Tín hiệu từ việc Nga – Trung cử phái đoàn cấp cao đến Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc và Nga đều cử các phái đoàn cấp cao tới Triều Tiên trong tuần này. Đây là loạt hoạt động ngoại giao hiếm hoi của Bình Nhưỡng khi nước này kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Tín hiệu từ việc Nga – Trung cử phái đoàn cấp cao đến Triều Tiên ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. (Ảnh: Tass)

Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dẫn đầu sẽ thăm Triều Tiên trong tuần này, hãng thông tấn KCNA đưa tin ngày 25/7. Đoàn Nga và Trung Quốc là hai đoàn khách đầu tiên thăm Triều Tiên từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

Hai đoàn đến để dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, diễn ra vào ngày 27/7 tại Bình Nhưỡng, KCNA đưa tin. Đoàn Trung Quốc do Uỷ viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) dẫn đầu. Ông Lý hiện là Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc.

Triều Tiên đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020, dừng mọi trao đổi thương mại và ngoại giao, kể cả với các đối tác kinh tế và chính trị lớn là Trung Quốc và Nga. Truyền thông nhà nước Triều Tiên không cho biết các chuyến thăm lần này có đánh dấu bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của nước này hay không.

Các sự kiện kỷ niệm dự kiến bao gồm một cuộc duyệt binh lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Ngày 25/7, Trung Quốc khẳng định rằng họ thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Khẳng định được đưa ra để đáp trả lá thư từ Nhóm G7, Liên minh châu Âu và các nước khác, với nội dung kêu gọi Bắc Kinh ngăn chặn Bình Nhưỡng lách các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vùng biển của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên trong tháng 6 tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine, nhưng cả Bình Nhưỡng và Mátxcơva đều bác bỏ.

“Chuyến thăm này sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác quân sự Nga-Triều và sẽ là một giai đoạn quan trọng trong phát triển hợp tác giữa hai nước”, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.

Cả Nga và Trung Quốc đều là đồng minh lâu năm của Bình Nhưỡng.

Hong Min, giám đốc Ban Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, lưu ý rằng Trung Quốc lần này cử phái đoàn cấp thấp hơn so với cuộc duyệt binh của Triều Tiên vào tháng 9/2018.

Theo nhà nghiên cứu này, Trung Quốc có thể không muốn khiêu khích Mỹ hoặc thể hiện quá thân thiết với Triều Tiên vào thời điểm này, khi Bắc Kinh và Washington đang cố gắng điều chỉnh lại quan hệ song phương. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn cân bằng để không làm Triều Tiên khó chịu.

Cũng theo ông Hong Min, phái đoàn của Nga lần này có thể coi là cấp cao hơn so với phái đoàn của Trung Quốc, nhưng Triều Tiên thường kỷ niệm dịp 27/7 như một ngày lễ chung với Trung Quốc kể từ khi cả hai nước ký hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên với Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu.

Christopher Green, một giảng viên tại Đại học Leiden, nói với NK News rằng hai đoàn khách Nga và Trung Quốc lần này tạo nên “chiến thắng đủ lớn” đối với BÌnh Nhưỡng, về khía cạnh ủng hộ chính trị quốc tế đối với chính quyền, dù Triều Tiên vẫn đóng cửa biên giới với các nước khác.

Theo Reuters, NK News, Tass
MỚI - NÓNG