Thuế & thương mại số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trào lưu mua sắm qua mạng đang bùng nổ tại Việt Nam chưa từng thấy. Cũng giống như Trung Quốc nhiều năm trước, ngồi nhà đặt đơn hàng trên mạng (online) gom cả “thế giới” khiến cho tập quán dạo phố mua sắm dần mai một.

Ở Việt Nam, với lợi thế phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy có thể len lỏi mọi ngõ ngách nên mua hàng qua mạng càng trở nên phong phú. Nhiều bạn trẻ còn hài hước nói, trước lúc lâm trận, nếu sờ đầu giường không thấy “ba con sâu”, vận chuyển “online” sẽ có ngay trong một nốt nhạc. Từ cây kim, sợi chỉ, đến siêu xe đang tiếp cận người tiêu dùng qua bán hàng trực tiếp. Người bán, kẻ mua chao chát, rôm rả. Có hẳn đội ngũ ghi nhận và vận chuyển tận… “đầu giường” (như ngôn ngữ thường thấy). Chẳng thế mà, chủ hàng thuê cả diễn viên nổi tiếng, người có ảnh hưởng đứng quay phát trực tiếp bán hàng hưởng phần trăm.

Thực ra, ngành thuế chỉ cần dùng phần mềm chuyên dụng có thể quét hoặc dò qua tài khoản cũng có thể thu đúng, thu đủ; bên cạnh các cách (thu) truyền thống khác. Có lẽ ngành thuế đang tập trung vào những người bán hàng online chuyên nghiệp, nhưng trong thực tế, bất cứ ai cũng có thể rao bán món hàng mà mình có. Không ít người thậm chí xem nghề phụ (bán hàng online) thành thu nhập chính. Theo Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam khoảng 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm trước đó. Việt Nam được nhiều tổ chức đánh giá là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này những năm kế tiếp.

Tuy vậy, nếu so với Trung Quốc, các kênh thương mại điện tử của ta vẫn còn thua xa. Mới đây, một cá nhân ở Trung Quốc từng gây xôn xao khi bán trực tuyến được 100 nghìn ô tô điện. Cuối năm 2021, người mang biệt danh “nữ hoàng livestream” (thuộc danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc) còn bị cơ quan chức năng phạt 210 triệu USD do trốn thuế. Bà này thậm chí còn bán cả tên lửa vũ trụ thương mại với giá 5,6 triệu USD. Hiệu ứng sau vụ phạt “nữ hoàng” là hàng loạt người bán hàng trực tuyến chủ động đi nộp thuế. Các cơ quan chức năng của nước ta cũng đã có nhiều động thái mạnh để ngăn chặn việc trốn thuế trên nền tảng số, như sẽ công khai tên tuổi người vi phạm trên truyền thông, cấm xuất cảnh… Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từ khi nhậm chức đã sớm quan tâm tới việc này. Ngay cả việc tiếp cận phát hành hóa đơn điện tử với khoảng 17 nghìn cửa hàng xăng dầu trên cả nước cũng được thực hiện sát sao (để tránh thất thu thuế). Số thuế thu hàng nghìn tỷ đồng gần đây đã cho thấy hiệu quả từ chính sách và thực thi, nhất là trong bối cảnh các nguồn thu truyền thống giảm sút.

Về lâu dài, hình ảnh cán bộ thuế “4.0” thành thạo sử dụng phần mềm chuyên dụng sẽ dần thay thế những cá nhân mẫn cán thường thấy. Phần mềm đó cần dự báo được muốn thu tốt thì phải nuôi dưỡng nguồn thu ra sao.

MỚI - NÓNG