Cái miệng làm khổ cái thân
Cuộc sống đang ngày một khá giả dần lên giúp cho chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó con người cũng dễ sinh ra những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến chính sức khỏe và trí óc của mình. Một trong những thói quen xấu đó là thói quen "ăn cho đã miệng".
Bộ phận đầu tiên hứng chịu hậu quả là dạ dày. Thói quen ăn cho đã khiến cho dạ dày trương lên quá mức, nhu động trở nên chậm chạp và dịch tiêu hóa tiết ra không đủ so với lượng thức ăn dư thừa.
Thức ăn không được tiêu hóa sẽ bị vi khuẩn phân hủy thành độc tố làm hỏng dạ dày, tá tràng, gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Lượng thức ăn bị biến chất do không được tiêu hóa cũng gây kích thích lên thành ruột, gây sưng phồng và suy giảm chức năng ruột.
Như một bộ máy, hệ tiêu hóa cũng cần có thời gian bảo dưỡng thì mới có thể vận hành đều đặn, trơn tru. Thói quen thường xuyên ăn quá no khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải, nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa như trướng bụng, khó tiêu và đau dạ dày, viêm loét dạ dày là điều khó tránh khỏi.
Không chỉ tác động lên thành ruột hay dạ dày, những độc tố do quá trình phân hủy thức ăn không được tiêu hóa khi bị hấp thụ còn làm tổn hại hệ thần kinh trung ương.
Thường xuyên ăn no trong thời gian dài còn khiến não bộ sinh ra một loại tế bào có hại cho não. Chúng tích lũy trong não và dần dần sẽ dẫn đến xơ cứng động mạch não. Trong thời gian dài, tế bào não bị thiếu oxy sẽ dần chết đi khiến năng não suy giảm, trí nhớ kém, tư duy chậm.
Thực ra, mỗi ngày dạ dày của chúng ta chỉ cần nạp một nửa lượng thức ăn là có thể cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho một ngày. Nhưng đa phần chúng ta đều ăn quá lượng, sau khi ăn no có thể sẽ khiến cho đầu óc mê mẩn và muốn ngủ.
Các nhà khoa học cho biết, sau khi ăn no "nguyên bào sợi" của não có thể sẽ tăng mấy vạn lần, khiến cho khí oxy trong máu ở lớp vỏ não không được cung cấp đầy đủ, mô não bị teo và chức năng của não suy yếu, kéo theo đó là trí nhớ suy giảm, tư duy chậm chạp, cuối cùng gây ra chứng mất trí.
Theo thống kê từ một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, trong khoảng 30% - 40% người cao tuổi mắc chứng mất trí thì hồi còn trẻ hầu như đều có thói quen thường xuyên ăn no.
Kết quả điều tra của các chuyên gia dinh dưỡng Phần Lan cũng chứng tỏ điều này, có 20% số người già mắc bệnh Alzheimer do thói quen ăn quá no và đặc biệt ăn nhiều thức ăn giàu đạm, chất béo khi còn trẻ.
Chết sớm nếu thường xuyên ăn quá no
Việc bạn thường xuyên ăn quá no không chỉ làm khổ dạ dày, khiến cho đầu óc mụ mị đi mà còn nguy hại đến tim mạch, xương khớp và tuổi thọ.
Các chuyên gia y tế đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, tỉ lệ mắc chứng loãng xương ở người thường xuyên ăn no là rất cao. Do thường xuyên ăn quá no khiến cho lượng hormon thyroid ở tuyến giáp trạng tăng, làm cho xương bị thiếu canxi trầm trọng, từ đó chất xương thất thoát nhanh hơn, khiến cho nguy cơ mắc chứng loãng xương cũng nâng cao.
Những người thường xuyên ăn quá no cũng rất dễ mắc bệnh động mạch vành. Đối với những người đã mắc bệnh này thì việc ăn quá no càng trở nên nguy hiểm.
Ăn quá nhiều, đặc biệt là các thức ăn nhiều chất béo sẽ khiến cholesterol tích lắng ở thành động mạch, làm cho động mạch xơ cứng nhanh, gây ảnh hưởng tới động mạch vành của người bệnh.
Ăn no trong bữa tối lại càng nguy hiểm hơn, bởi khi ngủ lưu thông trong máu sẽ chậm lại. Ăn no làm mỡ trong máu tăng lên, dễ tích lắng ở thành huyết quản ảnh hưởng đến tính đàn hồi của mạch máu, dẫn tới xơ cứng động mạch.
Ngoài ra, khi ăn quá no thì các gốc oxy tự do tổng hợp trong cơ thể càng nhiều, khiến cho tế bào càng dễ bị tổn thương, quá trình lão hóa diễn ra sớm, tuổi thọ bị rút ngắn.
4 cách kìm hãm sự sung sướng khi ăn
Để việc ăn uống không làm hại sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta chỉ nên ăn bằng 70% sức ăn của mình. Tuy nhiên làm thế nào để "kìm hãm sự sung sướng" khi gặp phải món ăn ngon quả là không dễ.
Những gợi ý sau đây có thể giúp bạn kiểm soát được vấn đề ăn uống để tránh việc ăn quá no gây hại cho sức khỏe.
1. Ăn chậm: Phải mất đến 12-20 phút não bộ mới kịp phát tín hiệu no. Như vậy, nếu bạn ăn quá nhanh thì nhiều khi dạ dày của bạn đã đầy ự nhưng tay vẫn chưa ngừng gắp. Ăn chậm sẽ giúp não có đủ thời gian sản sinh ra phản ứng này.
2. Không vừa ăn vừa xem ti vi, chơi game…: Sự kết hợp này sẽ khiến cho bạn ăn một cách vô thức và có thể ăn nhiều quá mà không nhận ra.
3. Sử dụng bát, đĩa nhỏ.
4. Chọn thức ăn dễ no: Thực phẩm giàu chất xơ, protit và nước làm cho chúng ta có cảm giác chóng no, nhưng thực tế lượng calo bạn đưa vào cơ thể vẫn không hề nhiều và đa phần chúng thường dễ tiêu hơn so với thức ăn nhiều đạm.