Thời của đánh thuê

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vụ ám sát tổng thống Haiti hôm 7/7 được thực hiện bởi toàn người nước ngoài. Cả thảy 17 trong số 28 kẻ tình nghi bị bắt đều xuất xứ từ Colombia và Mỹ. Sự kiện này có vẻ thêm bằng chứng về dấu hiệu trỗi dậy của trào lưu đánh thuê tưởng đã quá vãng.

Một tiết lộ nhỏ giọt về cái chết của tổng thống Jovenel Moise trong lúc Mỹ từ chối cử lính đến Haiti. Cơ quan điều tra cho biết ông Moise 53 tuổi được phát hiện nằm ngửa trên sàn, cửa trước mở toang, cầu thang đầy máu, và các cửa khác bị đập phá. Cũng hôm qua, Mỹ chính thức thoái thác đề nghị điều quân đến bảo vệ các vị trí trọng yếu của quốc gia 12 triệu dân vùng Caribe.

Còn Colombia từ đầu đến cuối vẫn thế. Họ thản nhiên cung cấp danh tính phần lớn trong số bị bắt ở Haiti là cựu quân nhân mà không sợ bị quốc tế lên án. Lính Colombia dư thừa sau nhiều năm chiến tranh đánh thuê khắp nơi. Lương mới không dưới 2.700 USD/tháng so với lương quân ngũ 300 USD.

Đánh thuê nguy hiểm hơn so với nhiều người tưởng. Năm 2018, nhóm lính Mỹ gồm biệt kích, đặc nhiệm, thủy quân và mũ nồi xanh – bộ phận quân Mỹ tinh nhuệ nhất - bị chặn ở Syria. Tấn công họ là 500 lính đánh thuê không hề hỗn mang như biếm họa trong phim Hollywood. Họ được trang bị cả pháo và xe tăng.

Một trong những nguồn tuyển lính đánh thuê khét tiếng là công ty Wagner PMC. Sáng lập và lãnh đạo nó là Dmitry Utkin, xuất thân từ tình báo quân đội. Khoảng 2.500 lính đánh thuê ở Syria được trả lương 5.300 USD/tháng. Chỉ cần 500 người, họ trụ tới bốn tiếng trước đặc nhiệm Mỹ được trang bị máy bay không người lái Reaper, trực thăng Apache, phản lực F-22, máy bay tấn công F-15, và chiến đấu cơ AC-130.

Lực lượng đánh thuê, thuộc hàng cổ xưa thứ hai thế giới, tái sinh chẳng ngạc nhiên. Từ 2015 đến nay, họ tràn ngập các chiến trường ở Yemen, Libya, Nigeria, Ukraine, Syria, Iraq, Somalia, Mozambique, Central African Republic, và Venezuela. Giờ còn có cả lính đánh thuê online gọi là các hack back companies.

Vụ ở Haiti báo hiệu trào lưu đánh thuê tái xuất. Nhóm ám sát tổng thống Moise mật phục tại Haiti ít nhất ba tháng, trùng với phương thức hoạt động phổ biến của lực lượng này. Suốt ba thập kỷ qua kể từ lúc tái xuất, chúng luôn trong bóng tối và đầy ý chí. Nigeria tuyển lính đánh thuê đẩy nhóm khủng bố Boko Haram ra khỏi đất nước chỉ sau ba tuần, điều họ không thể thực hiện được suốt sáu năm ròng. Không chỉ Nigeria và Haiti, câu hỏi lớn là vì sao quân đội các nước ngày càng mạnh lại có vẻ chừa ngày càng nhiều chỗ để đám đánh thuê tái xuất giang hồ.

MỚI - NÓNG