Tiếng dân

Tiếng dân
TP - Có thể đến thời điểm này, cậu học sinh lớp 12 ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã được trại giam trả về nhà để kịp ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp diễn ra, sau hơn 50 ngày kể từ khi bị xe đặc chủng chạy vào tận trường áp giải đến nơi giam giữ.

Tiếng kêu cứu của gia đình em cũng như  báo chí cuối cùng đã đến được nơi cần đến, bằng hai quyết định của Tòa án tối cao tạm đình chỉ thi hành án, và kháng nghị đối với bản án của Tòa án tỉnh để tiến hành xét xử lại. 

Quốc hội cũng đang xem xét việc chỉnh sửa điều 60 Luật BHXH 2014, theo hướng cho người lao động có quyền hưởng BHXH một lần khi nghỉ việc, khi chưa đủ điều kiện nhận lương hưu. Việc kiên trì đề nghị sửa đổi điều luật này của đông đảo công nhân Nhà máy Pouyuen Việt Nam tại TPHCM, chính là tiếng dân. Với quan điểm xử lý như trên, Chính phủ, và Quốc hội đã cho thấy phương châm nhất quán, đó là luật làm ra để vì dân chứ không phải dành cho người làm luật.

Cũng tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát lại các nghị định vi hiến. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị tập trung xây dựng các luật liên quan đến quyền con người mà Hiến pháp 2003 đã quy định. Trong đó Luật biểu tình và Luật lập hội là hai luật cơ bản trong quyền của công dân.

Hàng trăm hộ dân ở Duy Xuyên, Quảng Nam đồng loạt bị nứt nhà khi đơn vị thi công đường cao tốc gần đó nổ mìn phá đá đào hầm. Nhưng những nông dân nghèo ai nấy “á khẩu”, khi hay sẽ được đền bù từ…1.700 đồng, rồi 6.000 đồng, đến vài chục ngàn đồng cho mỗi căn nhà bị nứt!? Rút cục, những con số như đùa này lại xuất phát từ những sự không hề đùa. Đó là những quy định rối tinh rối nhùi, luần quần ràng buộc giữa nhà đầu tư, bảo hiểm, giám định độc lập, rồi khung quy định, đơn giá của Bộ, của tỉnh,…, mà người nông dân nhìn vào như nhìn bụi tre. Mọi phép giải có vẻ đều rất chuẩn, đúng luật, nhưng đáp số đưa ra lại như trò hề ! Chi phí sổ sách, giấy tờ, hồ sơ đền bù, rồi văn bản giải thích, kinh phí hội họp lên xuống còn lớn gấp trăm gấp ngàn lần số tiền vài ngàn bạc đền bù cho dân. Nếu cho rằng đã làm đúng ba-rem, thì đó là thứ ba-rem trên trời, vô cảm, coi thường dân.

“Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” - đó là một quy định rất mới trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đang được trình Quốc hội. Đã có những đại biểu băn khoăn cho rằng với thực tế luật pháp nước ta, quy định như vậy sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, đây lại là quy định đang được người dân trông chờ. Nhớ mới đây Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) tại Việt Nam đã ra Tuyên bố Hà Nội, khẳng định: “Là đại diện cho nhân dân, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh”.

Luật làm ra để vì dân chứ không phải dành cho người làm luật. Không cách nào khác!

MỚI - NÓNG