Không ngồi chờ người khác cứu
Sau nhiều năm liên tiếp kinh doanh chưa có lãi, năm 2023 toàn ngành đã có lãi, điều gì đã tạo ra sự thay đổi này thưa ông?
Phải thừa nhận một thực tế là trong tư duy của “người đường sắt” còn có sức ì nhất định do đặc thù ngành nghề và lịch sử phát triển của ngành. Trước đây, đường sắt là một trong những phương thức vận tải chủ lực kể cả hành khách và hàng hóa nên cung cách phục vụ còn mang nặng tính kế hoạch hóa và bao cấp, tính thị trường thấp so với các loại hình vận tải khác.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ngành đường sắt lâm vào tình thế “khó khăn chồng chất khó khăn”, nhiều thời điểm không thể tổ chức chạy tàu, người lao động không có việc làm. Cái may mắn của ngành và cũng là truyền thống của ngành chính là sự đoàn kết, thấu hiểu, chia sẻ nên khi gặp phải khó khăn chưa từng có tiền lệ, thay vì ngồi đó đợi người khác cứu, chúng tôi quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Chúng tôi xác định phải thay đổi để tồn tại và không ai cứu mình khi mình không tự cứu mình. Thay vì ngồi trông chờ vào việc phải có nguồn lực để đầu tư, làm mới kết cấu hạ tầng thì chúng tôi bắt tay vào tự hoàn thiện những gì đang có để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng dịch vụ.
Hành khách đi tàu tại Ga Hà Nội |
Việc thay đổi đầu tiên là tư duy chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp cái xã hội cần và phương châm làm tất cả để phục vụ vận tải - phục vụ khách hàng. Chúng tôi bắt tay vào làm từ cái nhỏ nhất, cải tiến những bất cập, khắc phục những mặt hạn chế và tư duy biến những cái bất lợi thành điểm có lợi để phục vụ khách hàng. Đặc biệt, chúng tôi ý thức việc đang nắm giữ và khai thác một khối tài sản có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với lịch sử đất nước.
Vì vậy Tổng công ty đã định hướng để biến các khu ga thành “điểm đến” cho người dân. Những đoạn đường sắt được phát động phong trào trồng hoa thành “Đường tàu, đường hoa”. Khẩu hiệu đưa ra là “Mỗi cung đường một loài hoa, mỗi nhà ga một điểm đến”. Chúng tôi đang cho thí điểm mô hình Cafe Hỏa Xa tại một số ga để người dân có thể không đi tàu nhưng vẫn có một không gian để trải nghiệm.
Tại một số nhà ga như ga Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Huế.... chúng tôi có tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách đi tàu và nhân dân. Đường sắt mở cửa cho người dân đến với đường sắt để cảm nhận được vẻ đẹp lịch sử và các nét văn hóa tại các khu ga được xây dựng hàng trăm năm và có nhiều dấu ấn lịch sử gắn với công cuộc xây dựng đất nước. Trên các đoàn tàu chúng tôi tổ chức thêm các hoạt động giải trí như âm nhạc, ẩm thực ...để khách trải nghiệm trong thời gian di chuyển. Gần đây chúng tôi còn đưa một không gian đọc sách lên chuyến tàu Huế - Đà Nẵng phục vụ hành khách.
Với tinh thần đó chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến, sáng tạo để biến quãng thời gian di chuyển trên tàu hỏa thành trải nghiệm khó quên của khách hàng với nhiều dịch vụ hơn. Kết quả là năm 2023, lượng hành khách đi tàu tăng mạnh và bắt đầu có lãi. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, lượng hành khách đi tàu đã có sự tăng trưởng đột biến đến hai con số.
