[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc Tọa đàm “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” do Báo Tiền Phong tổ chức, nhằm nhìn nhận về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước và nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức.

VIDEO: Giải pháp nào chữa bệnh 'sợ sai'

Tham dự cuộc Tọa đàm có các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, các nhân chứng trong thời kỳ trước và sau đổi mới, nhằm đánh giá về thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng sợ sai, không dám quyết, dám làm; từ đó kiến nghị các giải pháp để hóa giải nỗi sợ sai này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Hóa giải sợ sai

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

26/04/2023 09:07

Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Trước khi thực hiện cuộc tọa đàm này, Báo Tiền Phong đã thực hiện tuyến bài dài kỳ với chủ đề “Hóa giải nỗi sợ sai”. Qua tuyến bài cho thấy, chưa khi nào, tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền lại có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ: Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

26/04/2023 09:12

Giải pháp nào chữa bệnh 'sợ sai'

26/04/2023 09:18

Tham dự cuộc Tọa đàm có:

1: PGS. TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

2: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

​3: TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

​4: Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

​5: Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới.

​6: Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 1

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong (ngoài cùng bên trái) tặng hoa các vị khách mời dự tọa đàm.

26/04/2023 09:24

Làm rõ thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 2

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung?

Qua theo dõi và nắm bắt, trên cơ sở những câu chuyện thực tế, Báo Tiền Phong đã thực hiện loạt bài 8 kỳ “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Đây cũng chính là lý do Báo Tiền Phong tổ chức cuộc Tọa đàm về chủ đề trên, với mong muốn làm rõ hơn thực trạng; từ đó đề xuất đề xuất các giải pháp để không chỉ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, thắp lên ngọn lửa KHÁT VỌNG, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích.

26/04/2023 09:39

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 3

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

26/04/2023 10:01

Loạt bài “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”

26/04/2023 10:11

Sợ sai có phải 'bệnh truyền nhiễm'?

Tại cuộc tọa đàm, tiến sỹ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, trong thực thi công vụ, đa số cán bộ, công chức đều tận tâm với công việc. Tình trạng cán bộ không dám ký văn bản thường liên quan đến các lĩnh vực như đấu thầu, đầu tư, quản lý đất đai, do lo sợ có vấn đề sai phạm.

“Có cán bộ được hỏi vì sao không dám làm? Họ nói sợ sau này xảy ra sai phạm”, ông Tuấn cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, một bộ phận cán bộ giữ vị trí tham mưu, đề xuất dự án đầu tư, công trình, cầu đường, cơ sở đất đai, vốn là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, do trình độ năng lực yếu kém, lại lo sợ liên đới, trách nhiệm nên sẽ làm cầm chừng, co cụm.

“Theo dõi, tiếp xúc, trao đổi với anh em, tôi không nghĩ tình trạng sợ sai là “bệnh truyền nhiễm” mà cho rằng đó là tâm lý của một số bộ phận”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đối với những cơ quan tham mưu, hoạch định, mang tính chất nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ vẫn làm việc bình thường. “Tình trạng cán bộ sợ sai thường xảy ra ở những cơ quan từng bị cơ quan có thẩm quyền xử lý”, ông Tuấn nói.

Để hóa giải nỗi sợ sai của cán bộ, theo ông Tuấn, cần căn cứ vào quyền hạn, chức trách để xử lý, cương quyết với hành vi vi phạm pháp luật.

“Bên cạnh đó, để hóa giải tâm lý sợ sai, cần tuyên truyền, thống nhất nhận thức rằng chỉ những người làm không đúng pháp luật, làm mà nghĩ đến lợi ích riêng mới phải lo sợ”, ông Tuấn cho hay.

26/04/2023 10:16

“Có cán bộ khi được hỏi, vì sao không dám làm? Họ nói sợ sau này xảy ra sai phạm”, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 4

26/04/2023 10:29

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 5

Các khách mời trao đổi sổi nổi tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng - Trọng Quân.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 6
[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 7

26/04/2023 10:45

“Từ dấn thân đến phòng thân”

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ sợ sai do vấn đề quản lý, do "ngồi nhầm chỗ".

"Một giáo sư tiến sĩ về tim mạch lại làm quản lý bệnh viện", ông Tiến ví dụ.

Ông Tiến cũng cho rằng, pháp luật còn nhiều kẽ hở. "Tôi không bảo vệ các giám đốc bệnh viện mà do luật của chúng ta đôi lúc chưa rõ ràng. Chỉ vì tiền hoa hồng mà trở thành tội phạm. Chúng ta cần tìm cách “bịt” các kẽ hở pháp luật. Thay vì để các các cán bộ tự nhập vật tư và nhận hoa hồng, có thể đưa vào luật số tiền hoa hồng cụ thể có thể được nhận. Như vậy không sợ các cán bộ không dám làm và không sợ làm sai nữa”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, từ nguyên nhân do luật khiến cho tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng.

“Tôi nghĩ do chúng ta chưa trao “thượng phương bảo kiếm” cho những người dám nghĩ, dám làm. Để giờ cấp quyết định không dám quyết, cấp tham mưu không dám lên tiếng.

