'Tắc' thanh toán ở Hà Nội: Nguy cơ đình trệ một số dịch vụ công

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong khi tiền trợ giá xếp kho, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để buýt hoạt động Ảnh: Anh Trọng
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong khi tiền trợ giá xếp kho, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để buýt hoạt động Ảnh: Anh Trọng
TP - Toàn bộ chi phí vận hành 3 tháng đầu năm nay của hệ thống xe buýt có trợ giá tại Hà Nội chưa được thanh toán. Các lĩnh vực công ích thiết yếu khác như vận hành thoát nước; thu gom, xử lý rác thải của Hà Nội  cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì thế, nguy cơ tê liệt những loại dịch vụ công vừa kể trên đang hiện hữu ở Thủ đô.

Phải vay tiền để duy trì dịch vụ công ích

 Với 8 tuyến buýt hoạt động theo cơ chế có trợ giá của thành phố Hà Nội, mỗi tháng, xe buýt của Công ty CP Xe điện Hà Nội (Cty Xe điện) vận chuyển hơn nửa triệu lượt hành khách.  Ngoài chi phí của doanh nghiệp (DN), Hà Nội hỗ trợ (trợ giá) khoảng 16 tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 3 đầu năm nay, khoản hỗ trợ này không được thành phố chi trả. Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn và 140 xe buýt loại 60 chỗ trở lên với 750 nhân viên lái, phụ xe tại đơn vị mình không bị ngừng vận hành, Cty Xe điện phải vay ngân hàng. Số tiền công ty này đã vay trong 3 tháng đầu năm là 50 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cty Xe điện cho biết, đơn vị chủ động đi vay, sau đó dự tính 1- 2 tháng sẽ được thành phố hoàn thiện chính sách để thanh toán, tuy nhiên đến nay (tháng 11/2020) việc này vẫn chưa được giải quyết.

“Việc kéo dài thanh toán khoản trợ giá 50 tỷ đồng vừa khiến việc vay kinh phí đầu tư phương tiện của đơn vị tại các ngân hàng đối tác bị ảnh hưởng (do đã vay trả lương lao động), vừa khiến mỗi tháng DN phải trả lãi khoảng 4 tỷ đồng”, lãnh đạo Cty Xe điện thông tin.

Ngoài việc chậm được thanh toán khoản trợ giá trong các tháng đầu năm, lãnh đạo Cty CP ô tô vận tải Hà Tây (Cty Vận tải Hà Tây) - chủ quản của tuyến buýt số 72 lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19; chính sách miễn phí của thành phố Hà Nội cho người từ 60 tuổi trở lên.

Trước các khó khăn này, Cty Vận tải Hà Tây đã có văn bản đề nghị dừng tuyến buýt trợ giá số 72 cho thành phố nếu các tồn tại trên không được giải quyết sớm.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 104 tuyến buýt có trợ giá. Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019 các lĩnh vực công ích trên tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Tại Hà Nội trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong. Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm hiện chưa được thanh toán. 68 tuyến buýt này thuộc 6 đơn vị, trong đó các đơn vị có nhiều tuyến xe như: Tổng Cty Vận tải Hà Nội, Cty CP Xe khách Hà Nội, Công ty CP Xe điện, Cty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Chi nhánh Cty TNHH Bắc Hà.

Thoát nước, thu gom vận chuyển rác: Nguy cơ bị tê liệt

Gần một tuần nay, nhiều tuyến phố Hà Nội rác thải chất thành đống ở hai bên đường, nhiều nhất là các tuyến phố trên địa bàn quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm. Nguyên nhân là công nhân của Cty Minh Quân (đơn vị trúng thầu vận chuyển rác tại các khu vực này) bị nợ lương nên họ đình công.

Lý giải cho việc này, đại diện Cty Minh Quân cho biết, đơn vị đang bị các quận, huyện nợ khoảng 150 tỷ đồng tiền thu gom, vận chuyển rác tích lũy nhiều năm do phát sinh khối lượng chưa được thanh toán. Còn đại diện một số quận, huyện cho biết, do vướng quy định mới khi chuyển từ đặt hàng sang đấu thầu nên tài chính các quận huyện chưa rõ cơ chế để thanh toán.

Cty Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco (đơn vị đang thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn 4 quận trung tâm Hà Nội) cho biết, hiện các xí nghiệp của Urenco đang bị nợ 11 tỷ đồng tiền nhân công do chậm được thành phố thanh toán do vướng Nghị định 32.

“Do khoản tiền này được Urenco chủ động vay ngân hàng để trả tiền lương cho công nhân nên công việc thu gom rác trên địa bàn khu vực đơn vị phụ trách vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đơn vị hàng tháng đang phải trả lãi không nhỏ cho khoản vay trên. Nếu thành phố vẫn tiếp tục kéo dài việc thanh toán, quỹ kinh phí dự phòng bị sử dụng hết, các hoạt động tăng cường xe chở rác giải quyết sự cố như bãi rác Nam Sơn vừa qua sẽ khó khi thực hiện”, đại diện Urenco thông tin.

Đối với hoạt động thoát nước,  đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, do vướng mắc từ cơ chế chuyển từ đặt hàng sang đấu thầu, trong quý 1 vừa qua, hoạt động thoát nước, huy động xe đi giải quyết sự cố ngập úng trên địa bàn Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân của việc này là một số khoản kinh phí thành phố đặt hàng cho thoát nước theo định kỳ hàng năm, trong đó có quý 1 năm 2020 đến nay vẫn bị treo.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các DN xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng. “Với lãi suất từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ sụp đổ, dừng chạy của nhiều tuyến buýt Hà Nội sẽ xảy ra”, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cảnh báo.

MỚI - NÓNG