Trong đó, riêng chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng, từ khi đi vào hoạt động đã gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước, giúp lưu lượng hành khách đến với Huế và Đà Nẵng tăng khoảng 60%. Phát huy kết quả trên, hiện nay, ngành đường sắt đang phối hợp với các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cùng nhau để tổ chức kết nối hành trình di sản bằng tàu hỏa để hành khách tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch hấp dẫn mà các chuyến tàu đi qua…
Con người là yếu tố quan trọng nhất
Có ý kiến từng nói “muốn thay đổi có khi chỉ cần làm một việc duy nhất là thay người”. Vậy khi xác định phương châm “tự mình cứu mình, thay vì ngồi đợi người khác cứu”, yếu tố con người và tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung được lãnh đạo ngành đường sắt xác định như thế nào để lan tỏa tinh thần đó ra toàn ngành, tức là trên “nóng”, dưới cũng phải “nóng theo”; trên “dám nghĩ, dám làm” thì dưới cũng phải đồng tình, ủng hộ và cũng quyết tâm “dám nghĩ, dám làm” theo, thưa ông?
“Thay vì ngồi đó đợi người khác đến cứu, chúng tôi quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Chúng tôi xác định phải thay đổi để tồn tại và không ai cứu mình khi mình không tự cứu mình. Thay vì ngồi trông chờ vào việc phải có nguồn lực để đầu tư, làm mới kết cấu hạ tầng thì chúng tôi bắt tay vào tự hoàn thiện những gì đang có để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng dịch vụ”.
ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Trong bất kỳ ngành nghề nào, hoàn cảnh nào thì chúng tôi luôn cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Đối với ngành vận tải nói chung và vận tải đường sắt nói riêng, là ngành dịch vụ phục vụ thì yếu tố con người mang tính quyết định. Trước nhiều khó khăn, chúng tôi đã xác định giờ là thời điểm phải làm, không còn đường lùi, lùi là tụt hậu thêm và không còn con đường để phát triển. Tất cả toàn ngành, từ trên xuống dưới đều vào cuộc, phát huy tinh thần đoàn kết, chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Thực tế, có những việc khi đưa ra không nhận được sự đồng thuận của tất cả, nhưng nếu không làm thì không biết đến bao giờ mới tạo ra được sự thay đổi. Trong tình huống đó chúng tôi vẫn quyết liệt làm, chứ không thể đợi được, vì càng đợi càng mất đi cơ hội. Chúng ta thấy, trước đây, khi mới thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông cũng có biết bao nhiêu ý kiến trái chiều. Thế nhưng các nhà lãnh đạo đã quyết tâm, quyết liệt thực hiện. Thành quả đến giờ, hầu hết người dân khi ngồi trên xe máy đều đội mũ bảo hiểm, ai không đội có khi cảm thấy lạc lõng, xấu hổ. Đường sắt cũng phải thế, muốn cứu mình thì tất cả mọi người phải cùng vào cuộc, không ai đứng ngoài cả, đứng ngoài là lạc lõng.
Làm dịch vụ phục vụ hành khách, nếu thấy hành khách phản ánh về những hiện tượng không đẹp của ngành mà dửng dưng, coi như không có gì xảy ra thì chỉ có tụt hậu. Đặc biệt, đối với các cấp lãnh đạo, khi thấy những hình ảnh không đẹp, thấy những lời phàn nàn của hành khách thì phải thấy buồn, thấy hổ thẹn, từ đó chấn chỉnh, tìm cách nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong bối cảnh các quy định của pháp luật còn vướng mắc, có thể gây rủi ro cho người thực hiện nhiệm vụ. Vậy các ông đã giải quyết các khúc mắc, các rủi ro đó như thế nào?
Trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn, vướng mắc mà nản, không nghĩ, không làm thì sẽ không bao giờ tháo gỡ được. Vậy nên, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng tôi xác định rõ quan điểm phải tự mình cứu mình trước, tức là khi gặp khó khăn, vướng mắc thì một mặt phải chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, mặt khác là chủ động thuyết trình, tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Nói thật, nếu thấy vướng mà chỉ ngồi đó “kêu” thì đó không phải là tinh thần chủ động, tinh thần dám nghĩ, dám làm; dám tham mưu, đề xuất
Với sự chủ động đó, thời gian qua, rất nhiều những vướng mắc trong lĩnh vực đường sắt đã được các bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ nên kết quả đạt được rất tích cực. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với những gì đạt được sẽ là động lực để thôi thúc toàn ngành tiếp tục tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, hướng đến mục tiêu cao hơn, xa hơn.
Xin cảm ơn ông!
(Còn nữa)