Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 năm 2022. |
4 Ủy viên Trung ương tham gia giải cứu cũng… bó tay
Là dự án lớn nhất ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ với tổng công suất lên tới 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ (tương đương 1,7 tỷ USD) với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ (tương đương 1,7 tỷ USD), Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án nguồn điện cấp bách thuộc tổng quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt. Nhà máy cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện/năm, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung.
Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án dự kiến sẽ được hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào quý III/2015, tổ máy số 2 vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh việc là dự án quan trọng trong mục tiêu chiến lược phát triển nguồn điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, Nhiệt điện Thái Bình 2 đã trở thành vết đen trong lịch sử của ngành dầu khí khi tổng thầu PVC có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về mặt hình sự khiến nhiều cán bộ của PVN và các đơn vị bị khởi tố, bị bắt.
Tháng 3/2011, nhà máy được khởi công, song sau gần 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, lắp đặt nhưng cũng rất nhanh sau đó rơi vào cảnh “đắp chiếu” nhiều năm.
Còn nhớ tại thời điểm cuối tháng 7/2019, để giải cứu cho dự án sau 8 năm đắp chiếu, 4 Ủy viên Trung ương Đảng giai đoạn đó (gồm Bộ trưởng Công Thương là ông Trần Tuấn Anh; ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước; Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sĩ Thanh - hiện là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên - hiện là Bộ trưởng Bộ Công Thương) đã cùng chủ trì cuộc họp với đại diện nhiều bộ ngành ngay tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để bàn cách tìm lối thoát cho dự án. Tại buổi họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là thời điểm quan trọng với dự án, với hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương sẽ có báo cáo Thủ tướng về tình hình khó khăn của dự án, kiến nghị cơ chế chính sách xử lý.
Hy vọng giải cứu dự án thật sự mong manh khi cuộc họp kéo dài cả buổi với đủ các thông tin cập nhật về những khó khăn chồng chất của dự án tại thời điểm đó.
Theo đại diện Ban quản lý điện lực dầu khí Thái Bình 2, tính đến 30/6/2019, giá trị giải ngân từ khi khởi công của nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 32,6 nghìn tỷ đồng, đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2. Dự án trong cảnh hiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng. Đối với phần vốn vay nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng vay đã ký là hơn 937 triệu USD và đã giải ngân được trên 610 triệu USD. Việc gia hạn thời gian giải ngân đối với các hợp đồng vay nước ngoài chưa được Bộ Tài chính đồng ý… cũng là trở ngại lớn nhất cho việc hoàn thành dự án.
Tiếp sau cuộc họp lịch sử của 4 Ủy viên Trung ương, đại dịch COVID-19 diễn ra cuối năm 2019 và các năm sau đó đã kéo theo hàng loạt vấn đề khác: Việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử; việc cung cấp nhân lực, vật tư... bị đình trệ, ách tắc.
Nhiệt điện Thái Bình 2 gặp nhiều khó khăn về tài chính và kéo dài 12 năm mới hoàn thành. |
Thành công đến từ việc dám làm, dám chịu trách nhiệm
Với quyết tâm không để dự án “chết yểu”, lãng phí tiền của Nhà nước, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Tiếp sau cuộc họp, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, người đứng đầu Chính phủ đã có hàng loạt cuộc thị sát, trực tiếp kiểm tra, làm việc tại công trường dự án, trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án.
“Điều quan trọng là chúng ta thống nhất, vận dụng sáng tạo để hoàn thành dự án, nhờ đó không phải sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, của tập đoàn, ngược lại, lại tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Thủ tướng, rõ ràng, ý nghĩa ở đây là sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý để không phải sử dụng vốn Nhà nước, tiết kiệm vốn đã được phê duyệt. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao.
Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất của dự án chính là việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án cùng những nút thắt về tài chính, cơ chế, huy động nhân sự cho dự án đều được Thủ tướng có các chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Thậm chí các giải pháp cấp bách cũng được Thủ tướng trực tiếp xử lý hoặc giao các cấp theo thẩm quyền nhanh chóng giải quyết, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập thể Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và Ban Tổng Giám đốc PVN đã họp và ra Nghị quyết quyết tâm tập trung cao nhất các nguồn lực của toàn tập đoàn, dồn toàn lực để hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tinh thần “dám nghĩ, dám làm” cũng nhanh chóng được lan toả tới toàn bộ các đơn vị thực hiện dự án. Đơn cử như vào thời điểm chuẩn bị cho công tác đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 1, nhiều thiết bị còn thiếu, tổng thầu chưa kịp mua sắm. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đã quyết định thử nghiệm các hạng mục phụ trợ, sử dụng các thiết bị từ Tổ máy số 2 để lắp đặt sang Tổ máy số 1. Đây là việc chưa có tiền lệ trong triển khai dự án nguồn điện không phải chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới.
Cuộc họp “lịch sử”nhằm giải cứu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với sự tham gia của 4 Ủy viên Trung ương tại chính nhà máy hồi tháng 7/2019. |
Sự sát sao với công việc, tinh thần dám chịu trách nhiệm đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cho các đơn vị liên quan và đưa dự án nhanh chóng về đích. Chỉ 7 tháng sau đó, ngày 23/2/2022, dự án hoàn thành đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1. Chỉ 6 tháng sau đó, ngày 27/8/2022, Tổ máy 2 tiếp tục thực hiện thành công. Ngày 27/4/2023 trở thành dấu mốc khó quên với toàn bộ PVN khi dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức khánh thành.
Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, nhưng PVN và các đơn vị đã vận dụng sáng tạo, nỗ lực không mệt mỏi, hồi sinh nhà máy sau quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành.
Thủ tướng khẳng định, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn. Nhờ quyết tâm thực hiện công trình, chúng ta đã “được người, được của, được việc, được tổ chức, được lòng dân”; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng thực tiễn khách quan, không đội vốn, kéo dài, lãng phí nguồn lực, không mất cán bộ; tăng cường giám sát, kiểm tra ngay từ khâu chuẩn bị, phê duyệt, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong điều kiện vướng mắc về pháp lý, thi công trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, phải tiết kiệm nguồn vốn…
(Còn nữa)