Cầu cứu Chính phủ

Xe buýt, một trong những dịch vụ công ích bị ảnh hưởng khi chuyển đổi cơ chế ảnh: Trọng đảng
Xe buýt, một trong những dịch vụ công ích bị ảnh hưởng khi chuyển đổi cơ chế ảnh: Trọng đảng
TP - Trước nguy cơ một số dịch vụ công ích ở Hà Nội bị đình trệ vì “tắc” thanh toán (Tiền Phong ngày 20/11 đã nêu), đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ 

Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND thành phố Hà Nội cho biết, lâu nay các dịch vụ công ích tại Hà Nội như thoát nước; thu gom, xử lý rác thải; vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt; cây xanh; thủy lợi… đang hoạt động theo cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đầu năm 2019, từ tháng 6/2019 các lĩnh vực công ích này phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Do hết quý 1/2020 các lĩnh vực trên tại Hà Nội mới hoàn thành việc chuyển sang đấu thầu, nên toàn bộ chi phí thanh toán theo hình thức trợ giá, đặt hàng trong các tháng đầu năm của nhiều lĩnh vực công ích tại Hà Nội chưa được thanh toán.

Chỉ ra các khó khăn cụ thể khi thực hiện Nghị định 32, văn bản của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: vướng mắc đầu tiên là liên quan  quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất đối với các đơn vị, doanh nghiệp vốn đang trực thuộc nhà nước nhưng nay phải chuyển sang hình thức đấu thầu, trong đó có hệ thống các công viên, vườn thú, công trình thủy lợi… “Khi thực hiện đấu thầu phải chia tách thành các hạng mục nhỏ, từng nội dung công việc khác nhau dẫn đến khó khăn, phức tạp”, văn bản nêu rõ.

Khó khăn tiếp theo, một số nhiệm vụ, nội dung thành phố được Trung ương giao thực hiện đột xuất, như chiếu sáng, trang trí, môi trường đô thị, huy động phương tiện… nếu theo đấu thầu phải mất ít nhất 60 ngày, trong khi các nhiệm vụ này được đưa ra và yêu cầu hoàn thành chỉ tính bằng tuần.

Đối với hoạt động VTHKCC, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, trong khoảng thời gian từ 1/1/2020, đến thời điểm có kết quả đấu thầu và tổ chức thực hiện theo đấu thầu, các đơn vị hoạt động công ích trong năm 2019 và quý 1/2020 trên lĩnh vực này vẫn phải tiếp tục hoạt động để đảm bảo an sinh xã hội. “Tuy nhiên về kinh phí, do chưa đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ theo quy định mới nên đến nay các đơn vị này vẫn chưa được tạm ứng, thanh toán, việc này dẫn đến khó khăn cho nhà thầu về nguồn vốn hoạt động và chi trả lương cho người lao động”, văn bản nêu.

Kiến nghị cơ chế đặt hàng

Tại văn bản của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng  cho phép thành phố thực hiện đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích đối một số lĩnh vực gồm:

Thứ nhất, nhóm lĩnh vực về quản lý, sử dụng tài sản công (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, tài sản là các trạm bơm thuộc lĩnh vực thủy lợi); tài sản được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, tài sản của doanh nghiệp, do doanh nghiệp đầu tư, quản lý công ích vận hành.

Thứ hai, nhóm lĩnh vực liên quan đến các nhiệm vụ chính trị, quan trọng, cấp bách của Trung ương giao và của thành phố. Các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ công ích chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng cần thiết phải đưa vào vận hành ngay nhằm đảm bảo các yêu cầu an sinh xã hội, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

Với nhóm các đơn vị đang cung ứng dịch vụ công ích từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu và tổ chức thực hiện theo hợp đồng ký với đơn vị trúng thầu,  Hà Nội đề nghị được lấy định mức đấu thầu làm cơ sở tạm ứng, thanh và quyết toán kinh phí thực hiện trước đó.

Đại diện Văn Phòng Chính phủ cho biết, không chỉ Hà Nội hiện Chính phủ đã nhận được một số văn bản kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những tồn tại của Nghị định 32, trong những ngày tới Chính phủ sẽ có cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành, địa phương để có ý kiến về việc này.

MỚI - NÓNG