Thức ăn 'đại kỵ' với người đang điều trị ung thư

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Thực đơn cho người xạ trị ung thư lấy lại sức nhanh nhất như thế nào? Chế độ ăn của bệnh nhân mắc bệnh ung thư cần giàu năng lượng, nhiều đạm và nên chia nhỏ ra nhiều bữa ăn trong ngày.

Ung thư và điều trị ung thư có thể gây nên những tác động bất lợi liên quan đến dinh dưỡng đối với cơ thể bệnh nhân, tình trạng chán ăn, khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể suy giảm dẫn đến suy dinh dưỡng.

Dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp bệnh nhân mau lành vết thương, chống nhiễm khuẩn và cung cấp năng lượng cho cơ thể sống.

Một thói quen ăn uống tốt có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu được nhiều bất lợi do quá trình điều trị ung thư cũng như chính bản thân căn bệnh mang lại.

Theo GS Nguyễn Sào Chung, khi xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư, nhiều gia đình lựa chọn thật nhiều “cao lương mỹ vị” để thân nhân mau khoẻ mạnh. Mặt khác, nhiều gia đình lại kiêng cữ một cách thái quá khiến bệnh nhân bị suy kiệt sức khoẻ. Theo Giáo sư Chung, chế độ ăn tốt nhất cho bệnh nhân cần đa dạng dinh dưỡng nhưng cũng đảm bảo dễ tiêu hoá cho bệnh nhân.

Còn theo PGS - TS Trần Minh Đạo, để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Khối u ác tính có thể sản sinh ra những chất làm ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể.

Quá trình sử dụng chất đạm, bột đường, chất béo của cơ thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi khối u hiện diện ở dạ dày hay đường ruột. Bệnh nhân cảm thấy no căng, đầy bụng, biếng ăn, không cảm giác đói mặc dù cơ thể không hấp thụ được dưỡng chất.

Những bất lợi thường gặp do ung thư và quá trình điều trị gây nên có thể khiến người bệnh cảm thấy: chán ăn; khô miệng; đau và nhiễm khuẩn miệng, hầu họng; buồn nôn, nôn; thay đổi khẩu vị; tiêu chảy; bạch cầu trong máu giảm; ít uống nước; táo bón...

Thức ăn 'đại kỵ' với người đang điều trị ung thư ảnh 1 Nên chia nhỏ bữa ăn của bệnh nhân đang xạ trị ung thư thành nhiều lần trong ngày. Ảnh: Internet

Chán ăn là một trong những vấn đề thường gặp nhất khi đang xạ trị ung thư. Trầm cảm, những nỗi sợ hãi mơ hồ cũng làm cho người bệnh không còn cảm giác ngon miệng, thèm ăn. Tác dụng phụ của quá trình điều trị như buồn nôn, nôn, những thay đổi về khẩu vị cũng góp phần làm cho bệnh nhân càng không thích ăn. Đối với một số người, biếng ăn chỉ kéo dài trong vài ngày; với người khác có thể lâu hơn.

Chăm sóc việc ăn uống cho người xạ trị cần lưu ý gì? Trong thời gian xạ trị, bệnh nhân thường bị mệt mỏi, khó tiêu và nôn mửa. Sau khi kết thúc xạ trị, triệu chứng này vẫn có thể xảy ra. Để cơ thể dễ hấp thụ dinh dưỡng, người nhà cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân: Chia thành 5 – 6 bữa mỗi ngày; Chế biến thức ăn thành dạng lỏng: Cháo, súp, cơm mềm…

Thức ăn sau khi chế biến nên để nguội hoặc hơi ấm rồi mới cho bệnh nhân ăn. Ăn thức ăn quá nóng dễ làm bệnh nhân khó tiêu. Để thức ăn hết mùi trước khi đem vào phòng cho bệnh nhân. Thức ăn nặng mùi dễ làm người bệnh buồn nôn, khó ăn. Chọn thức ăn dễ tiêu: Rau xanh, ngũ cốc, thịt trắng…

Thực đơn cho người xạ trị cần được thay đổi liên tục theo ngày. Thay đổi và đa dạng món ăn giúp bệnh nhân không bị chán ăn, hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn. Nếu đang trong thời gian xạ trị, nên ăn nhẹ trước 2 – 3 tiếng;

Không uống nước trong bữa ăn. Nên uống trước hoặc sau bữa ăn khoảng 1 tiếng, uống chậm, từng ngụm một. Sau bữa ăn chỉ nên uống khoảng 20 – 50ml nước để tráng miệng.
Bệnh nhân chỉ nên nằm sau khi ăn 2 tiếng để tránh bị nôn;

Người xạ trị ung thư cần kiêng gì?

Trong thực đơn cho người xạ trị ung thư tuyệt đối không thể có một số loại thực phẩm chứa chất kích thích, khó tiêu. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bệnh nhân.
Thức ăn 'đại kỵ' với người đang điều trị ung thư ảnh 2 Bệnh nhân đang xạ trị ung thư cần tuyệt đối kiêng một số thực phẩm khó tiêu như bánh ngọt, đồ chiên rán…Ảnh: Internet
Một số thực phẩm bệnh nhân cần tuyệt đối kiêng: Rượu; Bia; Thuốc lá; Nước uống công nghiệp: nước có ga, nước giải khát đóng chai… Cà phê hoà tan; Ngoài ra, gia đình cũng cần hạn chế một số thực phẩm khó tiêu như bánh ngọt, đồ chiên rán…

Đồ ăn khó tiêu có thể khiến bệnh nhân bị táo bón, chán ăn. Tuy nhiên, nếu như một số loại thức ăn khó tiêu hợp với khẩu vị của người bệnh, bạn vẫn nên thêm vào thực đơn với lượng vừa phải để giúp họ hứng thú ăn uống hơn.

Bên cạnh đó, chế độ ăn cho bệnh nhân xạ trị cũng nên ít muối, ít dầu mỡ, đồ ngọt:

Chỉ sử dụng 3 – 5g muối mỗi ngày vào thực đơn của bệnh nhân; Sử dụng không quá 20g dầu mỡ khi nấu ăn cho người xạ trị. Nên dùng dầu từ thực vật như dầu oliu, hướng dương, đậu nành… Ăn không quá 20g đường mỗi ngày, bao gồm trong cả đồ ngọt.

Thức ăn 'đại kỵ' với người đang điều trị ung thư ảnh 3  Nên tăng cường trái cây trong thực đơn hàng ngày của người đang xạ trị ung thư. Ảnh: Internet
Thực đơn cho người xạ trị ung thư cần ưu tiên gì?

Ngoài việc đa dạng dinh dưỡng trong bữa ăn, bạn nên chú ý bổ sung dinh dưỡng qua những thực phẩm giàu chất xơ, vitamin lại dễ tiêu hoá: Rau xanh; Trái cây: Có thể dùng nước ép trái cây thay cho nước uống.

Ngũ cốc: Vừng, lạc, ngô, yến mạch, gạo… Bạn có thể dùng để nấu cháo trong các bữa ăn. Ưu tiên thịt trắng (cá, tôm) giàu omega 3, 6 tốt cho sức khoẻ.
Một số thức ăn vặt bổ sung cho bệnh nhân: nho khô, bánh quy, phô mai…

MỚI - NÓNG