Bài học từ một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ giảm lửa đến tắt lửa, từ dấn thân đến phòng thân.

Chúng ta có quá nhiều luật và theo tôi cần phải xem lại luật để các cán bộ thực thi pháp luật, các quan chức công quyền có văn bản pháp luật bảo vệ, có chế độ đãi ngộ riêng”, ông Tiến nói, đồng thời đề xuất hình thức quỹ để đảm bảo rủi ro cho những người dám nghĩ, dám làm.

26/04/2023 10:49

“Tôi nghĩ do chúng ta chưa trao “thượng phương bảo kiếm” cho những người dám nghĩ, dám làm. Để giờ cấp quyết định không dám quyết, cấp tham mưu không dám lên tiếng", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 8

26/04/2023 10:59

Không tháo gỡ, doanh nghiệp “thoi thóp thở” sẽ “ngạt thở”

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản, đây là cuộc tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thị trường bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng trên thị trường có nhiều dự án đầu tư phải dừng lại "đắp chiếu". "Nếu được khơi thông, các dự án trên sẽ có giá trị rất lớn kích hoạt vận hành nền kinh tế", ông Đính đánh giá.

"Rõ ràng quá nhiều quy định dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, sờ đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý. Từ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, tính giá đất...

Theo thống kê, quy trình tính giá đất chiếm 50% vướng mắc tại các dự án. Nhiều địa phương tính toán an toàn. Có địa phương trước tính hệ số 1.7 - 2.0 so với bảng giá, nay tăng hệ số lên 2.5 - 3.0 cho an toàn.

Doanh nghiệp thấy không ổn về lợi nhuận thì họ dừng lại. Nhiều địa phương còn "đẻ" ra các khoản khác để đóng góp cho hạ tầng. Có thể thấy đúng là chúng ta đang trong rừng quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Đính cũng chỉ ra tình trạng cán bộ thế hệ sau sợ cả những dự án sai phạm trước đấy, "hầu như không dám đụng vào xử lý các dự án đó".

Từ thực tế đi các địa phương tham gia tổ công tác của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, ông Đính ví dụ tại một địa phương, có doanh nghiệp đã xây dựng xong 7 tòa nhà ở xã hội phù hợp với chủ trương nhưng không bán được sản phẩm nào.

Lý do, doanh nghiệp được phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân nhưng công nhân tại đây không có nhu cầu mua nhà. Đa số họ ở tỉnh ngoài, chỉ làm việc tại đây một vài năm nên họ hướng tới thuê nhà cho rẻ.

“Doanh nghiệp kiến nghị cho 10 nhóm đối tượng chính sách được mua để tránh tình trạng nhà xây xong đắp chiếu, nhưng chính quyền địa phương không dám phê duyệt.”, ông Đính phản ánh.

Khi hàng ngàn dự án đang nằm đắp chiếu, các công trường dự án phải dừng lại, đồng nghĩa hàng triệu lao động không còn việc làm, khoảng 40 ngành nghề liên quan đến ngành BĐS cũng phải dừng lại.

“Đây là thực tế mà chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... đang thoi thóp thở. Nếu không tháo gỡ các vấn đề này, không giải quyết quy trình hồ sơ cho các dự án thì đến một lúc họ sẽ ngạt thở”, ông Đính bày tỏ.

26/04/2023 11:03

"... Chúng ta đang trong rừng quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 9

26/04/2023 11:05

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 10

Các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm.

26/04/2023 11:22

“Làm đúng thì không sợ”

TS. Trần Anh Tuấn nêu: "Tôi thấy thực trạng hiện nay rằng ai cũng sợ sai và không muốn sai. Nhưng theo tôi, cán bộ, công chức nếu làm đúng thì không việc gì phải sợ; chỉ có những người đã từng làm sai mới sợ; những người không biết mình đúng hay sai, thiếu năng lực chuyên môn mới sợ”.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 11

Để hoá giải nỗi sợ sai của cán bộ, ông Tuấn cho rằng, cần tuyên truyền để các cán bộ hiểu “làm đúng thì không sợ”; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm tinh thần cống hiến đúng theo chủ chương của Đảng.

Cùng với đó là chính sách tinh giản biên chế, đánh giá phân loại những người không dám nghĩ, không dám làm, thay thế những người khác đủ năng lực phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm những người sai phạm. Theo ông Tuấn, xã hội không thiếu người giỏi nhưng chưa ngồi đúng chỗ: "Nếu chúng ta chọn đúng người đúng chỗ sẽ phát huy tốt".

Đồng thời, phải có quy định để khuyến khích những người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; và trong thời gian tới, chế độ tiền lương cũng cần phải được quan tâm.

26/04/2023 11:30

Cần “Quỹ bảo hiểm rủi ro”?

Nhà báo Lê Minh Toản-Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong: Nguyên nhân, thực trạng đã rõ, vậy theo các chuyên gia, giải pháp nào để hoá giải nỗi sợ sai, trở thành điểm tựa để cán bộ yên tâm thực thi công vụ là gì?

