'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 3: Đà Nẵng đối diện với rủi ro, tìm động lực phát triển mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để tìm hướng phát triển, tạo ra động lực mới, vượt qua giai đoạn chững lại vì những khó khăn, vướng mắc, chính quyền Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong nhóm chính sách được đề xuất có 5 chính sách mới, nổi bật nhất là thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Đây là một mô hình mới, chưa từng có tiền lệ trong thực tiễn ở nước ta.

Vướng mắc, khó khăn cản đường phát triển

Đà Nẵng từng được biết đến là một “đầu tàu” cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên và là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, với những cách làm mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, gần đây, khi nguồn lực đất đai gặp khó khăn, cộng với những tác động khác, khiến kinh tế - xã hội của Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại, dần mất vị thế trong khu vực.

Đặc biệt, tại Đà Nẵng hiện có đến hàng trăm dự án lớn nhỏ bị “đóng băng”, chưa được tháo gỡ. Ngay ở quận Hải Châu, quận trung tâm của thành phố là hàng loạt công trình bỏ hoang nhiều năm nay. Đó là dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (rộng khoảng 210ha) nằm ven biển Nguyễn Tất Thành và Dự án bến du thuyền ngay bờ tây sông Hàn, trước Trung tâm hành chính thành phố vì liên quan đến “Vũ nhôm” nên phải để hoang nhiều năm. Hay sân vận động Chi Lăng liên quan đến Phạm Công Danh đang hoang tàn giữa phố phường sầm uất, ai nhìn cũng thấy xót xa. Những dự án chưa được tháo gỡ đang làm bộ mặt đô thị nhếch nhác, bức tranh phát triển của Đà Nẵng mang những gam màu u ám so với giai đoạn trước.

Trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tiếp xúc với cử tri thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chia sẻ thực trạng của thành phố sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo ông Quảng, quá trình sơ kết, Bộ Chính trị đánh giá mặc dù Nghị quyết 43 ban hành nhưng sự quan tâm để có những cơ chế chính sách đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp là chưa đủ. Trong khi đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đà Nẵng phải giải quyết nhiều hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong hàng loạt các kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án.

Chấp nhận đối diện với rủi ro

Trong bối cảnh “khó khăn bủa vây”, động lực phát triển cạn dần, không chấp nhận “bó tay”, ngồi im “thủ thế an toàn”, lãnh đạo TP Đà Nẵng quyết tâm tìm kiếm động lực mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, chính quyền Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện những chính sách “chưa từng có tiền lệ” trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trong các chính sách nổi bật, “chưa từng có tiền lệ” đó, Đà Nẵng đề xuất cho phép thực hiện Khu thương mại tự do. Theo ông Quảng, đây là chính sách mang tính đột phá, dám nghĩ dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa triển khai trong tiền lệ và thực tiễn ở Việt Nam. “Chúng tôi cũng xác định việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì thành phố là người sẽ gánh chịu”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 3: Đà Nẵng đối diện với rủi ro, tìm động lực phát triển mới ảnh 1

Đà Nẵng đề xuất thí điểm khu thương mại tự do để tìm hướng phát triển mới. Ảnh: Nguyễn Thành

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: Nghị quyết sửa đổi chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó có đề xuất cơ chế về khu thương mại tự do là tâm huyết của tất cả lãnh đạo thành phố. Sự quyết tâm, tâm huyết thể hiện ngay từ khi bắt đầu xây dựng Nghị quyết đến nay chỉ vọn vẹn 6 tháng. Trong thời gian ngắn đó, để ra đời một Nghị quyết rất nhiều thủ tục và nhiều nội dung rất lớn là một thử thách, nhưng bằng sự nổ lực của tất cả, cuối cùng đã hoàn thành.

“Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn ở phía trước, có những cái chưa thể lường trước được nhưng anh em xác định không bước đi thì không biết bao giờ đến. Quá trình làm sẽ có những khó khăn và cả rủi ro nhưng chúng ta muốn tìm cái mới thì phải chấp nhận”.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng

Giám đốc sở KH&ĐT chia sẻ thêm, khi bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết, tất cả anh em lãnh đạo thành phố chung một quyết tâm nỗ lực hết sức để mong làm điều gì mới mẻ, để tìm kiếm sự thay đổi cho thành phố. Tất cả cùng mong có hướng mới để Đà Nẵng phát triển hơn trong điều kiện thành phố không còn dư địa, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hầu như không có. Chính điều này, đã thôi thúc, buộc đội ngũ lãnh đạo thành phố phải chọn lựa và quyết tâm dẫu biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn.

Mở động lực phát triển mới

Khu thương mại tự do TP Đà Nẵng đề xuất sẽ gắn kết chặt chẽ với Cảng biển Liên Chiểu - một dự án trọng điểm đang được đầu tư xây dựng và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trong giai đoạn đầu thí điểm, Đà Nẵng mong muốn được phân cấp cho UBND TP quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu chức năng. Doanh nghiệp được tiếp cận chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 3: Đà Nẵng đối diện với rủi ro, tìm động lực phát triển mới ảnh 2

Cảng biển Liên Chiểu đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết: Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không Quốc tế, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông-Tây…, Đà Nẵng hoàn toàn thể thiết lập được khu thương mại tự do. Tại đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn. Để làm được điều này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một khu thương mại tự do trong thời gian sớm nhất.

Ông Hùng cho biết, theo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đặt ở khu vực Tây Bắc thành phố. Bởi, khu vực này được gắn với cảng biển Liên Chiểu là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một khu thương mại tự do. Ngoài ra, khu vực này, hiện nay có chủ yếu là các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dân cư chưa nhiều nên việc quy hoạch thành khu thương mại tự do tương đối dễ dàng. “Khu thương mại tự do hình thành, toàn bộ khu vực Tây Bắc thành phố sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ. Hàng hóa đưa xuống các kho, bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam” ông Hùng cho biết.

Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng cũng cho rằng: Đà Nẵng vẫn chưa có những dự án mang tính động lực để thúc đẩy phát triển, xứng tầm với vai trò, vị trí đặt ra. Do đó, việc thí điểm Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
TPO - Anh trai vượt ngàn chông gai tập hợp 33 nam nghệ sĩ và người nổi tiếng cùng tranh tài ở lĩnh vực biểu diễn ca nhạc. Danh thủ Hồng Sơn gây bất ngờ khi xuất hiện với ngoại hình trẻ trung, gương mặt không nếp nhăn.