Thủ tướng Chính phủ làm diễn giả tại ĐHQG TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trò chuyện với sinh viên ĐHQG TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua chính là một phép thử, là bài test khi chúng ta phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa. Tuy vậy, chúng ta vẫn có được sự giao lưu, làm việc nhờ vào thành quả của chuyển đổi số, nhờ các thành tựu của khoa học công nghệ, đồng thời cũng làm cho con người xích lại gần nhau hơn.

Chiều 16/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Khai khóa năm 2023 của Đại học Quốc gia TPHCM và làm việc với cán bộ chủ chốt của đại học này.

Đến dự buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương và hơn 600 bạn sinh viên, học sinh.

Giáo dục đại học ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo

Đến với lễ Khai khóa trong vai trò diễn giả khách mời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi, chia sẻ với các thầy cô, các bạn học sinh, sinh viên chủ đề “Giáo dục đại học và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới”.

Thủ tướng Chính phủ làm diễn giả tại ĐHQG TPHCM ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ Khai khóa và làm việc với ĐHQG TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

Thủ tướng Chính phủ làm diễn giả tại ĐHQG TPHCM ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, chia sẻ với các bạn học sinh sinh viên.

Mở đầu buổi nói chuyện, Thủ tướng nêu rõ: Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xác định, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

“Đây là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày nay, cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học đang thay đổi và phát triển đa dạng. Đặc biệt, công nghệ thông tin (bao gồm trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến hóa) được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác và hấp dẫn hơn, phát triển tư duy sáng tạo, tăng khả năng làm việc độc lập của người học.

Thủ tướng nhìn nhận, đất nước ta cũng gặp thuận lợi trong bối cảnh thế giới phẳng. Và vừa qua, đại dịch COVID-19 chính là một phép thử, là bài test khi chúng ta phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa. “Tuy vậy, chúng ta vẫn có được sự giao lưu, làm việc. Đó chính là nhờ chuyển đổi số, internet, nhờ các thành tựu của khoa học công nghệ, đồng thời cũng làm cho con người xích lại gần nhau hơn”, Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận giáo dục đại học ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng, tăng tính chủ động, tạo môi trường học tập tương tác; truyền đạt kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tạo lập môi trường chủ động, tăng cường tương tác trong quá trình giảng dạy - học tập; hướng tới đào tạo những “Công dân toàn cầu”.

Chia sẻ với các bạn sinh viên, Thủ tướng cho biết, sau chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, không có dân tộc nào chịu nhiều đau khổ như dân tộc Việt Nam, khi đất nước phải đụng độ với chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, trải qua cuộc chiến tranh chống lại nạn diệt chủng Pon Pot Ieng Sary, rồi đương đầu các cuộc chiến tranh biên giới, bị bao vây cấm vận cho đến năm 1985 - 1986…

Thủ tướng nhấn mạnh, trước hoàn cảnh đó, nhờ công cuộc đổi mới của Đảng cùng sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến bây giờ, so với các nước Đông Nam Á, vai trò, tiềm lực kinh tế chúng ta không thua kém.

Chú trọng trọng dụng đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết quả mà ĐHQG TPHCM đạt được sau 28 năm hình thành và phát triển đã qua rất đáng tự hào. Do đó cần tổng kết, tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho những người quan tâm để các thầy cô giáo, sinh viên khi đến đây học tập, nghiên cứu sẽ tự hào về truyền thống nhà trường, để từ đó có động lực tiếp tục noi theo, vun đắp các thế hệ đi trước và tạo nên một mái trường thật sự hiện đại, có chất lượng dạy và học ngang tầm khu vực và vươn lên tầm thế giới.

Đánh giá cao việc ĐHQG TPHCM đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, Thủ tướng đề nghị đại học này sớm hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án để đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Với mục tiêu, tầm nhìn đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ĐHQG TPHCM đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành, những người có ý tưởng trong nghiên cứu…

Thủ tướng Chính phủ làm diễn giả tại ĐHQG TPHCM ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành chụp ảnh lưu niệm với học sinh, sinh viên ĐHQG TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

MỚI - NÓNG