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 12

Nhà báo Lê Minh Toản-Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong

+ Ông Lê Như Tiến: Trước tiên cần nhấn mạnh, đã làm đúng thì không sợ sai. Nhưng thực chất vẫn có một số rủi ro, một số kẽ hở của pháp luật, các nguyên nhân khách quan khiến họ tưởng đúng mà thực tế lại thành sai.

Để hoá giải điều này, cần sớm xây dựng quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Thậm chí, có thể xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro”, giống như trong nghiên cứu khoa học, như trong thám hiểm, để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, yên tâm công tác.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 13

Ông Lê Như Tiến

“Phòng hơn chống. Muốn vậy, cần quy định những điều không được làm một cách rõ ràng để chiếu theo đó phòng sai, tránh sai, từ đó không sợ sai nữa”, nhấn mạnh điều này, ông Tiến cũng lưu ý phải xóa bỏ hẳn cơ chế “xin – cho”.

“Những cơ chế hưởng lợi khi mang về lợi ích cho tổ chức cần được quy định rõ ràng”, ông Tiến nói.

26/04/2023 11:36

Cho nhân tài không gian để phát triển

Theo ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, giải pháp cốt lõi, vấn đề là ở con người, cần quyết liệt để thay thế cán bộ yếu kém, cải cách cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. “Bổ nhiệm cần phải dựa vào thành tích cụ thể, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân. Cần chính sách trọng dụng nhân tài, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng và cho nhân tài không gian để phát triển”, ông Lược nói.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 14

26/04/2023 12:14

Kết hợp pháp trị và đức trị

Tại cuộc tọa đàm, PGS. TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay sự dấn thân của một bộ phận cán bộ đảng viên còn yếu.

Để hóa giải nỗi sợ sai, ông Cường đề xuất hai biện pháp: Kết hợp pháp trị với đức trị.

Pháp trị là lấp đầy khoảng trống pháp luật. Không có quy định của pháp luật thì hôm nay tưởng đúng mai lại sai, dễ đứng trước “vành móng ngựa”.

Theo ông Cường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng có Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 15

"Quy định của Trung ương cũng được cụ thể hóa thêm về bảo vệ người tố giác. Bởi hiện nay có tình trạng "đấu tranh, tránh đâu", "được vạ má sưng". Bên cạnh đó, tôi được biết chúng ta đang nghiên cứu xây dựng quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi khi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

“Theo tôi vấn đề này cần thiết nhưng khó, có quyền lợi không phục hồi được, ví dụ đảng viên đang chuẩn bị vào cấp ủy, lên chức cao hơn thì phục hồi kiểu gì vì quá tuổi rồi”, ông Cường nói.

“Suy cho cùng là đạo đức cách mạng của từng cán bộ, đảng viên, đó là đức trị. Do đó, cần nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; người thủ trưởng trong sạch, nêu gương tốt thì cấp dưới khó mà dám làm sai được, ông Cường bày tỏ.

26/04/2023 12:22

Có công cụ, cách thức để cán bộ bảo vệ mình

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để hóa giải nỗi sợ sai, chúng ta cần đảm bảo an toàn pháp lý trong thực tiễn. Không suy diễn đến các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai. An toàn pháp lý ở chỗ phải có công cụ, cách thức để các cán bộ công chức bảo vệ mình được. Hệ thống pháp lý của chúng ta phải tìm ra hướng để các công chức tự bảo vệ mình

Đồng thời, thể chế hóa nhanh Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 16

“Nếu TPHCM xin làm thí điểm (chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm-PV) thì nên cho TP HCM thử nghiệm trước. Một dân tộc dám thử nghiệm, có cơ chế thử nghiệm sẽ giúp dân tộc phát triển”, ông Dũng nói.

Cùng với đó, theo ông Dũng, kỷ luật hành chính phải được áp dụng quyết liệt. Không có kiểu làm cũng được không làm cũng được.

"Về dài hạn thì nên cắt bỏ các thủ tục, các điều kiện không hợp lý. Cái nào vướng, ách tắc thì nên bỏ ngay.

Về dài hạn hơn nữa, tiếp tục điều chỉnh các quy định của pháp luật để có nền hành chính công vụ chuyên nghiệp. Xây dựng những người thực hiện hành chính công vụ giỏi chuyên môn, giỏi hơn những người thanh tra, kiểm tra.

Phải có được người tài, phải cầu người tài. Phải nói rất rõ hành chính công vụ phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Áp lực công việc tạo nên người tài”, ông Dũng nói.

26/04/2023 14:13

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Clip: Trọng Quân

[TỌA ĐÀM] 'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' ảnh 17

Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”

Thông qua cuộc tọa đàm, Báo Tiền Phong mong muốn lắng nghe ý kiến đa chiều từ các đại biểu nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng này. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách để không chỉ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo vệ đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo mà còn thắp lên ngọn lửa khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của đất nước.

MỚI - NÓNG