Thực hư chuyện người nghèo ở Bình Định nhận cấp phát bù 4 lạng gạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) lùm xùm về việc chính quyền vừa tổ chức cấp phát bù gạo “đỏ lửa ngày Tết” cho người nghèo, gia đình chính sách trong 3 năm nhưng mỗi người chỉ nhận được hơn 4 lạng (hơn 0,4kg) gạo.
Thực hư chuyện người nghèo ở Bình Định nhận cấp phát bù 4 lạng gạo ảnh 1

UBND xã Tây Giang. Ảnh: Tuệ An

Theo trình bày của một số người dân ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), trong các ngày 9,10 và 13/2 vừa qua, xã mở đợt cấp bù gạo hỗ trợ Tết Nguyên đán các năm 2020, 2021, 2022 cho các hộ dân nghèo, gia đình chính sách, neo đơn trên địa bàn. Người dân được mời đến nhà văn hóa của thôn hoặc nhà của hộ dân trong thôn để nhận gạo cấp bù.

Bà N.T.D (52 tuổi, xóm 5, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) cho biết, lúc đầu được phiếu nhận gạo cũng rất vui mừng, nhưng khi ra nhận được 4 lạng (0,4kg) gạo thì chỉ biết “cười trừ” đi về.

Theo bà D., những trường hợp nhận như bà khá nhiều, một số thì nhận được 8 lạng. “Người thì cầm theo bao bì, người không có thì đi mua, bỏ hết công ăn việc làm nhưng khi tới chỉ nhận được 4 lạng gạo nên nhiều người rất bức xúc”, bà D. cho hay.

Theo tìm hiểu, trong dịp Tết Nguyên đán các năm 2020, 2021, 2022, UBND xã Tây Giang được UBND huyện Tây Sơn phân bổ gạo để cấp phát hỗ trợ gạo "đỏ lửa ngày Tết" đến người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình cấp phát gạo xảy ra tình trạng đong thiếu gạo cho người dân, dẫn đến tồn kho 17 bao gạo (hơn 808 kg).

Chia sẻ với báo chí, bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho hay, tổ cấp phát gạo của xã không kịp cân mà sử dụng xô để định lượng số gạo hỗ trợ, được các hộ dân đồng tình.

Bà Trang cũng thừa nhận, từ trước đến nay, việc cấp gạo cho nhân dân đều làm bằng cách này nên cũng chủ quan. Theo bà, việc cấp phát gạo bằng cách thức này khiến xác xuất dôi dư, hoặc thiếu vẫn xảy ra. Mỗi năm dôi dư ra một ít nên cộng lại số lượng khá lớn (cụ thể trong 3 năm 2020, 2021, 2022 là 808kg). Xuất phát từ thực thế này nên địa phương “sửa sai” cấp lại cho đủ.

“Hôm đó, chúng tôi phân tích rõ cho người dân hiểu đây là số gạo thực nhận của người dân chứ không phải Nhà nước hỗ trợ như vậy”, bà Trang nói.

Bà Trang cũng chia sẻ, bản thân bà công tác 23 năm ở xã và tham gia phát gạo từ đó đến nay chứ không phải ngày một ngày hai. Đây là bài học xương máu với bà. Sau việc này, với tư cách là người đứng đầu tổ phát gạo, bà nhận hết trách nhiệm và đã khắc phục hậu quả, xin lỗi bà con.

Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn thừa nhận vụ việc trên và cho biết đã được khắc phục xong nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, tạo dư luận không tốt tại địa phương. Người này cũng cho biết, lỗi trên cũng có phần từ tập thể cán bộ, lãnh đạo Tây Giang đã thiếu trách nhiệm, kiểm tra, giám sát.

Cuối tháng 6/2022, khi kiểm tra nhận thấy số gạo tồn dư đều bị mọt, ẩm mốc nên bà Trang đã cho xử lý bằng cách tận dụng cho gia súc, gia cầm với giá 7.800 đồng/kg. Sự việc này bà cũng không báo cáo, xin ý kiến. Sau đó, bà Trang nhận rõ sai sót và chủ động bỏ tiền túi ra để mua gạo với giá 13.500 đồng/kg trả về kho để phát cấp bù cho dân.

Liên quan việc này, cuối năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Sơn vào cuộc, xử lý kỷ luật bà Châu Thị Phương Trang với hình thức cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm. Cùng với đó, địa phương cũng kiểm điểm khiển trách ông Đặng Văn Hậu - công chức văn hóa - xã hội xã Tây Giang do đã thiếu trách nhiệm dẫn đến cân đong, cấp gạo không chuẩn xác.

MỚI - NÓNG