Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ tắc thanh toán dịch vụ công Hà Nội

Hàng nghìn người lao động trên nhiều lĩnh vực công ích đang bị TP Hà Nội nợ quỹ thanh toán lương.
Hàng nghìn người lao động trên nhiều lĩnh vực công ích đang bị TP Hà Nội nợ quỹ thanh toán lương.
TPO - Trước việc nhiều lĩnh vực công ích bị thành phố Hà Nội nợ thanh toán, dẫn đến người lao động bị giảm, nợ lương (Tiền Phong đã có tuyến bài phản ánh), đại diện Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, văn phòng đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ về việc này.

Văn bản hỏa tốc số 32/2019/NĐ-CP của Văn phòng Chính phủ gửi các bộ ngành liên quan, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho biết, xét báo cáo của Bộ Tài chính; ý kiến của các bộ: Tư pháp; KH&ĐT về tình hình triển khai Nghị định số 32, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến một số vấn đề còn tồn tại.

Cụ thể, với những vướng mắc của UBND thành phố Hà Nội liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ công ích đột xuất, nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách do Trung ương giao thành phố Hà Nội thực hiện… Thủ tướng có ý kiến tháo gỡ: Thành phố Hà Nội được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu (không phải thực hiện quy trình đấu thầu từ 60 đến 75 ngày theo Nghị định 32 – PV); tuy nhiên phải có báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phù hợp.

Đối với các khoản thanh toán cho các doanh nghiệp công ích trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu (hiện nay chưa có cơ sở thanh toán - PV); Thủ tướng có ý kiến, UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ xem xét, quyết định; tiến độ: chậm nhất trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020.

 Với một số nội dung kiến nghị khác, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, UBND thành phố Hà Nội thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Về các kiến nghị của các địa phương khác, Thủ tướng cho ý kiến: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương theo nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuọc lĩnh vực quản lý; ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định, liên quan trong phạm vi lĩnh vực quan lý nhà nước được giao. Thời gian hoàn thành trước 31/12/2020.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền danh mục dịch vụ sự nghiệp công ích, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nhiệp công ích tính đủ chi phí và các quy định liên quan, thời gian hoàn thành trước 31/12/2020. Giao Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phựomg trong quá trình triển khai Nghị định 32. Trường hợp cần thiết có hướng dần chung để bảo đảm thực hiện đồng bộ và thống nhất, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ giao bộ ban hành văn bản hướng dẫn.

Thông tin với PV Tiền Phong ngày 30/11 về cuộc họp thường kỳ Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, sẽ diễn ra vào ngày 2/12. Tại đây cùng với các vấn đề kinh tế - xã hội khác, Thủ tướng cũng sẽ nghe báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính về những vướng mắc trong việc thanh toán dịch vụ công ích trong các tháng đầu năm vừa qua khi thực hiện Nghị định 32, sau đó sẽ trực tiếp cho hướng tháo gỡ.

Tuần qua, Báo Tiền Phong đã có tuyến bài với nhan đề “Nguy cơ tê liệt nhiều dịch vụ công ích Hà Nội” phản ánh về việc nhiều đơn vị công ích tại Thủ đô như thoát nước; thu gom, xử lý rác; cây xanh; thủy lợi; vận tải công cộng bằng xe buýt… đang bị thành phố Hà Nội nợ toàn bộ tiền hoạt động các tháng đầu năm 2020. Tình trạng này đã làm nhiều đơn vị gặp khó khăn, có đơn vị phải cắt giảm lương người lao động, thậm chí đối mặt với nguy cơ tê liệt hoạt động.

Trả lời báo Tiền Phong về việc này, cả đại diện UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính đều cho rằng, đã có các giải pháp tháo gỡ, nhưng đến nay mọi biện pháp đưa ra sau hơn 1 năm Nghị định 32 có hiệu lực vẫn chỉ là “đá” quả bóng trách nhiệm lên Chính phủ. Một số địa phương khác, trong đó có TP.HCM cũng thực hiện Nghị định này, nhưng hiện nay không gặp vướng mắc gì lớn, hệ thống dịch vụ công ích vẫn vận hành ổn định.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.