TPO - Máy đào hầm TBM của tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải…,do đó việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian. Để có thể đưa máy xuống lòng đất ở ga ngầm S9-Kim Mã, MRB và các nhà thầu phải thực hiện phương pháp cuốn chiếu, tức là vận chuyển đường bộ rồi dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.
Đây là máy đào hầm metro đầu tiên của TP Hà Nội. Máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55 m.
Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm.
Theo ghi nhận của phóng viên TPO, sáng 30/11, những bộ phận đầu tiên của robot đào hầm khổng lồ đã bắt đầu được vận chuyển đến điểm tập kết tại ga S9.
Các kỹ sư, công nhân của tập đoàn Fecon đang khẩn trương hàn những ray trượt tiếp theo để vận chuyển robot đào hầm di chuyển dễ dàng sâu trong lòng đất.
Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4 km. Khoan đến đâu, vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.
Các kỹ sư đang trao đổi cùng nhau những bước cuối cùng trước khi vận chuyển các bộ phận của robot khổng lồ vào trong lòng hầm.
Cùng hô cao khẩu hiểu quyết tâm 'an toàn là trên hết' trước mỗi buổi làm việc của các kỹ sư, công nhân trên công trường thi công ga ngầm S9.
Để có thể đưa máy xuống lòng đất ở ga ngầm S9 – Kim Mã, MRB và các nhà thầu dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.
Theo MRB, robot đào hầm là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải... vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian.
Dự kiến, việc vận chuyển và lắp đặt toàn bộ máy sẽ kéo dài khoảng 2 tháng.