Thuốc đặc trị, giàu nghèo đều khóc!

Người nghèo khó với tới thuốc đặc trị khi giá cao và tăng giá liên tục Ảnh: L.N
Người nghèo khó với tới thuốc đặc trị khi giá cao và tăng giá liên tục Ảnh: L.N
TP - Không chỉ người nghèo đang khốn đốn với giá thuốc tăng phi mã trong những ngày qua mà ngay cả nhà giàu cũng gặp khó khi những loại thuốc đặc trị cho những căn bệnh nan y cũng tăng chóng mặt.

>> Tăng giá thuốc, không 'xử' được

Người nghèo khó với tới thuốc đặc trị khi giá cao và tăng giá liên tục Ảnh: L.N

Ảnh: L.N.

Giá quá cao

Ngay khi biết mình mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung, người mẹ có 2 con Phan Thị Tường V. 34 tuổi ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) rầu rĩ. Chị V. cầm toa thuốc mà bác sĩ kê với 4 loại thuốc ra một nhà thuốc trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh để mua.

Hai loại thuốc bắt buộc chị V. phải có đó là thuốc tạo máu Eprex 4.000 đơn vị được nhà thuốc này hét giá 700.000 đồng/hộp 6 ống, loại thuốc đặc trị ung thư khác có tên Avastin 100mg gần 9 triệu đồng/ống.

“Đó là chưa kể bác sĩ chỉ định tuần nào cũng phải xạ trị và điều trị kết hợp cùng nhiều loại thuốc khác như Etoposide 20 mg/ml cũng tốn thêm gần 1 triệu đồng nữa”- chị V. cho biết.

Điều trị ung thư máu cho con gần 2 tháng nay, dù gia đình khá giả nhưng anh Hoàng Văn Bé ở Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn không đủ sức để theo đuổi chạy chữa cho đứa con 15 tuổi của mình.

Theo anh Bé kể, từ ngày con mình mắc bệnh đến nay gia đình anh đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng tiền thuốc cho căn bệnh của con. “Gần như tuần nào cũng phải xài thuốc Doxorubin Inj 2 mg/ml h/lọ 5 ml, mỗi lọ gần 500 nghìn đồng cộng với truyền máu tốn thêm tiền triệu nữa. Đó là chưa kể nhiều loại thuốc khác”- anh Bé nói.

Nhiều người đang bị viêm gan siêu vi B, C cũng điêu đứng vì thuốc đặc trị gan giá rẻ nhất cũng trên 3 triệu đồng/lọ. “Phác đồ viêm gan B phải điều trị liên tục 6 tháng mới có tác dụng, mỗi lần như vậy mất hơn 50 triệu đồng nên dù giá khác tôi vẫn không kham nổi”- anh Long ở quận 7 bị viêm gan B than thở.

Trong khi đó, sau khi mắc căn bệnh viêm màng não, chị Lê Đ. P. buộc phải dùng kháng sinh Meronem 1g điều trị theo phác đồ với thời gian 21 ngày. Thuốc này có giá 804.000 đồng/lọ, mỗi ngày dùng 6 lọ, như vậy tổng số tiền phải trả gần 5 triệu đồng/ngày.

“Với phác đồ điều trị căn bệnh này là 21 ngày nên số tiền tôi phải trả hơn 100 triệu đồng. Nếu gia đình nghèo thì khó sống nổi”- chị P. nói. Nhiều bệnh nhân bị ung thư mỗi tuần phải dùng Voflurane của Abbott với giá hơn 3 triệu đồng/chai khiến không ít người bệnh khốn khổ.

Đưa thuốc vào chương trình bình ổn giá

Mặc dù giải thích kỹ với người bệnh khi nhiều loại thuốc đặc trị tăng giá trong những ngày qua do USD và xăng, điện, nguyên liệu tăng nhưng anh Hoàng nhân viên nhà thuốc Quỳnh Anh trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 vẫn không nhận được sự thông cảm từ người bệnh.

Theo người này, mình bán thuốc thì phải bán theo giá của nhà phân phối chứ không tự ý tăng nhưng tháng nào thuốc cũng tăng giá nên người bệnh phàn nàn.

“Có những loại thuốc ung thư Carbosin, Taxol hay Vinblastine đã tăng 20-30% trong những ngày qua khiến người bệnh mắc ung thư đến mua thuốc như ngồi trên lửa”- chị Hà chủ nhà thuốc Khôi Nguyên ở quận 6 nói.

“Tôi bị viêm gan 3 tháng nay phải điều trị thuốc đặc trị mỗi tháng tốn 12 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập chưa tới 5 triệu/tháng nên giờ gia sản là ngôi nhà cấp 4 tôi cũng định cầm cố luôn”- anh H. ở Đồng Tháp kể khi đang điều trị tại BV ĐH Y Dược TPHCM.

Để người bệnh dùng được thuốc giá rẻ, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, những loại thuốc thiết yếu mà trong nước sản xuất được sẽ được đưa vào chương trình bình ổn giá của TPHCM.

Ông Lương Đăng Khoa- Tổng Giám đốc Boston Pharma, cho biết sẵn sàng đưa thuốc vào chương trình bình ổn giá của UBND TPHCM để người bệnh được dùng thuốc chất lượng, giá phù hợp.

Bà Huỳnh Thị Lan- Chủ tịch HĐQT Công ty MEKOPHAR, nói rằng đưa thuốc vào chương trình bình ổn giá sẽ giúp nhiều người bệnh có cơ hội sử dụng hơn. Tuy nhiên, đối với các loại thuốc đặc trị giá ngất ngưởng, người bệnh vẫn khó với tới bởi hầu hết các thuốc này Việt Nam chưa sản xuất được.

Nói về giá thuốc đặc trị tăng cao, đại diện Công ty y dược phẩm Vimedimex cho rằng hiện Việt Nam chỉ mới sản xuất được khoảng 47% tổng số loại thuốc sử dụng trong nước, trên 50% loại thuốc phải nhập khẩu và 90% nguyên liệu lại phải nhập ngoại nên dễ hiểu vì sao giá thuốc tại Việt Nam bị hãng dược nước ngoài quyết định và tùy ý tăng giá.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, chủ trương thành lập quỹ bình ổn giá thuốc với tiêu chí an sinh xã hội là quyết định của thành phố đã được nhiều người đồng thuận.

Dự kiến đầu tháng 4 tới quỹ bình ổn hỗ trợ giá thuốc cho bệnh nhân nghèo bắt đầu hoạt động nhưng nhiều người vẫn băn khoăn khi mà đến nay vẫn chưa xác định được số tiền cần được xem xét đưa vào quỹ bao nhiêu, và những đối tượng bệnh nhân nghèo nào được hỗ trợ. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.