi, làm. Tôi nghĩ, đây chính là tinh thần làm việc mà chúng ta cần có lúc này.

Tự cứu mình trước

- Có người nói rằng, khi gặp khó khăn, vướng mắc, nếu bàn lùi thì chỉ có lợi cho cán bộ, còn bất lợi thuộc về cơ quan, đơn vị và xã hội. Ngược lại, gặp khó khăn, nếu đau đáu nghĩ cách làm thì sẽ tìm ra giải pháp, từ đó thúc đẩy sự phát triển. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Đây là những bài học rút ra từ chính trong quá khứ, khi chúng ta làm nên lịch sử bởi những chiến thắng vang dội của thế kỉ 20. Tinh thần ấy hơn lúc nào hết cần được phát huy. Cho nên, khi chúng ta nói đến động lực thì phải tính đến cả trí tuệ, tâm huyết và quyết tâm cao độ, huy động sức mạnh tổng lực để thực hiện nhiệm vụ. Ví như, Dự án xây dựng đường dây 500kV mạch 3, khi triển khai chắc chắn có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng nếu quyết tâm, nỗ lực cao nhất, huy động được sức mạnh tổng lực thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

- Nhiều cán bộ, khi đơn vị mình gặp khó khăn đã tự đổi mới tư duy, xác định phương châm “phải tự mình cứu mình trước khi được người khác cứu”, nhờ thế mà đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này cho thấy vai trò của người đứng đầu và sự tự đổi mới là hết sức quan trọng, thưa ông?

Đúng vậy. Khi anh xác định phương châm “phải tự mình cứu mình trước khi được người khác cứu”, có nghĩa là anh đã nhận rõ được vai trò và trách nhiệm của mình. Nếu gặp khó khăn mà chỉ biết kêu với cấp trên, trong khi ở trên cũng khó khăn, nguồn lực đất nước cũng khó khăn, tài và lực đều có hạn thì “giải cứu” không phải là điều dễ. Vậy nên, trước khó khăn, vướng mắc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tự nghĩ cách cứu mình trước đã; phải đứng dậy, đổi mới phương pháp làm việc, cơ cấu lại nguồn lực để từ đó vượt qua.

“Nếu cán bộ có tinh thần xả thân vì công việc, xả thân vì trách nhiệm chung; thổi lửa, thổi được lòng nhiệt huyết; phát huy tinh thần dẫn dắt, tạo nguồn cảm hứng cho lớp lớp cán bộ đi theo thì chắc chắn công việc sẽ trôi chảy, không có ách tắc. Ngược lại, cán bộ, người đứng đầu cứ sợ sai, rồi không dám quyết, dám làm thì công việc không thể trôi được”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Chọn cán bộ sẵn sàng dấn thân vì lợi ích chung

- Trong bối cảnh còn tình trạng sợ sai, không dám quyết, dám làm, ở nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo, cán bộ, công chức sẵn sàng dấn thân, làm ngày, làm đêm. Phải chăng cái gốc ở đây là do con người và công tác lựa chọn cán bộ?

Cái chính là do con người, do cán bộ. Nếu cán bộ có tinh thần xả thân vì công việc, xả thân vì trách nhiệm chung; thổi lửa, thổi được lòng nhiệt huyết; phát huy tinh thần dẫn dắt, tạo nguồn cảm hứng cho lớp lớp cán bộ đi theo thì chắc chắn công việc sẽ trôi chảy, không có ách tắc. Ngược lại, cán bộ, người đứng đầu cứ sự sợ sai, rồi không dám quyết, dám làm thì công việc không thể trôi được.

Có lần, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng, không làm gì cả cũng là vi phạm pháp luật, bởi chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho thì phải làm. Nếu anh không làm, tức là không thực hiện nhiệm vụ được giao - đấy chính là vi phạm. Cho nên, tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng cần phải tổng kết lại và đánh giá lại xem thực chất sự trì trệ nằm ở đâu. Đừng có nói rằng là do đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng khiến cho người ta sợ hãi; đừng có nói rằng do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện…

Thực tế, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc biệt để thực hiện công việc; Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để thực thi, tại sao có những đơn vị làm việc hăng say, nơi khác lại làm việc cầm chừng? Tại sao có những công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này tiến độ thực hiện rất nhanh và không khí làm việc hăng say đến thế? Tôi nghĩ do cán bộ hết. Cho nên tôi đề nghị là qua thực tiễn cần phải tổng kết rút ra những bài học về công tác cán bộ, về lựa chọn cán bộ. Chọn cán bộ, không chỉ có trình độ, năng lực mà phải có nhiệt huyết, phải biết xả thân vào công việc chung, và phải là tấm gương dẫn dắt, truyền được cảm hứng cho đội ngũ cán bộ cấp dưới.

- Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Cháy xe bồn chở xăng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cháy xe bồn chở xăng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
TPO - Một chiếc xe bồn chở xăng di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua khu vực huyện Gia Lộc (Hải Dương) bất ngờ gặp nạn tối 2/7, sau đó bốc cháy dữ dội. Lực lượng chức năng đang nỗ lực dập lửa, đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc.