Hà Nam xin gạo, Sơn La không xin
Trước vấn đề này, chiều 5/1, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Năm nay cả nước liên tiếp xảy ra thiên tai (hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường…), số bị ảnh hưởng lên tới hàng chục triệu người. Từ đầu năm Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình đời sống dân sinh, đề xuất phương án hỗ trợ nếu có. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã có tờ trình xin trung ương hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán 2017, phấn đấu phát gạo tới tay người dân trước 25 tháng Chạp. Cùng với đó, các tỉnh thành cũng chủ động lên phương án hỗ trợ, chăm lo tết cho các đối tượng chính sách. Có một số địa phương dù bị ảnh hưởng thiên tai nhưng vẫn chủ động nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ, không xin trung ương, như tỉnh Quảng Nam.
Có địa phương không chịu ảnh hưởng thiên tai, kinh tế tăng trưởng tốt, thu ngân sách tăng, nhưng năm nào cũng xin hỗ trợ gạo cứu đói mỗi dịp cuối năm. Ông nghĩ sao về điều này?
Các địa phương cũng rất mong tự lực, nhưng trong cả cộng đồng vẫn có một bộ phận hộ nghèo, tới ngày giáp hạt vẫn thiếu lương thực. Vì vậy, có địa phương vẫn xin trung ương hỗ trợ. Riêng với Hà Nam, năm nay tỉnh cũng bị ảnh hưởng của bão số 1, 2, nhưng mức độ nhẹ, nên cũng xin trung ương hỗ trợ gạo dịp Tết. Chúng tôi đã trao đổi với địa phương và kiểm tra thực tế, quả thực có 1 số hộ dân bị bão nên thiếu lương thực, tỉnh có tờ trình chúng tôi vẫn đề xuất Chính phủ hỗ trợ. Trách nhiệm của địa phương phải báo cáo đúng thực tế.
Có địa phương như Sơn La, dù còn khó khăn, nhưng nhiều năm không xin trung ương hỗ trợ, rất đáng mừng. Nhưng làm sao biết địa phương không chạy theo thành tích, vẫn chăm lo cho người dân đầy đủ?
Mỗi địa phương phải có trách nhiệm nắm rõ và đảm bảo an sinh cho người dân của mình, không được để ai thiếu lương thực phải đứt bữa. Điều này trung ương không làm thay được. Giờ nước ta sản xuất lương thực dư thừa, không thiếu gạo thóc để dân phải nhịn đói. Có địa phương như Sơn La, Quảng Nam dù bị thiên tai nhưng vẫn tự cân đối hỗ trợ được người dân và thấy không cần thiết phải xin thêm trung ương, chúng tôi luôn khuyến khích như vậy. Mong những năm sau có nhiều tỉnh như Quảng Nam, Sơn La…
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Phạm Thanh.
Cứ xin là cho
Thưa ông, từ trước tới nay đã có tỉnh nào xin trung ương hỗ trợ nhưng các bộ ngành không phê duyệt vì thấy tỉnh tự lo được?
Hầu như không có địa phương nào có tờ trình xin gạo mà các bộ không trình Chính phủ, Thủ tướng không duyệt cấp. Vì trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói đã giao cho các địa phương, các cơ quan trung ương sao kiểm tra hết được. Chúng tôi chỉ đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng xem xét. Nếu không trình Thủ tướng để có người dân thiếu đói thì không được. Chỉ có trường hợp, một số địa phương trình xin hỗ trợ gạo 2-3 tháng, cho cả dịp Tết và giáp hạt, chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tế đề nghị Thủ tướng cấp theo từng đợt, sau đó sẽ rà soát mới cấp tiếp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH, tới thời điểm này đã có 15 tỉnh thành gửi tờ trình xin hỗ trợ 17.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói người dân đón Tết Nguyên đán 2017, như: Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Bình Định… Tính từ đầu năm, Chính phủ đã xuất cấp 67.000 tấn gạo cứu đói dịp giáp hạt, thiên tai, hỗ trợ tết (gấp 2 lần số lượng bình quân các năm trước).