Thức ăn cho nghệ thuật

Thức ăn cho nghệ thuật
TP - Giới cầm cọ nước nhà đang xôn xao với “đề bài” đưa ra tại một cuộc thi vẽ biếm họa quy mô lớn vừa phát động. Trong đó yêu cầu tác phẩm không được hư cấu, mà phải xuất phát từ “người thật, việc thật”.

> Họa sĩ Hoàng Dzự: Biếm họa phải co kịch tính
> Tranh lịch sử hết thời?

Để cho “chắc ăn”, các tác giả dự thi còn phải gửi kèm bản “thuyết minh cụ thể về sự kiện, nhân vật và ý nghĩa tác phẩm” để ban tổ chức tiến hành xác minh…

Thoạt nghe qua, thấy giật mình. Bởi thế thì còn gì là biếm, vốn sâu cay về trào lộng, đả kích, “dị dạng hóa” mọi sự việc và thói tật. Họa sĩ biếm nổi tiếng Lý Trực Dũng, trong một bài viết trên báo Nhân Dân, kể một thời biếm họa gần như bị xếp xó, do một số vị có trách nhiệm quy là “bêu riếu, chống chế độ”! Đến thời Đổi mới, báo Nhân Dân dưới thời Tổng biên tập Hồng Hà, đã cho đăng tranh biếm họa ngay trang nhất, to bằng nửa tờ giấy A4.

Nhưng rồi nghĩ lại, thấy đề bài “người thật việc thật” của cuộc thi cũng chẳng đáng để lăn tăn. Cần gì phải hư cấu, khi ngày ngày cuộc sống bày dọn ra biết bao câu chuyện khốc liệt lẫn bi hài. Có tài để tiêu hóa hiện thực ấy vào tác phẩm hay không mà thôi?

Đến đây, lại liên hệ đến chuyện các đạo diễn của ta đang phải lục tung tác phẩm hiện thực phê phán thời Vũ Trọng Phụng để làm phim, dựng kịch. Chất liệu hiện thực thời bây giờ chả lẽ kém xưa ? Thiếu tài ? Hay bởi không dám viết, dám vạch vòi đến nơi đến chốn, đành “bổn cũ” soạn lại cho an toàn?!

Rồi lại nghĩ đến chuyện một nhiếp ảnh gia xồng xộc đuổi bớt “nhân vật thừa” trong một bối cảnh thực tế ra khỏi ống kính thời sự của mình, thì bức ảnh ấy còn ý nghĩa gì ? Đó là sản phẩm của một tay máy phản ánh hiện thực, hay của một biên tập viên?

Thức ăn nào cho nghệ thuật hiện thời? Trên mạng đang diễn ra tranh cãi khá vui xung quanh câu chuyện biến nghệ thuật thành… thức ăn. Đó là những cuộc đấu giá tranh lấy tiền ủng hộ chương trình từ thiện “Cơm có thịt” cho học sinh nghèo vùng cao. Dù từng phe nghiêng về thịt hoặc tranh, thì đều thấy toát lên một điều, đó là sự có ích.

Còn những thứ nghệ thuật kiểu như “ánh trăng lừa dối”, không chỉ vô ích, mà còn
độc hại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.